Kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030

Kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030
6 giờ trướcBài gốc
Theo đó, Quốc hội quyết nghị: Kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội và Nghị quyết số 107/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội đến hết ngày 31/12/2030.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Tệp đính kèm
Nghị quyết số 216/2025/QH15 của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Quy định miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp lần đầu tiên quy định tại Nghị quyết 55/2010/QH12 của Quốc hội năm 2010. Theo đó việc miễn, giảm thuế được thực hiện từ ngày 1/1/2011 đến hết ngày 31/12/2020.
Đến nghị quyết 28/2016/QH14 năm 2016 (sửa đổi, bổ sung nghị quyết 55) đã bổ sung thêm đối tượng và quy định thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2020.
Đến nghị quyết 107/2020/QH14 năm 2020 (sửa đổi, bổ sung nghị quyết 55) tiếp tục kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện từ ngày 11/11/2016 đến hết ngày 31/12/2025. Trong đó, việc miễn thuế miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện với các trường hợp:
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo.
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất; Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.
Đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai; trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Qua đánh giá tại các địa phương cho thấy, trong quá trình thực hiện chính sách miễn, giảm thuế này không gặp vướng mắc lớn và được các địa phương cho rằng, việc tiếp tục miễn, giảm thuế đất nông nghiệp là phù hợp và cần thiết để khuyến khích sản xuất nông nghiệp phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trước đó, báo cáo tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tổng kết, đánh giá hơn 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp miễn, giảm giai đoạn 2001-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2020 trung bình khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Đây là con số tuy lớn nhưng vẫn nhỏ so với những tác động tích cực của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp mang lại. Quan trọng hơn, chi phí “mất thu” này hoàn toàn có thể được xem là một khoản đầu tư xã hội hợp lý. Bởi lẽ, thông qua việc duy trì sản xuất nông nghiệp ổn định, Nhà nước có thể giảm gánh nặng trợ cấp xã hội, phòng ngừa thất nghiệp ở nông thôn và ổn định tình hình xã hội - những giá trị không thể đo đếm bằng con số cụ thể, bảo đảm tính hợp lý và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Vũ
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/keo-dai-thoi-han-mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-den-het-ngay-31-12-2030.758491.html