Chỉ hậu kiểm sẽ khó phát hiện vi phạm
Trong đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA cầm đầu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, từ năm 2016, Mạnh và các đối tượng lập và điều hành nhiều công ty để hợp thức hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm là nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu nhưng trên thực tế chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và mua trôi nổi trên thị trường.
Về chỉ tiêu chất lượng, nhiều thành phần chỉ đạt dưới 30% so với công bố. Còn ở vụ án xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả do Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Herbitech cầm đầu, cơ quan chức năng đã xác định trong quá trình sản xuất, Công ty Herbitech sử dụng các phiếu kết quả kiểm nghiệm giả mang tên Công ty TSL để sản xuất, gia công và công bố sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.
Gần 100 tấn thực phẩm chức năng giả bị cơ quan Công an thu giữ tại xưởng sản xuất của Công ty MegaPhaco.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, cho biết, cả hai công ty MediUSA và Herbitech đều được Cục ATTP cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Về công tác hậu kiểm, ông Long cho hay, việc hậu kiểm được thực hiện theo kế hoạch hàng năm, trừ những trường hợp đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Hậu kiểm có thể thông qua kiểm tra tính tuân thủ của hồ sơ công bố, giám sát mẫu trên thị trường, kiểm tra, thanh tra cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Năm 2019, Cục đã lấy mẫu sản phẩm của Công ty MediUSA trên thị trường và phát hiện có mẫu không đạt chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm, đã chuyển nội dung sang cơ quan Công an.
Đối với Công ty Herbitech, năm 2020, Cục ATTP có kiểm tra nhà máy về điều kiện và quy trình sản xuất như cấp khí sạch, ngăn lây nhiễm chéo, trang thiết bị, giấy khám sức khỏe của người lao động, trang bị đảm bảo vệ sinh cá nhân, không phát hiện vi phạm. Năm 2024 Cục tiếp tục kiểm tra quy trình sản xuất của công ty này và cũng không phát hiện vi phạm.
Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao công tác hậu kiểm lại không kiểm tra chất lượng, ông Long cho biết: Công tác kiểm tra chỉ kiểm tra chỉ tiêu an toàn là chính. Kiểm tra đột xuất khi nào có phản ánh, có phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, hoặc quá trình giám sát thấy có dấu hiệu nghi ngờ, phát hiện chất cấm…, lúc đó Cục thành lập đoàn kiểm tra không theo kế hoạch. Nếu công ty sản xuất có nhiều mặt hàng thuộc nhiều Bộ quản lý thì lập đoàn kiểm tra liên ngành.
Vì sao Công ty Herbitech sử dụng giấy kiểm định giả trong thời gian dài mà không bị phát hiện? Ông Long cho hay, hiện nay, ngoài cơ quan kiểm nghiệm do các bộ chỉ định để thực hiện kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước (thanh tra, kiểm tra, giám sát), còn có rất nhiều phòng kiểm thử nghiệm ngoài công lập cung cấp dịch vụ thử nghiệm theo yêu cầu cầu của các tổ chức, cá nhân.
Các phòng thử nghiệm này phải đảm bảo các điều kiện và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định. Nghị định 15/2018/NĐ-CP trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, chỉ cần phiếu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (gồm các chỉ tiêu an toàn) được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO-17025 thì doanh nghiệp được quyền nộp trong hồ sơ công bố sản phẩm. “Ở vụ việc Công ty Herbitech, các lô sản phẩm đều có phiếu kiểm nghiệm do phòng kiểm nghiệm đủ điều kiện theo quy định, đóng dấu đàng hoàng, không tẩy xóa thì rất khó phát hiện là giấy giả”, ông Long nói.
Bỏ tiền kiểm, cơ hội để hàng giả tấn công
Theo ông Nguyễn Hùng Long, trước đây, cả nước có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng. Từ 1/7/2019, Nghị định 15/2018 NĐ-CP quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn về sản xuất thực hành tốt trong sản xuất thực phẩm (GMP), cả nước chỉ có 205 cơ sở được cấp Chứng nhận GMP, với hơn 60.000 sản phẩm. Từ năm 2022 đến nay, Cục đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho hơn 24.643 sản phẩm, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%; cấp 205 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu GMP (còn hiệu lực).
“Trước kia cứ 3 năm phải cấp lại giấy chứng nhận công bố, nếu công ty nào không sản xuất nữa sẽ dừng. Nhưng từ năm 2018 (Nghị định 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực), công bố một lần là vĩnh viễn, có doanh nghiệp công bố 50 sản phẩm, nhưng chỉ sản xuất 5 sản phẩm, sản xuất sản phẩm này không bán được thì ngừng lại… Đầu hồ sơ công bố rất nhiều, nhưng số lượng sản xuất thực tế thấp hơn”, ông Long cho biết.
Gần 100 tấn thực phẩm chức năng giả bị cơ quan Công an thu giữ tại xưởng sản xuất của Công ty MegaPhaco.
Về trách nhiệm của Cục ATTP trong các vụ việc sữa giả, thực phẩm chức năng giả vừa qua, ông Nguyễn Hùng Long cho biết: Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15 đã phân công trách nhiệm quản lý ATTP cho 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây), Công thương và UBND cấp tỉnh. Theo đó, đa số các doanh nghiệp thực phẩm được tự công bố hoặc đăng ký bản công bố tại cơ quan chuyên môn do UBND cấp tỉnh chỉ định.
Cục ATTP chỉ tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, khi nộp hồ sơ, doanh nghiệp phải có tài liệu chứng minh công dụng với sức khỏe, phải có tài liệu và bằng chứng khoa học bằng tiếng Việt, tiếng Anh…, Cục quản lý xem tài liệu đó có đạt yêu cầu hay không. Để xét hồ sơ cấp giấy chứng nhận GMP theo quy định tại Nghị định 15, gồm có: Bản công bố về sản phẩm các chỉ tiêu về an toàn vi sinh, kim loại nặng, nấm mốc tùy theo từng sản phẩm, xét nghiệm. “Chỉ tiêu chất lượng không phải công bố mà doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng. Song có khâu hậu kiểm, nếu hậu kiểm kiểm tra không đạt mới xử lý”, ông Long nêu thực trạng.
Trả lời cử tri tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho biết, một trong những khó khăn của việc quản lý thực phẩm chức năng là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý. Vậy, đây có phải là lỗ hổng để tạo kẽ hở cho doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định hay không, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm?
Vì vậy, để giải bài toán này, Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 15 đăng ký bản công bố chứ không cho tự công bố. Đồng thời xem xét xiết chặt hơn nữa công tác đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các nhóm thực phẩm nguy cơ cao (tiền kiểm), báo cáo và trình Chính phủ xem xét. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị chính quyền các cấp tạo điều kiện về con người và kinh phí để đáp ứng đủ nhu cầu của công tác kiểm tra, hậu kiểm.
Trần Hằng