Vào hôm 25/11, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico khi ông chính thức nhậm chức vào tháng 1/2025.
Theo các chuyên gia về kinh tế nông nghiệp, người tiêu dùng Mỹ có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt hàng hóa nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện quyết liệt kế hoạch này. Giá thực phẩm cũng được dự đoán sẽ tăng mạnh vào năm tới, đặc biệt là ở nhóm trái cây và nông sản tươi sống.
"Điều này sẽ tạo ra một vòng xoáy lạm phát. Nhu cầu sẽ không giảm, nhưng chi phí và giá cả chắc chắn tăng cao”, ông Alfredo Ramírez, Thống đốc bang Michoacan - khu vực sản xuất bơ lớn nhất Mexico - nhận xét. Trích dẫn dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), khoảng hai phần ba lượng rau củ và một nửa lượng hạt, trái cây trên thị trường Mỹ đến từ Mexico, với 90% bơ, 35% nước cam và 20% dâu tây.
Mexico và Canada hiện là hai nhà cung cấp nông sản lớn nhất cho Mỹ, với tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản đạt gần 86 tỷ USD vào năm 2023, trích dẫn dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Hải quan Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định, thuế quan nhắm vào các lô hàng thực phẩm từ Mexico và Canada có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về tài chính và hoạt động của chuỗi cung ứng trong khu vực, đồng thời làm nổi bật mức độ phụ thuộc của Mỹ vào các nước láng giềng để đảm bảo nguồn cung.
Thuế quan cũng có khả năng đẩy giá phân bón nhập khẩu từ Canada tăng hơn nữa, ngay cả khi người nông dân Mỹ vẫn đang phải trả mức giá cao hơn gần 50% so với năm 2020. “Hiện tại không phải là thời điểm để tạo thêm những cú sốc lớn cho nền kinh tế nông nghiệp Mỹ”, ông Phó Chủ tịch Chính sách Công của Hiệp hội Nông dân Mỹ nhận xét.
Không chỉ riêng thực phẩm tươi sống mà nhiều loại đồ uống cũng sẽ nằm trong diện hạn chế. Bia và rượu tequila là nhóm sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu từ Mexico sang Mỹ, chiếm gần một phần tư tổng kim ngạch vào năm ngoái. Lưu ý từ Hiệp hội Rượu mạnh Mỹ cho thấy, các mức thuế nhập khẩu mới sẽ tác động đến túi tiền của người tiêu dùng và dẫn đến nguy cơ mất việc làm trong ngành dịch vụ, đặc biệt là khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch.
Kế hoạch của ông Donald Trump thậm chí còn làm chậm trễ quá trình vận chuyển hơn 1 triệu con bò từ Mexico qua biên giới mỗi năm. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra ở phía bắc, khi việc vận chuyển thịt bò, bò sữa và lợn giữa Mỹ và Canada sẽ bị xáo trộn, gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ở cả hai nước.
Ông Lance Jungmeyer, Chủ tịch Hiệp hội Sản phẩm Tươi sống Châu Mỹ cho biết: "Người tiêu dùng Mỹ sẽ cảm nhận rõ nhất tác động của chính sách thuế quan này khi họ đi siêu thị và ăn uống tại nhà hàng. Họ có thể thấy ít lựa chọn hơn trong khu sản phẩm tươi sống hay nhiều mặt hàng quen thuộc không còn có sẵn. Nhà hàng phải thay đổi thực đơn, giảm bớt lượng trái cây, rau củ tươi hoặc thu nhỏ khẩu phần".
Trong một chia sẻ riêng với Reuters, ông Peter Tabor, cựu quan chức thương mại của USDA và hiện là cố vấn chính sách cao cấp tại công ty luật Holland & Knight cảnh báo rằng mối đe dọa áp thuế có thể được xem là cách gây áp lực với Mexico và Canada trước khi tái đàm phán thỏa thuận thương mại USMCA. Nhưng nếu chính sách duy trì trong thời gian dài, Mỹ sẽ bị xem là đối tác thương mại không đáng tin cậy và các nhà xuất nhập khẩu hàng hóa đành tìm đến các nguồn cung khác để thay thế.
Hạnh Chi