Kem chống nắng chỉ số SPF 50 trên nhãn nhưng thực chất chỉ 2,4: Là hàng giả!

Kem chống nắng chỉ số SPF 50 trên nhãn nhưng thực chất chỉ 2,4: Là hàng giả!
5 giờ trướcBài gốc
Như PLO đã đưa tin, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm vi phạm của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group (quận 5, TP.HCM) và Công ty Cổ phần Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai (Trảng Bom, Đồng Nai).
Theo đó, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body, hộp 1 tuýp 100 gram. Lý do thu hồi là do chỉ số chống nắng trên nhãn (SPF 50) không phù hợp với kết quả kiểm nghiệm chỉ số chống nắng (SPF = 2,4).
Nhiều bạn đọc thắc mắc, sản phẩm kem chống nắng với chỉ số SPF ghi trên nhãn là 50 nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ là 2,4 thì sản phẩm kem chống nắng đó có phải hàng giả hay không và trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân liên quan sản phẩm này ra sao?
Ảnh minh họa AI
Trao đổi với PLO, TS Trần Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: Tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020, một trong những trường hợp được xác định là hàng giả: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng; công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
Đối với sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body chỉ đạt chỉ số chống nắng (SPF) 2,4 tức ở mức 4,8% so với tiêu chuẩn ghi trên nhãn sản phẩm.
Cạnh đó, theo tiêu chuẩn hiện nay, chỉ số SPF trong kem chống nắng phải đạt mức thấp nhất là 15 và cao nhất là 100. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy chỉ số SPF trong sản phẩm chỉ đạt mức 16% so với mức độ yêu cầu tối thiểu của sản phẩm kem chống nắng thông thường.
Dựa vào các căn cứ nêu trên, có thể xác định sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body đã bị thu hồi là hàng giả về công dụng, chất lượng, thuộc đối tượng tác động của tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 BLHS.
TS Trần Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM).
Căn cứ Điều 3 Nghị định 98/2020, cá nhân hoặc pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi chế tạo, pha trộn, đóng gói… hàng giả thì có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất hàng giả theo Điều 192 BLHS.
Ngoài ra, cá nhân hoặc pháp nhân thương mại đưa hàng giả vào lưu thông trên thị trường như chào hàng, bán buôn, bán lẻ… thì có thể bị xử lý hình sự về tội buôn bán hàng giả theo Điều 192 BLHS. Chẳng hạn, cá nhân biết đó là hàng giả nhưng vẫn cố tình livestream để quảng bá, bán, phân phối hàng giả đến người tiêu dùng nhằm thu lợi nhuận bất chính thì có thể bị xử lý hình sự.
Trường hợp cá nhân hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi sản xuất và sau đó đưa hàng giả vào lưu thông trên thị trường để thu lợi bất chính thì có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả cùng điều luật trên.
TS Thảo cho rằng, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, đòi hỏi hành vi phạm tội phải thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 192 BLHS, như:
Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên… Giá trị hàng giả càng cao hoặc số tiền thu lợi bất chính càng lớn sẽ là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này.
Trường hợp pháp nhân thương mại đáp ứng đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 75 BLHS thì cả pháp nhân thương mại và cá nhân người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Ngược lại, nếu pháp nhân thương mại không đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 75 BLHS thì chỉ cá nhân người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng
Theo LS Trương Ngọc Liêu (Đoàn LS TP Hà Nội), hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nói chung có thể xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mức tiền phạt sẽ căn cứ vào số lượng tương đương của hàng giả với giá trị của hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp.
LS Trương Ngọc Liêu (Đoàn LS TP Hà Nội)
Theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 98/2020, buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng tương đương giá trị hàng thật trị giá từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
Đối với hành vi nhập khẩu nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp là mỹ phẩm... sẽ bị phạt tiền gấp đôi so với mức trên.
Theo Khoản 1 Điều 10 Nghị định 98/2020, hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng tương đương hàng thật dưới 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng trở lên, thì bị phạt từ từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Riêng đối với trường hợp sản xuất hàng giả là mỹ phẩm thì mức phạt tiền gấp hai lần các mức nêu trên.
Ngoài phạt tiền, cá nhân và tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm như tịch thu tang vật, buộc tiêu hủy tang vật, tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp…
SONG MAI
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/kem-chong-nang-chi-so-spf-50-tren-nhan-nhung-thuc-chat-chi-24-la-hang-gia-post850483.html