Kế hoạch Gaza của Tổng thống Trump: 'Cơn đau đầu' mới với các nước Arab

Kế hoạch Gaza của Tổng thống Trump: 'Cơn đau đầu' mới với các nước Arab
4 giờ trướcBài gốc
Người dân trở về trong khung cảnh tàn phá do xung đột tại Rafah, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
“Điên rồ” là từ mà một chuyên gia Trung Đông phản ứng với tuyên bố của Tổng thống Trump về việc “tiếp quản” Gaza. Vậy tại sao một người am hiểu về chiến thuật của ông Trump và sắc thái của ngoại giao Trung Đông lại đưa ra đánh giá thiếu ngoại giao như vậy?
Theo đánh giá của CNN, nói một cách đơn giản, chính sách đảo ngược rõ ràng của Tổng thống Mỹ đối với Gaza – theo quan điểm của hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Đông – không vì lợi ích tốt nhất của bất kỳ ai. Không phải của các nước Trung Đông, không phải của người Palestine, thậm chí không phải của chính ông Trump.
Theo cách diễn giải tệ nhất, việc Tổng thống Trump từ bỏ chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua - là ủng hộ khả năng thành lập một nhà nước Palestine, bao gồm cả Gaza - báo hiệu điều mà rất nhiều người ở Trung Đông lo sợ, rằng cuộc chiến của Israel chống lại Hamas, nhằm đáp trả từ cuộc tấn công tàn sát ngày 7/10/2023 của nhóm này, là một mặt trận buộc 2,1 triệu người Palestine ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa của họ vĩnh viễn.
"Cơn đau đầu" của Saudi Arabia
Saudi Arabia, với tư cách là trung tâm ngoại giao thống trị của khu vực, cũng như là quê hương tinh thần của 1,8 tỷ người Hồi giáo trên thế giới – với nhiều người đang tức giận trước hành động của Israel - có lẽ là bên có nhiều lợi thế nhất trong đấu trường chính trị này. Và họ là bên đầu tiên phản ứng, chỉ trong vòng vài giờ.
"Bộ ngoại giao khẳng định rằng lập trường của Saudi Arabia về việc thành lập một nhà nước Palestine là kiên định và không lay chuyển", bộ này cho biết trong một tuyên bố. Thái tử Mohammed bin Salman "đã tái khẳng định lập trường này một cách rõ ràng và dứt khoát", Bộ Ngoại giao Saudi Arabia lưu ý thêm.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: IRNA/TTXVN
Để hiểu tất cả những điều này, hãy nhìn từ vị trí của Mohammed bin Salman (MBS). Ông là quyền lực tối cao ở đất nước của mình và không chấp nhận bất kỳ sự bất đồng chính kiến nào. Hamas, tổ chức không tồn tại ở Saudi Arabia, nhưng lại là mối đe dọa hiện hữu đối với ông. Họ đại diện cho lực lượng Hồi giáo chính trị, nếu có cơ hội sẽ lật đổ Mohammed bin Salman và những nhà cầm quyền hoàng gia vùng Vịnh khác. Vì vậy, ông có lợi ích trong việc xóa sổ Hamas.
Nhưng mặt khác, cuộc chiến “nghiền nát” của Israel ở Gaza đã đánh thức lại tình cảm ủng hộ Palestine đang ngủ yên của công dân Saudi Arabia. Một Mohammed bin Salman tỉnh táo biết rằng, người Arab sẽ thực sự tức giận nếu người dân Gaza bị trục xuất.
Mohammed bin Salman có trân trọng hòa bình ở Trung Đông, bao gồm cả việc bình thường hóa với Israel không? Có. Điều đó tốt cho kinh doanh, làm tăng số dư ngân hàng khổng lồ của ông và sự lan tỏa khiến người dân của ông vui vẻ.
Nhưng điều cũng tốt cho số dư ngân hàng của ông, ngoài việc giá dầu trên 80 USD/một thùng, là đầu tư của Mỹ.
Điều này giúp giải thích tại sao Mohammed bin Salman không công khai và trực tiếp chỉ trích tư duy Gaza mới của Tổng thống Trump, ngoài việc tái khẳng định nhu cầu về một nhà nước Palestine vì ông không muốn làm hỏng mối quan hệ tuyệt vời của họ.
Mohammed bin Salman là người mà ông Trump tìm đến ở vùng Vịnh. Ông muốn đạt được thỏa thuận với tân lãnh đạo Mỹ về an ninh và vũ khí. Còn Tổng thống Trump muốn MBS đầu tư vào Mỹ và muốn ông bình thường hóa quan hệ với Israel.
Và điều đó đưa tới một trong những cơn đau đầu khác của Mohammed bin Salman, với tư cách là người bảo vệ hai địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi, Mecca và Medina, ông phải chịu trách nhiệm để người Palestine thấy mình đang làm điều đúng đắn.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Jordan và Ai Cập
So với hai quốc gia được ông Trump chỉ định để tiếp nhận người dân Gaza, Jordan và Ai Cập thực sự tiến thoái lưỡng nan. Họ phụ thuộc vào tiền của Mỹ để tồn tại.
Cả hai đều bất đắc dĩ đón dòng người từ Gaza ồ ạt đổ vào trong các cuộc chiến tranh của Israel năm 1948 và 1967. Joran và Ai Cập hiện đều nói rằng một dòng người Palestine ồ ạt đổ vào sẽ làm họ mất ổn định hơn nữa.
Quan điểm của khu vực cho đến nay là phải phản kháng mạnh mẽ trước áp lực của Tổng thống Mỹ. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho biết việc di dời người dân Gaza "không bao giờ có thể được dung thứ hoặc cho phép vì tác động của nó đến an ninh quốc gia Ai Cập".
Trong khi đó, Vua Abdullah của Jordan nhấn mạnh rằng chúng ta "cần đảm bảo người Palestine vẫn ở trên đất của họ", với việc các nhà ngoại giao khu vực đã chỉ ra niềm vui của người dân Gaza khi trở về nhà dù chỉ là đống đổ nát. Họ nói rằng vì đó là nhà của họ.
Vua Jordan, người xuất thân từ một triều đại bền bỉ luôn hết lòng ủng hộ nước Mỹ, sẽ đến Washington D.C. vào cuối tháng này, và Tổng thống Ai Cập Sisi, người mà ông Trump từng mô tả là "nhà độc tài yêu thích" của ông, dự kiến cũng sẽ sớm đến thăm.
Để hiểu đầy đủ về những gì đang bị đe dọa, hãy nhớ rằng Tổng thống Sisi của Ai Cập đã giam giữ tổ chức tiền thân của Hamas, Anh em Hồi giáo, một thập kỷ trước - ngay sau khi tổ chức này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Ai Cập là chốt chặn khu vực chứa đựng một thùng thuốc súng tiềm tàng của những tâm lý cực đoan, nếu phát nổ sẽ lan khắp khu vực, làm tổn hại đến lợi ích của châu Âu và Mỹ. Đây là lý do tại sao ông Sisi vẫn nắm quyền sau nhiều năm. Phương Tây, và đặc biệt là Mỹ, cần Sisi cũng như cần Vua Abdullah.
Một Jordan thất bại sẽ để lại một khoảng trống quyền lực lớn, mở ra cánh cửa cho các lực lượng ủy nhiệm khu vực của Iran, đưa họ đến ngay biên giới của Israel.
Khi phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào mùa hè năm ngoái, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết cuộc chiến chống lại Hamas của ông phải thành công, nếu không thì "khả năng chống khủng bố của tất cả các nền dân chủ sẽ bị đe dọa".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., ngày 4/2/2025. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN
Có lẽ, ngay cả theo tiêu chuẩn của ông Netanyahu, thì tuyên bố của ông Trump dường như cũng đi ngược lại với logic đó: Hamas nếu bị trục xuất vẫn sẽ vẫn ở trong tầm tấn công Israel.
Ông Trump dường như cũng đã thách thức một cam kết khác của ông Netanyahu. Vào tháng 7/2024, thủ tướng Israel đã nói: "Tầm nhìn của tôi cho ngày đó là một Gaza phi quân sự hóa và phi cực đoan hóa. Israel không tìm cách tái định cư Gaza". Đó không phải là những gì ông Trump đang nói bây giờ.
Và chỉ vài tháng trước, ông Netanyahu đã ca ngợi một tầm nhìn khác cho Gaza, biến nó thành một khu vực thương mại tự do rộng lớn với tuyến đường sắt nối đến thành phố mơ ước trong tương lai của Saudi Arabia, Neom.
Đây là một ý tưởng phù hợp với hy vọng của Thái tử Saudi Arabia về hòa bình ở Trung Đông, nhưng cũng không thể đạt được nếu không có bình thường hóa và một nhà nước Palestine độc lập.
Không rõ liệu Tổng thống Mỹ có vượt qua tầm nhìn của ông Netanyahu hay đang đóng vai trò nào đó trong việc thúc đẩy nó. Dù ý định cứng rắn của ông Trump xuất phát từ những động cơ ngầm hay chỉ là cơ hội chính trị, ông đã đưa một điều từng không thể tưởng tượng được trở thành một phần của cuộc thảo luận chính thống: một cuộc trục xuất cưỡng bức với quy mô chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ke-hoach-gaza-cua-tong-thong-trump-con-dau-dau-moi-voi-cac-nuoc-arab-20250206105420876.htm