Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc họp báo chung tại Washington D.C ngày 4/2. (Nguồn: Getty Images)
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Washington hôm 4/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza và chúng tôi cũng sẽ làm việc với nó. Chúng tôi sẽ sở hữu nó" và biến nơi này thành “Riviera của Trung Đông”.
Ông cũng đưa ra ý tưởng di dời người Palestine tới một địa điểm mới do một hoặc nhiều quốc gia Trung Đông. Những đề xuất này ngay lập tức khiến thế giới "náo loạn".
Ngày 5/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói rằng, Tổng thống Donald Trump chỉ muốn người Palestine tạm thời rời đi trong khi Gaza được tái thiết, nói rõ đề xuất này "không có ý thù địch".
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, đây là "một động thái rất hào phóng – lời đề nghị tái thiết và chịu trách nhiệm tái thiết”.
Cùng ngày, Nhà Trắng nói rằng, Tổng thống Trump "không cam kết" gửi quân đội Mỹ đến Gaza như một phần trong kế hoạch tái thiết lãnh thổ Palestine của ông, nhưng cũng không loại trừ khả năng này.
Thư ký báo chí Karoline Leavitt cho biết: "Tổng thống đã nói rất rõ ràng rằng Mỹ cần tham gia vào nỗ lực tái thiết này để đảm bảo sự ổn định trong khu vực cho tất cả mọi người. Điều đó không có nghĩa là sẽ triển khai quân đội trên thực địa ở Gaza, cũng không có nghĩa là người dân Mỹ đóng thuế sẽ tài trợ cho nỗ lực này".
Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cũng tái khẳng định, Washington hiện không hề đề cập khả năng điều binh sĩ Mỹ tới Gaza, đồng thời lưu ý ông không muốn điều quân tới đó trừ phi thực sự cần thiết.
Theo lãnh đạo Lầu Năm Góc, Washington đang cân nhắc mọi phương án khả thi liên quan đến Dải Gaza và sẽ tạm thời không công bố bất kỳ quyết định cụ thể nào.
Bất chấp những xoa dịu của các quan chức chính quyền Tổng thống Trump, ý tưởng "tiếp quản" Dải Gaza và di dời người dân Palestine tiếp tục nhận về sự chỉ trích gay gắt.
Ngày 6/2, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kịch liệt phản đối đề xuất này, cho rằng điều đó "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế".
Hãng thông tấn Anadolu dẫn tuyên bố của ông Abbas nêu rõ: "Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ hành vi nào gây tổn hại đến quyền của người dân mà chúng tôi đã phải đấu tranh trong nhiều thập kỷ và trả giá đắt để đạt được".
Tổng thống Abbas nói thêm, cùng với Bờ Tây và Đông Jerusalem, Dải Gaza là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nhà nước Palestine kể từ năm 1967.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier cũng bác bỏ các đề xuất của Mỹ và tái khẳng định sự ủng hộ của hai bên đối với giải pháp hai nhà nước, trong cuộc họp báo chung của hai nhà lãnh đạo tại Ankara.
Bảo Minh