Không có vùng cấm trong xử lý thực phẩm chức năng giả

Không có vùng cấm trong xử lý thực phẩm chức năng giả
14 giờ trướcBài gốc
Thực hiện Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 3565/VPCP-KGVX ngày 24/4/2025 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý thông tin phản ánh liên quan đến tình trạng gia tăng ngộ độc thực phẩm và nạn hàng giả, Bộ Y tế, Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Công văn số 2633/BYT-ATTP, yêu cầu các địa phương tăng cường toàn diện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đấu tranh với thực phẩm giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Bộ Y tế chỉ đạo toàn hệ thống vào cuộc quyết liệt, siết chặt thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Văn bản do Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương ký ban hành nêu rõ hiện các tỉnh, thành phố phải khẩn trương lập kế hoạch hành động cụ thể, triển khai đồng bộ các biện pháp giám sát, phòng ngừa và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại địa phương.
Trọng tâm là phát hiện và loại bỏ thực phẩm không rõ nguồn gốc, giả mạo, kém chất lượng, chưa thực hiện công bố theo quy định.
Bộ Y tế nhấn mạnh, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với ngành Y tế, Nông nghiệp, Công an và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường, tập trung triệt phá các đầu mối buôn bán nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm chưa công bố theo quy định pháp luật.
Đặc biệt, các kênh thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến, website và ứng dụng bán hàng phải được rà soát kỹ lưỡng để kịp thời phát hiện, gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm, quảng cáo sai sự thật, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Các đoàn kiểm tra liên ngành cần tập trung vào những địa bàn nhạy cảm như bếp ăn trường học, khu công nghiệp, khu du lịch, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, hàng quán vỉa hè… Hướng dẫn cụ thể cho các bếp ăn tập thể quy trình lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm đúng quy chuẩn, tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, giả mạo đặc biệt là những mặt hàng đã bị cơ quan chức năng cảnh báo.
Đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định, Ban chỉ đạo yêu cầu đình chỉ hoạt động ngay lập tức, xử lý nghiêm minh để răn đe.
Bộ Y tế chỉ đạo công khai danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng để cảnh tỉnh người tiêu dùng và toàn xã hội. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân cách nhận diện, lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, cần lưu ý tuyên truyền sâu về các món ăn truyền thống, theo phong tục tập quán địa phương, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được bảo quản, chế biến đúng cách.
Người dân tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm đóng hộp hết hạn, phồng rộp, móp méo, han gỉ hoặc biến dạng bất thường.
Được biết, theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm là bắt buộc đối với các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dành cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
Hồ sơ đăng ký công bố phải bao gồm kết quả kiểm nghiệm còn hiệu lực, bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm và thông tin đầy đủ về thành phần, nhà sản xuất.
Điều 194, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ, hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án thấp nhất là 2 năm tù và cao nhất là tử hình. Điều này thể hiện rõ sự nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý các hành vi đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Những vụ việc về thuốc giả, sữa giả vừa qua cho thấy rõ sự suy giảm nghiêm trọng trong năng lực kiểm tra và quản lý chất lượng, dẫn đến việc hàng giả, hàng kém chất lượng lọt vào hệ thống y tế và đến tay người bệnh.
Hậu quả của việc này không chỉ nằm ở những biến chứng, tổn thương thể chất, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, mà còn gây mất niềm tin vào hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe quốc gia.
Theo các chuyên gia, trước hết, ngành y tế cần tiến hành một cuộc tổng rà soát trên toàn hệ thống, từ quy trình công bố, đấu thầu, nhập khẩu đến phân phối sản phẩm y tế.
Việc siết chặt các quy định về công bố sản phẩm, nhất là với các mặt hàng dành cho đối tượng nhạy cảm như trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính, là điều không thể chậm trễ. Mỗi sản phẩm lưu hành cần đi kèm bằng chứng khoa học xác thực, kết quả kiểm nghiệm độc lập và được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, thành phần.
Song song với đó, việc tăng cường hậu kiểm, thanh tra đột xuất và xử lý mạnh tay những tổ chức, cá nhân vi phạm là điều bắt buộc. Không thể có chuyện doanh nghiệp sai phạm hàng loạt nhưng chỉ bị xử phạt hành chính rồi tiếp tục hoạt động như chưa hề có gì xảy ra. Sự nghiêm minh của pháp luật, với chế tài đủ sức răn đe, mới là công cụ hữu hiệu để làm trong sạch thị trường.
Ngoài ra, ngành y tế cần khẩn trương áp dụng công nghệ vào giám sát và kiểm định sản phẩm. Việc sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, phần mềm quản lý dược phẩm, bệnh án điện tử không chỉ giúp phát hiện sớm sai sót, mà còn tăng tính minh bạch trong toàn chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Người tiêu dùng cần được trang bị kiến thức để tự bảo vệ bản thân, tránh mua hàng qua mạng xã hội, qua các kênh không chính thống vốn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/khong-co-vung-cam-trong-xu-ly-thuc-pham-chuc-nang-gia-d276554.html