Chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc. Ảnh: MW.
Sau khi Israel mở màn chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào Iran vào ngày 13/6 và Mỹ chính thức tham chiến 9 ngày sau đó bằng việc triển khai oanh tạc cơ tàng hình B-2 cùng tàu ngầm tấn công hạt nhân, năng lực chiến đấu của lực lượng không quân Iran bất ngờ thu hút sự quan tâm rộng rãi.
Dù Iran sở hữu một lực lượng chiến đấu cơ khá đông đảo – gần 300 chiếc – phần lớn đội bay lại là những máy bay lỗi thời. Sự lạc hậu này khiến không quân Iran gần như không thể đóng vai trò đáng kể trong nhiệm vụ phòng không, và càng không có khả năng tiến hành phản kích hiệu quả vào các mục tiêu của Mỹ hay Israel.
Những hạn chế này đã đặt gánh nặng phòng thủ lên mạng lưới phòng không mặt đất hiện đại hơn và kho tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái quy mô lớn của Iran. Không sở hữu một lực lượng tiêm kích đủ sức răn đe được xem là yếu tố then chốt khiến Tehran không thể ngăn chặn được quyết tâm gây chiến của Israel và các đồng minh phương Tây.
Máy bay chiến đấu F-4D/E của Không quân Iran. Ảnh: MW.
Từ những năm 1990, Iran đã được cho là tìm cách mua tiêm kích MiG-29 hiện đại hóa và máy bay đánh chặn MiG-31 của Nga. Trong những năm 2000, các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn, và đến thập kỷ tiếp theo, có tin đồn về khả năng Tehran sẽ sản xuất tiêm kích Su-30 theo giấy phép. Gần đây nhất, Iran được cho là đã đặt mua Su-35 từ Nga từ năm 2022, nhưng đến nay vẫn chưa có máy bay nào được bàn giao.
Sự chậm trễ này khiến Iran hướng ánh nhìn về phương Đông: một số nguồn tin cho rằng Tehran đang cân nhắc mua tiêm kích J-10C của Trung Quốc – loại máy bay hiện đại hơn các mẫu của Nga và giúp Iran tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Moscow. Sau khi J-10C của Pakistan giành chiến thắng quan trọng trước các tiêm kích hiện đại của Ấn Độ vào đầu tháng 5, sức hút của mẫu chiến đấu cơ này với các khách hàng quốc tế càng tăng lên.
J-20 dẫn đầu J-16 (trên) và J-10C trong một đội hình bay. Ảnh: MW.
Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá quân sự, tiêm kích tối ưu nhất cho Iran không phải là J-10C, mà là J-16 – mẫu tiêm kích hạng nặng hiện đại do Trung Quốc phát triển dựa trên Su-27 của Liên Xô, vượt trội trên nhiều khía cạnh.
J-16 được ví như "F-15EX phiên bản Trung Quốc", trong khi J-10C tương đồng với F-16 Block 70 của Mỹ – dù cả hai mẫu máy bay Trung Quốc đều mới hơn và có nhiều ưu thế công nghệ. Cả J-10C và J-16 đều là tiêm kích thế hệ 4+ được nâng cấp từ chương trình phát triển máy bay thế hệ 5 (J-20), sở hữu vật liệu composite, lớp phủ tàng hình, hệ thống cảm biến và vũ khí tiên tiến.
J-16 bay qua bãi biển Trung Quốc vào đầu năm 2025. Ảnh: MW.
Khác biệt lớn nhất là J-16 có kích thước khung thân lớn, mang được radar lớn, tải trọng vũ khí và nhiên liệu cao – giúp nó hoạt động lâu hơn, xa hơn, phù hợp với không gian rộng lớn của Iran. Radar của J-16 thậm chí còn vượt trội hơn các tiêm kích hạng nặng của Nga như Su-35, nhờ vào ưu thế vượt trội của ngành điện tử Trung Quốc. Các mẫu tiêm kích Mỹ như F-35 dù có radar tiên tiến nhưng kích cỡ vẫn chưa thể sánh bằng J-16.
Máy bay chiến đấu J-16. Ảnh: MW.
J-16 sở hữu những hệ thống cảm biến hiện đại, liên kết dữ liệu tiên tiến và được trang bị các loại tên lửa không đối không tân tiến như PL-15 và PL-16 – tương đương với tên lửa AIM-260 của Mỹ và vượt xa R-77-1 của Nga. Ở tầm gần, tên lửa PL-10 giúp J-16 chiếm ưu thế rõ rệt nhờ khả năng khóa mục tiêu ngoài trục ngắm ở góc cực lớn.
Trái lại, J-10C tuy hiện đại nhưng bị hạn chế bởi tầm bay ngắn, radar nhỏ và khó kiểm soát không phận rộng lớn của Iran. Ngoài ra, trước các máy bay tàng hình F-35 của Israel và Mỹ, radar của J-10C được đánh giá là gặp nhiều thách thức, kể cả khi phối hợp với hệ thống radar mặt đất.
J-16 lại khác: Mẫu chiến đấu cơ này có radar cỡ lớn, tầm phát hiện mục tiêu cao, được cho là có khả năng đối phó hiệu quả với máy bay tàng hình, tương tự vai trò của F-15EX tại Mỹ. Việc sở hữu một số lượng nhỏ J-16 cũng có thể đủ để làm thay đổi cục diện nếu biết tận dụng ưu thế cảm biến và tên lửa vượt trội.
Máy bay F-35 và F-15 của Israel tiếp nhiên liệu trên không trong cuộc tấn công mô phỏng vào Iran. Ảnh: MW.
Một trong những điểm mạnh hiếm thấy của J-16 là khả năng mang tên lửa không đối không cỡ lớn PL-XX – loại vũ khí mà J-10C không thể mang. PL-XX được tối ưu để tiêu diệt máy bay tiếp dầu, máy bay cảnh báo sớm và cả máy bay ném bom chiến lược. Do phần lớn đội bay Israel dựa vào F-16 với tầm hoạt động hạn chế và cần tiếp dầu để tấn công Iran, khả năng tấn công các máy bay tiếp vận là yếu tố có thể xoay chuyển toàn bộ cục diện chiến tranh.
Khả năng đánh chặn máy bay cảnh báo sớm cũng giúp làm gián đoạn hệ thống chỉ huy–kiểm soát của đối phương, làm giảm nhận thức tình huống trên không. Nhờ tầm bay xa và sức mạnh cảm biến, J-16 thậm chí có thể tác chiến từ ngoài không phận Iran, khiến đối phương khó đoán và khó phản đòn.
Máy bay chiến đấu J-16 với tên lửa PL-XX, PL-15, PL-12 và PL-10. Ảnh: MW.
Hiện không quân Iran vẫn vận hành các máy bay hạng nặng thế hệ cũ như F-14 và Su-24M, cùng một số ít MiG-29. J-16 được cho là có chi phí vận hành và bảo trì thấp hơn đáng kể, không gây gánh nặng quá lớn cho ngân sách phòng không của Tehran.
Thách thức lớn nhất có thể là quá trình huấn luyện: J-16 có công nghệ vượt xa bất kỳ máy bay nào trong biên chế Iran hiện nay, đòi hỏi thay đổi toàn bộ chiến thuật tác chiến. Ngoài ra, J-16 chưa từng được Trung Quốc chào bán ra nước ngoài – có thể vì lý do bản quyền thiết kế có nguồn gốc từ Liên Xô, đòi hỏi phải có sự đồng thuận của Nga.
Tuy nhiên, Nga đang ngày càng phụ thuộc vào máy bay không người lái của Iran trong chiến sự Ukraine, và lại không sẵn lòng bán tiêm kích hiện đại cho Iran. Điều này có thể khiến Moscow chấp thuận để Trung Quốc xuất khẩu J-16 cho Tehran.
Về phần Trung Quốc, lo ngại về rò rỉ công nghệ từ J-16 có thể được giảm nhẹ, khi họ đã tiến rất xa với các chương trình tiêm kích thế hệ 5 và 6. Việc đã bán J-10C cho những quốc gia có quan hệ quân sự gần gũi với Mỹ như Pakistan hay Ai Cập – những nơi tiềm ẩn rủi ro bị lộ công nghệ cao hơn nhiều – cho thấy việc xuất khẩu J-16 cho Iran có thể được chấp nhận.
Huyền Chi