Kéo dài thời gian hỗ trợ xây dựng nhà máy chế tạo chíp bán dẫn đầu tiên

Kéo dài thời gian hỗ trợ xây dựng nhà máy chế tạo chíp bán dẫn đầu tiên
2 ngày trướcBài gốc
Các vị đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được Quốc hội thông qua với 454/458 đại biểu có mặt tán thành, trước khi bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ chín, sáng 19/2.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, nội dung hỗ trợ tài chính xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip bán dẫn đã có sự điều chỉnh.
Nghị quyết quy định:
1. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên được lựa chọn để chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì được hỗ trợ như sau:
a) Hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án trực tiếp từ ngân sách trung ương trong trường hợp nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/ 2030. Tổng mức hỗ trợ không vượt quá 10.000 tỷ đồng;
Trong thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án, hằng năm được trích lập cao hơn 10% nhưng tối đa không quá 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để bổ sung cho dự án. Tổng số tiền trích lập không vượt quá tổng mức đầu tư của dự án.
2. Được giao đất bằng hình thức giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp đó. Các chính sách hỗ trợ quy định tại Điều này được áp dụng đến hết ngày 31/12/ 2030 (Dự thảo trình Quốc hội thảo luận quy định đến hết ngày 31/12/ 2028).
Bên cạnh chính sách này, Quốc hội còn đồng ý thí điểm hàng loạt cơ chế, chính sách đặc biệt khác.
Như, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng.
Viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức.
Trình bày dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Lê Quang Huy đề cập nội dung thí điểm chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến thì không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng.
Theo nghị quyết, Dự toán ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ mở mới hằng năm được xây dựng trên cơ sở dự kiến số lượng nhiệm vụ mở mới của năm kế hoạch, kinh phí trung bình theo năm của các nhiệm vụ đã được mở mới trong năm trước năm lập kế hoạch và ước kinh phí tăng thêm khi có thay đổi các chính sách, chế độ có liên quan và điều chỉnh do lạm phát, giảm phát.
Cơ chế thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được quy định thông thoáng. Trong đó, đối với tài sản là kết quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước mà tổ chức được giao quyền quản lý, sử dụng là cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Nghị quyết này được tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm sử dụng tài sản không cần định giá trong việc cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết không hình thành pháp nhân mới. Khi thực hiện nội dung quy định tại điểm này, không cần lập đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Với chính sách thí điểm cho hoạt động chuyển đổi số quốc gia, Quốc hội đồng ý hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp triển khai nhanh 5G.
Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông khi doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G đạt tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025;
Tổng số tiền hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông không vượt quá tổng số tiền trúng đấu giá của các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện trong năm 2024.
Mức hỗ trợ một trạm phát sóng 5G là 15% chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng 5G được mua trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ.
Quốc hội còn cho phép thí điểm có kiểm soát đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại hình mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam trên nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài;
Thí điểm cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp thay thế việc cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho người sử dụng thiết bị đầu cuối.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua. Quốc hội cho phép trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì đối tượng được ưu đãi được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất.
Nguyễn Lê
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/keo-dai-thoi-gian-ho-tro-xay-dung-nha-may-che-tao-chip-ban-dan-dau-tien-d247801.html