I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) và 135 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Nam.
-Trưng bày giới thiệu và ra mắt công chúng 08 hiện vật, nhóm hiện vật: Trống đồng Vũ Bản, 06 pho tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn và khánh đá chùa Điều đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đợt 13 tại Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 31/12/2024; đồng thời giới thiệu tư liệu, hiện vật tiêu biểu về lịch sử, văn hóa Hà Nam qua các thời kỳ lịch sử hiện đang lưu giữ
- Tại Bảo tàng, các nhà sưu tầm tư nhân trên địa bàn tỉnh, góp phần minh chứng thêm cho bề dày truyền thống văn hiến của mảnh đất, con người Hà Nam trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
- Thông qua các hoạt động trưng bày là dịp để các nhà sưu tầm giao lưu, học hỏi, trao đổi nghiệp vụ chuyên môn, tôn vinh các giá trị của cổ vật, qua đó đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa trong giai đoạn hiện nay và mai sau, đồng thời góp phần phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch...
2. Yêu cầu
- Tổ chức trưng bày đảm bảo trang trọng, nội dung chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đảm bảo khoa học, thiết thực, hiệu quả.
- Hình ảnh, tài liệu, hiện vật được lựa chọn phải tiêu biểu, phù hợp với nội dung trưng bày. Trưng bày phải đảm bảo kỹ, mỹ thuật trong thiết kế và thi công trưng bày.
- Khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đang giữ gìn, bảo quản các cổ vật, sưu tập cổ vật tham hưởng ứng, tham gia tích cực trưng bày để quảng bá, phát huy giá trị cổ vật, tạo ấn tượng tốt đẹp và sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư và khách tham quan.
- Quá trình bảo quản trưng bày phải đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn.
II. NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI
1. Cơ quan tổ chức: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam.
2. Đơn vị thực hiện: Bảo tàng tỉnh.
3. Đơn vị phối hợp: Hội Nhà báo Hà Nam, Công ty TNHH Gitviet; các nhà sưu tầm tư nhân trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
4. Thời gian khai mạc: Ngày 19/6/2025 (Dự kiến).
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Chủ đề trưng bày: “Hà Nam theo dòng lịch sử và Tinh hoa cổ vật Hà Nam”.
2. Nội dung trưng bày
2.1. Phòng trưng bày Hà Nam theo dòng Lịch sử
a, Phần trung tâm: Trưng bày giới thiệu các bảo vật quốc gia tỉnh Hà Nam: Trống đồng Ngọc Lũ; Trống đồng Tiên Nôị1; Trống đồng Vũ Bản; 06 pho tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn; Bia Sùng Thiện Diên Linh; Bia chùa Giàu (Ngô gia thị bi), Khánh đá chùa Điều.
b, Đai trưng bày: Giới thiệu về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội tỉnh Hà Nam
Lịch sử tự nhiên:
+ Tư liệu, bản đồ về vùng đất Hà Nam qua các thời kỳ lịch sử;
+ Hình ảnh cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu của tỉnh Hà Nam: núi Đọi – sông Châu, núi Quế - sông Ninh, núi Cấm – sông Đáy, Bát Cảnh Sơn, sông Hồng, sông Long Xuyên, Kẽm Trống, Hồ Tam Chúc – Núi Thất Tinh, núi chùa Tiên, Rừng núi Ba Sao và Căn cứ địa Lạt Sơn…
Lịch sử xã hội:
+ Hình ảnh, hiện vật, tư liệu về di tích, dấu tích, hiện vật của nền văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đông Sơn; Các di tích, di vật tiêu biểu thờ các tướng thời Hùng Vương, thời Hai Bà Trưng, thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn… (trọng tâm là di tích tiêu biểu đã được Nhà nước xếp hạng quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh và các di vật tiêu biểu khác).
+ Hình ảnh các Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu: Lễ hội truyền thống tiêu biểu: Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ hội Đền Trúc, Lễ hội đền Trần Thương (Lễ phát lương Đức Thánh Trần), Lễ hội chùa Đọi Sơn; Lễ hội đền Lảnh Giang, Lễ hội đền Bà Vũ, Lễ hội xuân Tam Chúc, Lễ hội đền thờ nữ tướng Lê Chân, Lễ hội chùa Bà Đanh; Hát trống quân Liêm Thuận, Nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai, Nghề làm trống Đọi Tam, Nghề dệt truyền thống Nha Xá, Nghề truyền thống mây giang đan Ngọc Động, Nghề thêu ren An Hòa- Hòa Ngãi…
+ Truyền thống khoa bảng Hà Nam: Các bản trích khoa bảng Hà Nam, danh sách các vị đại khoa Hà Nam được khắc trên bia đề danh tiến sỹ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội… Hình ảnh trường thi, Lễ xướng danh khóa thi năm 1871, Lễ đăng quang Nhị giáp tiến sỹ triều đình Huế năm 1871; Các văn chỉ, từ đường, nhà thờ họ tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Hà Nam trong kỳ cách mạng và 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược: Tập trung giới thiệu những sự kiện, lịch sử cách mạng tiêu biểu đánh dấu sự ra đời của các tổ chức Đảng, phong trào cách mạng ở Hà Nam.Trưng bày, giới thiệu khái phong trào thi đua lao động vừa sản xuất vừa chiến đấu của nhân dân Hà Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, xây dựng hậu phương lớn Miền Bắc, ủng hộ tiền tuyến miền Nam đáng thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.
Hà Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển: Tập trung trưng bày giới thiệu những thành tựu nổi bật của 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước trên các lĩnh vực của đời sống: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam.
2.2. Phòng trưng bày tinh hoa cổ vật Hà Nam
Giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật, bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng tỉnh.
Giới thiệu hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của các nhà sưu tập tư nhân trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
2.3. Phòng trưng bày Chuyên đề “100 năm báo chí cách mạng Việt Nam” và "Những dấu ấn Báo chí Hà Nam trong chặng đường xây dựng, phát triển”
Không gian trưng bày, giới thiệu và tôn vinh lịch sử 100 năm của Báo chí cách mạng Việt Nam; Những dấu ấn Báo chí Hà Nam trong chặng đường xây dựng, phát triển, giúp cho người làm báo cũng như cán bộ, đảng viên và người dân hiểu sâu hơn và tự hào về lịch sử, truyền thống, thành tựu của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí cách mạng tỉnh Hà Nam.
2.4. Không gian trình chiếu hình ảnh di tích, bảo vật quốc gia qua công nghệ 3D/360 độ
Bằng cách sử dụng hình ảnh 360 độ cung cấp thông tin chi tiết, khách tham quan có thể tương tác với các bảo vật, thay đổi góc nhìn và khám phá không gian 3D một cách tự nhiên, tạo sự kết nối giữa người tham quan với các giá trị văn hóa và lịch sử.
IV. ĐỊA ĐIỂM VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Địa điểm trưng bày: Bảo tàng tỉnh Hà Nam (đường Lý Thái Tổ, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý).
2. Thời gian thực hiện:
- Xây dựng kế hoạch, sưu tầm tư liệu, hình ảnh, xây dựng đề cương, maket trưng bày: 24/3 - 30/5/2025;
- Thi công trưng bày: Từ 02/6 - 17/6/2025;
- Tổ chức khai mạc trưng bày: Ngày 19/6/2025 (Dự kiến);
- Mở cửa đón khách tham quan trưng bày: Từ ngày 19/6 - 15/7/2025.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bảo tàng tỉnh
- Giao Bảo tàng tỉnh chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng đề cương, maket trưng bày; xây dựng chương trình, nội dung, giấy mời, maket tuyên truyền, trang trí khánh tiết; thành phần đại biểu, khách mời dự khai mạc trưng bày.
- Chuẩn bị tốt các điều kiện: sân khấu, âm thanh, lễ tân, công tác hậu cần phục vụ khai mạc trưng bày.
- Chủ động làm việc và mời các tổ chức, cá nhân có cổ vật tham gia.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo an ninh, trật tự trong thời gian tổ chức trưng bày.
- Tham mưu, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, cổ động trực quan tại Bảo tàng, trên các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố; Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động trưng bày để cán bộ, nhân dân trong tỉnh đến tham quan.
2. Đề nghị Hội Nhà báo Hà Nam
- Hội Nhà báo Hà Nam chuẩn bị nội dung trưng bày “100 năm báo chí cách mạng Việt Nam” và "Những dấu ấn Báo chí Hà Nam trong chặng đường xây dựng, phát triển", phối hợp với Bảo tàng tỉnh chuẩn bị các điều kiện tổ chức trưng bày.
- Phối hợp với Bảo tàng tỉnh xây dựng chương trình, nội dung, giấy mời, maket tuyên truyền, trang trí khánh tiết; thành phần đại biểu, khách mời dự khai mạc trưng bày.
3. Văn phòng Sở, phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, Phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản
Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả và báo cáo Lãnh đạo Sở tiến độ thực hiện Kế hoạch; đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh và các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Sở phân công. Phối hợp trong việc đón tiếp khách dự khai mạc trưng bày. Tham mưu, phối hợp công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và các nền tảng mạng xã hội.
4. Đề nghị phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin các huyện, thành phố, thị xã
Phối hợp với Bảo tàng tỉnh tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tham gia trưng bày tinh hoa cổ vật tỉnh Hà Nam.
5. Đề nghị Công ty TNHH Gitviet
Hỗ trợ công nghệ thử nghiệm số hóa 3D một số hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng và ứng dụng vào trưng bày ảo, cho phép người xem trải nghiệm hình ảnh hiện vật, di sản trên máy 3D tại buổi khai mạc và trong thời trưng bày.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức trưng bày “Hà Nam theo dòng lịch sử” - “Tinh hoa cổ vật” và "100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025)” - "Những dấu ấn Báo chí Hà Nam trong chặng đường xây dựng, phát triển", Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bảo tàng tỉnh Hà Nam, các phòng, đơn vị trực thuộc Sở, Hội Nhà báo Hà Nam và các đơn vị liên quan căn cứ kế hoạch tổ chức thực hiện, góp phần để đợt trưng bày thành công tốt đẹp...
P.V