Không quy định cứng số thành viên Ủy ban bầu cử ở cấp xã

Không quy định cứng số thành viên Ủy ban bầu cử ở cấp xã
8 giờ trướcBài gốc
Chiều 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, thảo luận tại Tổ 17 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi, Cà Mau), các ĐBQH cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: Hồ Long
Xã đông dân cư, diện tích rộng có thể tăng số thành viên Ủy ban bầu cử cấp xã
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã tăng số lượng thành viên Ủy ban bầu cử ở cấp xã là “từ 9 - 15 thành viên” thay cho “từ 9 - 11 thành viên” như quy định hiện hành. Vì số lượng tổ bầu cử ở cấp xã có thể tăng lên do sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cấp xã thành một đơn vị hành chính cấp xã mới.
Tán thành với việc tăng số lượng thành viên Ủy ban bầu cử ở cấp xã, tuy nhiên, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) lưu ý, cần căn cứ vào quy mô, diện tích các xã để xác định số lượng thành viên Ủy ban bầu cử ở cấp xã cho phù hợp, thay vì quy định cứng trong luật từ 9 - 15 thành viên.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 17. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu đề nghị, nghiên cứu đối với những xã đông dân cư, diện tích rộng có thể tăng số lượng thành viên Ủy ban bầu cử ở cấp xã từ 11 - 19 thành viên.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng đề nghị, đối với những xã có số dân đông, số lượng phiếu nhiều, thì nên cân nhắc tăng thêm số lượng thành viên Ủy ban bầu cử cấp xã.
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Tham gia thảo luận tại Tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, về số lượng thành viên Ủy ban bầu cử ở cấp xã có thể cân nhắc tiếp thu theo hướng: Số lượng thành viên được xác định theo dân cư, xã nào đông dân cư, xã nào ít dân cư hơn, nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.
Phân loại dữ liệu cá nhân theo mức độ rủi ro và nghĩa vụ xử lý tương ứng
Góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, trước khi đề xuất ban hành Luật, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2024 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Sau một thời gian thực hiện, trước tính cấp thiết cần luật hóa, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Kỳ họp thứ Chín.
Do đây là đạo luật nếu sớm có hiệu lực sẽ góp phần ngăn chặn nạn mua bán dữ liệu, tấn công, lừa đảo liên quan đến dữ liệu cá nhân đang xảy ra khá phổ biến, tràn lan trên không gian số, nên Chính phủ đề xuất trình Quốc hội thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần chú trọng rà soát nội dung tại 2 chương, gồm Chương III về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân và Chương IV về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình sử dụng dữ liệu cá nhân.
Bởi thực tế cho thấy, hai quy trình này có những điểm giống nhau, theo đó, quá trình xử lý là quá trình sử dụng và ngược lại quá trình sử dụng đồng thời có những khâu xử lý. Do đó, nên chăng xem xét gộp hai nội dung này thành một chương về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý và sử dụng dữ liệu cá nhân, để tránh chồng chéo và trùng lặp.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát kỹ dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các luật liên quan đến chuyển đổi số, an toàn thông tin, an ninh mạng, dữ liệu.
ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) nêu vấn đề, tại khoản 1, Điều 3 quy định “dữ liệu cá nhân được xử lý công khai, minh bạch. Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật khác có quy định”.
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương cho rằng, quy định này chưa đúng với nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân và chưa thống nhất với khoản 5, Điều 3: “Dữ liệu cá nhân được áp dụng các biện pháp bảo vệ bảo mật trong quá trình xử lý, bao gồm cả việc bảo vệ trước các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và phòng, chống sự mất mát, phá hủy hoặc thiệt hại do sự cố, sử dụng các biện pháp kỹ thuật”.
Đại biểu nhấn mạnh, việc xử lý dữ liệu cá nhân có liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, danh dự, uy tín của cá nhân, được Hiến pháp bảo vệ, nếu tất cả công khai thì không phù hợp.
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) phát biểu. Ảnh Hồ Long
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) đề xuất cần bổ sung cơ chế phân loại dữ liệu cá nhân theo mức độ rủi ro và nghĩa vụ xử lý tương ứng.
Theo đại biểu, dữ liệu cá nhân không phải là một khối thống nhất. Có những thông tin nếu bị rò rỉ chỉ gây phiền toái nhỏ, nhưng có những loại thông tin như: hồ sơ sức khỏe, dữ liệu sinh trắc học, tín dụng, tôn giáo..., nếu bị khai thác sai mục đích, có thể gây tổn thất nặng nề, thậm chí không thể khắc phục cho chủ thể dữ liệu.
Hiện, dự thảo Luật mới đề cập khái niệm chung về "dữ liệu cá nhân cơ bản" và "dữ liệu cá nhân nhạy cảm", nhưng chưa xác lập được nguyên tắc điều tiết về căn cứ phân loại dữ liệu, mức nghĩa vụ tương ứng với rủi ro và yêu cầu đánh giá tác động xử lý đối với các dữ liệu nhạy cảm.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ kinh tế số bùng nổ. Với gần 80 triệu người dùng internet, thương mại điện tử, ngân hàng số, giáo dục và y tế trực tuyến phát triển mạnh. Nêu bật bối cảnh này, đại biểu cho rằng, nếu Luật không phân tầng rủi ro và không đặt ra các nghĩa vụ tương ứng, thì doanh nghiệp nhỏ sẽ bị đè nặng bởi các yêu cầu không cần thiết, trong khi các tổ chức xử lý dữ liệu rủi ro cao như hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), tài chính, y tế, lại không được kiểm soát đúng mức.
Do đó, đại biểu đề nghị, nên nghiên cứu bổ sung một điều khoản mới, cụ thể là Điều 6a: Phân loại và bảo vệ dữ liệu cá nhân theo mức độ rủi ro, ngay sau Điều 6, Chương II về nguyên tắc xử lý dữ liệu cá nhân.
Theo đó, dữ liệu cá nhân được phân loại thành: Dữ liệu cá nhân cơ bản; dữ liệu cá nhân nhạy cảm; dữ liệu cá nhân đặc biệt nhạy cảm (nếu có).
Việc xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm và đặc biệt nhạy cảm phải tuân thủ các điều kiện: Có mục đích xử lý hợp pháp, chính đáng, không trái đạo đức xã hội; có biện pháp bảo vệ tăng cường bao gồm mã hóa, kiểm soát truy cập, và lưu trữ riêng biệt; có đánh giá tác động xử lý dữ liệu trước khi triển khai đối với hệ thống AI, hệ thống ra quyết định tự động hoặc các hệ thống xử lý dữ liệu quy mô lớn...
Hoàng Ngọc
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/khong-quy-dinh-cung-so-thanh-vien-uy-ban-bau-cu-o-cap-xa-10372193.html