J-20 Trung Quốc 'đe dọa' sự thống trị trên không của Mỹ

J-20 Trung Quốc 'đe dọa' sự thống trị trên không của Mỹ
4 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự một cách nhanh chóng với việc Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) tăng cường số lượng lớn tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 J-20.
Phi đội J-20 của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, với hơn 70 máy bay mới được đưa vào hoạt động trong năm qua. Điều này đặt ra những thách thức mới cho sự thống trị trên không của Mỹ.
J-20 được cho là tận dụng công nghệ đánh cắp từ F-35, đang dần thay thế các máy bay cũ của Trung Quốc và trở thành một lực lượng đáng gờm.
Cùng với sự trỗi dậy về không quân của Trung Quốc, các cường quốc khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang nỗ lực tăng cường quân sự, trong khi Mỹ tìm cách duy trì vị thế hàng đầu trong lĩnh vực hàng không.
Những nỗ lực mở rộng quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Mỹ đang chú ý đến điều này và không thể tránh khỏi việc so sánh mình với lực lượng đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Về sức mạnh trên không, Mỹ từ lâu đã có ưu thế vượt trội về chất lượng và số lượng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của J-20 của Trung Quốc đang đe dọa vị thế thống trị trên không của Mỹ.
Theo một báo cáo của Janes, PLAAF đã hoàn thành việc mở rộng kho dự trữ tiêm kích thế hệ thứ 5 J-20 và hiện nước này đang có 12 lữ đoàn J-20.
Tờ Asia Times đưa tin, "Janes nhấn mạnh rằng đây là một sự gia tăng đáng kể. Vào đầu năm 2022, số lượng máy bay tiêm kích chỉ là 40 chiếc. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đã mở rộng đáng kể phi đội J-20 của mình, với hơn 70 máy bay mới được đưa vào hoạt động trong năm qua”.
J-20 được thiết kế để sánh ngang với F-35 Lightning II Joint Strike Fighter của Mỹ. F-35 nổi tiếng là một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm được trang bị khả năng tàng hình tiên tiến. Ngoài công nghệ tàng hình, F-35 còn được biết đến với khả năng hợp nhất và kết nối dữ liệu, cho phép nhận thức tình huống vượt trội.
Điều đáng chú ý là J-20 có nhiều điểm tương đồng với F-35. Câu hỏi đặt ra là: “Liệu đây có phải một sự trùng hợp?” vẫn chưa có lời giải đáp. Các gián điệp Trung Quốc được cho là đã đánh cắp thông tin kỹ thuật liên quan đến tiêm kích F-35 và đưa vào để phát triển J-20.
Dù sao đi nữa, Trung Quốc hiện đã phát triển và đang sản xuất một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 với số lượng đáng kể. Theo tờ Asia Times, “Janes cho biết thêm PLAAF cũng đang thay thế các máy bay J-11 và Su-27 cũ bằng J-20, được hỗ trợ bởi những tiến bộ trong công nghệ động cơ trong nước như WS-15. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào động cơ do Nga sản xuất”.
Một điều quan trọng nữa là Trung Quốc hiện nay dường như sở hữu nhiều máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 hơn Mỹ, quốc gia vốn có lợi thế dẫn đầu khi trở thành quốc gia đầu tiên vượt qua ngưỡng này.
Dự kiến, sự đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ thế hệ thứ 5 sẽ thúc đẩy các nước khác trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tăng cường nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này...
Mỹ có kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu, được kỳ vọng sẽ mang lại cho Mỹ lợi thế vượt trội so với J-20. Được biết đến với tên gọi Next Generation Air Dominance (NGAD), chương trình phát triển máy báy thế hệ thứ sáu này gần đây đã bị tạm dừng do vấn đề chi phí. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có khả năng sẽ là quốc gia đầu tiên chạm đến cột mốc này nhờ vào ngân sách quân sự lớn nhất thế giới.
Về phần mình, Nhật Bản cũng đang phát triển một tiêm kích thế hệ thứ 6 mang tên F-X. Được chế tạo bởi Mitsubishi, một cái tên nổi tiếng với máy bay chiến đấu Zero trong Chiến tranh Thế giới thứ II, F-X dự kiến sẽ được giới thiệu vào năm 2035 và có thể làm tăng thêm căng thẳng quân sự trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Khu vực này đang trở thành điểm nóng địa chính trị quan trọng nhất thế giới. Tham vọng thay đổi tình trạng hiện tại của Trung Quốc cùng với sự mở rộng nhanh chóng của quân đội đang khiến các nước láng giềng trong khu vực lo ngại.
Mỹ, một quốc gia từ lâu đã có ảnh hưởng trong khu vực, đang thực hiện các bước để duy trì vị thế của mình tại đây. Phần lớn chiến lược quân sự và kế hoạch dự trữ thiết bị của Mỹ hiện đang được điều chỉnh để chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Trung Quốc. Nếu cuộc xung đột này thực sự xảy ra, đây chắc chắn sẽ là thảm họa cho tất cả các bên liên quan. (Nguồn ảnh: National Interest, Wikipedia, Warzone, South China Morning Post, Bulgarian Military).
Bích Phương (Theo National Interest)
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/quan-su/j-20-trung-quoc-de-doa-su-thong-tri-tren-khong-cua-my-2042617.html