Nhiều ngư dân đến giúp ông Nguyễn Đức Vĩnh kéo lưới rùng vào bờ - Ảnh: S.H
Tranh thủ vài hôm trời yên, biển lặng hiếm hoi giữa mùa biển động, khi bình minh chưa ló dạng ở đường chân trời, ngư dân Nguyễn Đức Vĩnh ở Khu phố 7 (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) đã vội vàng gọi tôi cùng ngư dân Võ Văn Khoái cùng ở Khu phố 7 xuống biển. Vừa đặt chân đến bờ biển, ông Vĩnh cùng bạn nghề đã tất bật tìm “dấu vết” của đàn cá trích, đối, mòi, lẹp, hố đang vào kiếm ăn gần bờ. Mùa biển động thường là thời điểm mà dòng hải lưu xáo động mạnh ngoài khơi xa, nên đàn cá trích, đối, mòi, lẹp, hố cùng nhiều loại thủy, hải sản khác tìm vào gần bờ hơn.
Vừa đi, ông Vĩnh vừa giảng giải cho tôi hiểu về “quy luật” di chuyển, kiếm ăn của loài cá trích, đối, mòi, lẹp, hố. Muốn đánh bắt được nhiều loại cá này thì ngư dân phải có kinh nghiệm trong việc tìm chọn vùng bờ biển có doi cát nhô ra xa bờ. Xung quanh doi cát ấy, sóng biển thường êm hơn nên từng đàn cá trích, đối, mòi, lẹp, hố tập trung kiếm mồi. Khi đã xác định được doi cát thì đến công đoạn quan sát mặt nước biển để tìm đàn cá. Nếu hai bên doi cát xuất hiện từng đám đen thẩm đang di chuyển thì đích thị là có cá trích, đối, mòi, lẹp, hố...
Gặp doi cát nhô ra xa bờ, ông Vĩnh cùng bạn nghề soạn tay lưới rùng, sau đó cầm một đầu tay lưới rùng cùng cây sào tre tiến ra biển. Đến khi mực nước biển ngập hết người thì ông Vĩnh bắt đầu một tay cầm sào tre chống xuống đáy biển để di chuyển; tay còn lại kéo tay lưới rùng theo hình cánh cung bọc quanh đàn cá rồi từ từ tiến vào bờ. Mất khoảng 30 phút thì tay lưới rùng được ông Vĩnh cùng bạn nghề bắt đầu kéo vào bờ.
Xa xa trên ngọn sóng bạc, cá bơi trúng lưới vọt lên không xoay tròn một vòng rồi rơi xuống biển, giữa vòng vây của sóng lưới. Khi tay lưới rùng càng vào gần bờ, cá nhảy lên càng nhiều. Mẻ lưới đầu tiên thu được 4 - 5 kg cá đối, mòi. Lúc này, ông Vĩnh cùng bạn nghề bắt đầu gỡ cá ra khỏi mắt lưới, cho cá vào thùng xốp rồi tranh thủ nghỉ ngơi trong chốc lát trước khi lội ra biển kéo lưới rùng.
Ngư dân Võ Văn Khoái góp chuyện, nghề kéo lưới rùng là cách đánh bắt thủy, hải sản bằng lưới gần bờ khá độc đáo của ngư dân vùng biển bãi ngang. Nghề kéo lưới rùng có thể đánh bắt thủy, hải sản quanh năm. Cứ trời yên, biển lặng, ngư dân vùng biển bãi ngang lại mang lưới rùng xuống biển để đánh bắt cá, tôm gần bờ. Ngày xưa, nhiều ngư dân vùng biển bãi ngang từ xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) cho đến xã Hải Khê (huyện Hải Lăng) đều làm nghề kéo lưới rùng.
Hồi ấy, tàu, thuyền trang bị ngư lưới cụ hiện đại như bây giờ chưa nhiều, cùng với nguồn lợi thủy, hải sản dồi dào nên mỗi lần kéo lưới rùng có thể thu được vài tạ thủy, hải sản các loại là chuyện bình thường. Còn bây giờ, nhiều tàu, thuyền đánh bắt thủy, hải sản với đủ loại hình ngành nghề đánh bắt khác nhau, nên lượng thủy, hải sản gần bờ cũng ngày càng cạn kiệt dần.
Hiện tại, chịu khó kéo lưới rùng cả buổi sáng cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng từ việc bán cá, tôm. Hôm nào thuận lợi, tôm cá nhiều thì mỗi người cũng được vài triệu đồng. Dù nghề kéo lưới rùng là nghề truyền thống lâu đời, nhưng do thu nhập bấp bênh nên đa số ngư dân hiện tại đã chuyển sang nghề biển khác với thu nhập cao.
Muốn làm nghề kéo lưới rùng không khó, bởi chỉ cần đầu tư khoảng 3 - 4 triệu đồng để mua lưới, chì, phao. Rồi mất vài ngày để cột phao, kẹp chì là có được tay lưới rùng dài từ 70 - 90 m; rộng khoảng 1,5 - 2 m. Lưới rùng ở vùng biển bãi ngang xã Trung Giang, Gio Hải, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) có điểm khác biệt so với vùng biển bãi ngang của các tỉnh miền Trung là mắt lưới lớn (bằng đầu ngón tay); chiều dài của lưới thì nhỏ và chỉ cần 2 người là có thể hành nghề .
Ông Vĩnh chia sẻ, đã gắn bó với nghề biển thì đương nhiên phải chấp nhận vất vả và nhiều khi phải đối diện với nguy hiểm rình rập. Riêng đối với nghề kéo lưới rùng dù thu nhập không cao như đánh bắt thủy, hải sản bằng tàu, thuyền, nhưng đây là nghề truyền thống lâu đời nên ông luôn mong muốn tiếp tục lưu giữ cho mai sau. Cứ mỗi lần kéo lưới rùng vào bờ, tận mắt, tận tay cầm nắm từng con cá tươi rói nhảy tanh tách còn mắc trong mắt lưới mới thấy hết niềm vui bình dị của ngư dân .
Những năm gần đây, nhiều bãi biển ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. Đà Nẵng, có nhiều du khách khi đến tắm biển đã không ngần ngại bỏ tiền tham gia trải nghiệm nghề kéo lưới rùng cùng ngư dân. Hy vọng trong tương lai gần, nghề kéo lưới rùng cũng có thể là một trong những sản phẩm du lịch trải nghiệm thu hút du khách đến với bãi tắm Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt). Và ngư dân sẽ có thêm nguồn thu nhập từ khách du lịch, ngoài mớ cá, tôm mà biển khơi ban tặng.
Sỹ Hoàng