Kẻ xấu biết căn cước, lịch nộp tiền điện của người dân, thông tin bị lộ từ đâu?

Kẻ xấu biết căn cước, lịch nộp tiền điện của người dân, thông tin bị lộ từ đâu?
6 giờ trướcBài gốc
Nội dung trên được đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP.HCM) phản ánh tại cuộc họp tổ về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, chiều nay (12/5).
"Không ai rõ những thông tin này bị lộ từ đâu, nhưng rõ ràng việc này khiến người dân hoang mang và lo sợ, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sự an toàn của họ", ông Minh Đức nói và đề nghị có quy định rõ ràng trong luật để ngăn chặn việc thu thập, chia sẻ, mua bán dữ liệu cá nhân trái phép.
Ông Đức dẫn chứng trong bán hàng online hiện nay, người mua phải chia sẻ thông tin cá nhân với người bán hàng, gồm cả họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà, cơ quan, chuyển khoản.
Thông tin này sau đó lại được chia sẻ với đội ngũ shipper. Mỗi ngày một shipper thực hiện hàng trăm cuộc ship hàng và có hàng trăm dữ liệu cá nhân của những người mua. Vậy kiểm soát thế nào, quy định người bán hàng, shipper cũng là bên phải quản lý dữ liệu cá nhân, hay là bên thứ ba, kiểm soát dữ liệu như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Minh Đức thảo luận tại tổ chiều nay.
Ông Đức cũng cảnh báo rủi ro từ trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là công nghệ AI tạo sinh - có thể dùng dữ liệu cá nhân nhạy cảm để tạo ra thông tin giả mạo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bị khai thác sai mục đích.
Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhận hàng trăm hồ sơ xin việc mỗi ngày, nhưng lại chưa có quy định nào bảo vệ dữ liệu cá nhân trong những bộ hồ sơ này.
“Người dân bức xúc với cuộc gọi rác. Tại sao các đối tượng lừa đảo vi phạm pháp luật biết rõ số điện thoại, nói rõ chúng ta chưa nộp tiền điện, số hợp đồng điện, đọc rõ cả số căn cước công dân. Vậy thông tin này lộ lọt từ đâu?”, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu vấn đề.
Theo ông Đức, qua điều tra, cơ quan chức năng khẳng định lộ lọt từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó có cả những tổ chức cá nhân có trách nhiệm quản lý dữ liệu cá nhân đã làm lộ lọt, có trường hợp vô tình lộ lọt, thiếu trách nhiệm hoặc cả trường hợp vụ lợi.
Đối tượng lừa đảo biết số điện thoại cá nhân, sau đó gọi, rung dọa, cưỡng đoạt tài sản. Do đó, ông cho rằng, dứt khoát phải đề xuất để luật sớm ra đời, bảo vệ dữ liệu người dân.
Đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định phải khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, coi dữ liệu là “nguồn tài nguyên mới... là tư liệu sản xuất mới” trong nền kinh tế số.
Tuy nhiên yêu cầu này chưa được thể chế hóa đầy đủ trong dự thảo luật. Dự thảo hiện nay thiên về bảo vệ dữ liệu, nhưng chưa chú trọng cơ chế phát huy giá trị dữ liệu.
Đại biểu Trần Văn Khải. (Ảnh: Quochoi.vn)
Ông nhận định, quy định này bảo vệ quyền riêng tư, nhưng thiếu linh hoạt để khuyến khích khai thác, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển. Chủ trương của Đảng là “loại bỏ tư duy không quản được thì cấm”, đòi hỏi thay vì cấm tuyệt đối, phải có phương thức quản lý cho phép chia sẻ, thương mại hóa dữ liệu dưới sự kiểm soát hợp lý.
"Nếu luật không mở đường cho khai thác dữ liệu an toàn, chúng ta khó xây dựng được thị trường dữ liệu lành mạnh. Dữ liệu cá nhân có nguy cơ vẫn bị mua bán “chui” trên thị trường ngầm, Nhà nước không tận dụng được tài nguyên số này", ông băn khoăn.
Dự thảo luật còn thiếu quy định cụ thể để thể chế hóa kinh tế dữ liệu theo tinh thần Nghị quyết 57. Nếu không bổ sung kịp thời nội dung trên, thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Thứ nhất, quá trình chuyển đổi số quốc gia có nguy cơ chậm lại, tụt hậu.
Thứ hai, không có cơ chế cho kinh tế dữ liệu, thị trường dữ liệu minh bạch không hình thành; dữ liệu tiếp tục bị mua bán trái phép, xâm phạm quyền riêng tư của người dân, doanh nghiệp thiếu dữ liệu để đổi mới.
Đại biểu đề nghị thay quy định cấm tuyệt đối “mua, bán dữ liệu cá nhân” bằng cấm mua bán dữ liệu khi không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trái pháp luật. Đồng thời bổ sung chủ thể dữ liệu tự nguyện chia sẻ dữ liệu của mình để nhận lợi ích sẽ không bị xem là vi phạm nếu tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích chia sẻ, sử dụng dữ liệu đã được ẩn danh, hoặc tổng hợp phục vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ. Qua đó hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở giữa nhà nước và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế dữ liệu phát triển, bảo đảm không xâm phạm đời tư cá nhân.
Dự kiến, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến xây dựng dự Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vào ngày 24/5 và biểu quyết thông qua trong đợt hai của kỳ họp.
Hà Cường
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/ke-xau-biet-can-cuoc-lich-nop-tien-dien-cua-nguoi-dan-thong-tin-bi-lo-tu-dau-ar942846.html