Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải quốc gia sau 50 năm thống nhất đất nước

Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải quốc gia sau 50 năm thống nhất đất nước
11 giờ trướcBài gốc
Khắc phục khó khăn, khôi phục ngành vận tải
Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ở miền Bắc không còn một tuyến đường bộ nào đạt cấp kỹ thuật đồng bộ, các ngành kinh tế công nghiệp giao thông vận tải (GTVT) trên cả nước suy yếu.
Trước tình hình đó, Đại hội lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) đã đề ra yêu cầu phải “tích cực mở mang GTVT và thông tin liên lạc vì thực tế không cân đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và không cân đối giữa các bộ phận trong nội bộ ngành...”.
Thực hiện chủ trương đó, hàng trăm doanh nghiệp quốc doanh trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hàng không, vận tải biển ra đời. Năm 1976, đường sắt Thống Nhất - đường sắt xuyên Việt mới hoạt động trở lại cùng với sự kiện chuyến hàng từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội; chuyến tàu chở Apatít phục vụ nông nghiệp từ Hà Nội lên đường vào TP. Hồ Chí Minh, đã khai thông vận tải đường sắt và khẳng định vai trò vận tải xương sống, phục vụ cho phục hồi kinh tế sau chiến tranh.
Người dân chào đón chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội ngày 4/1/1977. Ảnh tư liệu: BGT.
Thời điểm đó, giao thông đường bộ xây dựng mới được hơn 2 vạn mét cầu, 520 cống. Các cảng quan trọng như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn cũng được đầu tư nâng cấp thành 2 trung tâm giao nhận hàng hóa lớn nhất của cả nước; cùng với hệ thống cảng sông, đội tàu được khôi phục và đầu tư tạo ra diện mạo mới cho giao thông đất nước khi đó.
Từ năm 1976 đến năm 1979, hàng không trong nước vận chuyển hơn 1,16 triệu lượt hành khách, 8.624 tấn hàng hóa, bưu kiện; các chuyến bay nước ngoài vận chuyển được 40.000 lượt khách, 700 tấn hàng hóa.
Đến năm 1980, hệ thống cảng biển được đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cấp: Mở rộng cảng Hải Phòng, xây dựng cảng Vật Cách, Chùa Vẽ, mở rộng các cảng than, tiếp tục xây dựng cảng Bến Thủy, nâng gấp đôi công suất cảng Đà Nẵng…
Những năm này, vận tải biển, vận tải đường thủy nội địa đã vận chuyển phần lớn nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị... phục vụ xây dựng các công trình quan trọng của đất nước như: Cầu Thăng Long, Cầu Chương Dương, Thủy điện Hòa Bình, Xi măng Hoàng Thạch, Xi măng Bỉm Sơn, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Trị An...
Trong giai đoạn này, ngành Đường sông đảm nhận khối lượng vận tải lớn với tỷ trọng 38% về tấn thông qua và 40% về tấn luân chuyển trong tổng các phương thức vận tải, tốc độ tăng trưởng sản lượng có những năm đạt trên 10%.
Công trình cầu Thăng Long (năm 1985). Ảnh: Nguyen At.
Những công trình tầm vóc xuất hiện
Giai đoạn bắt đầu công cuộc đổi mới, từ năm 1986, Đảng ta chủ trương ưu tiên đầu tư phát triển GTVT, để GTVT đi trước một bước tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) xác định: “GTVT là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng’’ và “GTVT phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân’’.
Trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1995, dù đất nước khó khăn do bị bao vây cấm vận, ngân sách vẫn dành vốn cho những công trình trọng điểm và các công trình có khả năng hoàn thành để đưa vào khai thác. Ngành GTVT phục vụ các mặt hàng quan trọng của nền kinh tế như: Than, phân bón, hàng xuất nhập khẩu; đồng thời, phục vụ các nhu cầu đời sống xã hội như: Lương thực, hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng lên miền núi...
Trong 10 năm đầu quá trình đổi mới, lĩnh vực đường bộ đã hoàn thành một số tuyến đường, cây cầu có tầm vóc lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội như: Cầu Bến Thủy, Thái Bình, Yên Bái, Đò Quan, Việt Trì, Tràng Tiền, Phong Châu... và đặc biệt là các tuyến quốc lộ như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 80, Quốc lộ 24.
Nhờ sự phát triển của hạ tầng giao thông, nhiều đô thị mới mọc lên dọc theo các tuyến đường; giao thông miền núi, giao thông nông thôn bắt đầu khởi sắc. Đáng chú ý, nhờ sự đầu tư của ngân sách Trung ương kết hợp với ngân sách địa phương và đóng góp của sức dân, hàng ngàn con đường liên huyện, liên xã... đã được mở ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, tạo ra mạng lưới giao thông trải rộng trên khắp đất nước.
Quốc lộ 1 đoạn đèo Cù Mông, Bình Định – Phú Yên. Ảnh: MeeyMap
Giai đoạn này, đường sắt cũng tạo ra những kỳ tích đặc biệt về tần suất và thời gian chạy tàu nhờ việc đầu tư nâng cấp, đóng mới phương tiện, cải thiện trình độ quản lý.
Đặc biệt, ngành hàng không dân dụng từ năm 1990 đã có sự phát triển vượt bậc. Từ chỗ chỉ có các máy bay thế hệ cũ của Liên Xô trước đây, đội máy bay của Vietnam Airlines lần đầu tiên đã mạnh dạn thuê 10 chiếc máy bay Airbus A320 và mua các máy bay như ATR72, Fokker70 đưa vào khai thác đã thay đổi hẳn bộ mặt của ngành Hàng không Việt Nam, tạo ra mức tăng trưởng có năm lên tới hơn 40%.
Lĩnh vực vận tải biển quốc tế, vận tải nội địa cũng được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để mở rộng các cảng biển; đóng mới và sửa chữa các tàu vận tải lớn. Các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn này đã tạo ra hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm, không chỉ đóng góp và ngân sách nhà nước mà còn góp phần xây dựng ngành kinh tế công nghiệp GTVT.
Phát triển vượt bậc, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông
Sau Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996), cùng với chủ trương xã hội hóa lĩnh vực vận tải, với sự tham gia của các thành phần kinh tế, hạ tầng giao thông có bước phát triển vượt bậc, nhiều công trình giao thông được xây dựng.
Giai đoạn này, ngành GTVT đã hoàn thành cơ bản việc nâng cấp toàn tuyến trục dọc “xương sống” của đất nước là Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, trong đó, có 2 công trình quy mô hiện đại là Hầm đường bộ đèo Hải Vân và cầu Mỹ Thuận.
Bên cạnh đó, trục dọc thứ hai là đường Hồ Chí Minh đã hoàn tất giai đoạn 1 (từ Hòa Lạc đến Ngọc Hồi). Đường Hồ Chí Minh kết nối hơn 100 tuyến đường ngang trong đó có các trục hành lang Đông - Tây, nối liền với Quốc lộ 1A ở phía Đông, gắn với hệ thống cảng biển nước sâu dọc bờ biển miền Trung, hệ thống các sân bay trên cao nguyên... tạo ra một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam và liên thông với các nước láng giềng.
Ngoài ra, các tuyến quốc lộ chính kết nối với các cảng biển và cửa khẩu quốc tế như Quốc lộ 5, Quốc lộ 18, Quốc lộ 10, Quốc lộ 22, Quốc lộ 51, Quốc lộ 14B... được hoàn thành. Các tuyến quốc lộ hướng tâm và vành đai phía Bắc, phía Nam cùng các tuyến quốc lộ ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long cũng được nâng cấp.
Trên các tuyến đường mới, hàng loạt cây cầu được xây dựng như: Cầu Kiền, cầu Tô Châu, Tạ Khoa, Bến Lức, cầu Tuần và tuyến tránh TP. Huế, cầu Tân An và tuyến tránh Tân An, cầu Yên Lệnh; cầu Tuyên Nhơn (tuyến N2) cùng với các cầu thuộc dự án cầu Quốc lộ 1: Đà Rằng, Diêu Trì, Tam Giang; Sông Vệ, Câu Lâu, Trà Khúc, Cây Bứa, Bồng Sơn và Bàn Thạch…
Đặc biệt, công trình Cầu Cần Thơ khánh thành và đưa vào sử dụng đánh dấu bước hoàn tất các cầu trên Quốc lộ 1 - huyết mạch giao thông của Đất nước.
Cầu Cần Thơ nằm trên tuyến Quốc lộ 1, nối Cần Thơ và Vĩnh Long. Ảnh: MeeyMap.
Đáng chú ý, lần đầu tiên một số dự án BOT hoàn thành và được đưa vào sử dụng như: Dự án BOT Đèo Ngang; An Sương - An Lạc giúp huy động tối đa các nguồn lực xã hội vào sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn này, ngành GTVT từng bước nâng cấp các tuyến đường sắt, nâng cao an toàn và rút ngắn đáng kể thời gian chạy tàu. Các cầu và ga trên đường sắt Thống Nhất đã được cải tạo và nâng cấp.
Lĩnh vực đường sông cũng hoàn thành nâng cấp 2 tuyến đường thủy phía Nam (TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau và TP. Hồ Chí Minh - Kiên Lương) và từng bước nâng cấp các tuyến sông chính yếu khác.
Lĩnh vực hàng hải hoàn thành nâng cấp giai đoạn 1 các cảng biển tổng hợp quốc gia như: Cảng Cái Lân, Cảng Hải Phòng, Cảng Cửa Lò, Cảng Vũng Áng, Cảng Tiên Sa, Cảng Quy Nhơn, Cảng Nha Trang, Cảng Sài Gòn, Cảng Cần Thơ và hoàn thành nâng cấp một số cảng địa phương, đáp ứng lượng hàng hóa thông qua.
Giai đoạn này, vận tải biển nước ta bước sang giai đoạn mới. Nhờ hạ tầng được nâng cấp, năm 1996 đánh dấu sự kiện Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) tiếp nhận tàu Morning Star với trọng tải 21.353 DWT - tàu hàng rời chuyên dụng cỡ lớn, có tầm hoạt động rộng hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Những năm này, tất cả các cảng hàng không trên cả nước cũng đều được nâng cấp một bước, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại bằng máy bay đang ngày càng gia tăng.
Hạ tầng giao thông hàng không xây dựng được một số công trình quan trọng như: Nhà ga T1 và đường cất hạ cánh 1B Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đường cất hạ cánh 25L tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; nhà ga, sân đỗ, đường hạ cất cánh sân bay Vinh, nhà ga sân bay Phú Quốc; nhà ga hành khách Cảng hàng không Phù Cát, hoàn thành nâng cấp Cảng hàng không Vinh, đưa vào sử dụng Cảng hàng không Côn Sơn; khánh thành nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu Cảng hàng không Điện Biên Phủ; Cảng hàng không Chu Lai...
Khu nhà ga T1, sân bay Nội Bài (năm 2015). Ảnh: Tuấn Phùng.
Trong 10 năm, từ năm 1996 đến năm 2005, ngành GTVT đã cải tạo nâng cấp và làm mới hơn 16.000 km đường bộ; 1.400 km đường sắt; hơn 130.000 m dài cầu đường bộ; 11.000 m dài cầu đường sắt; nâng cấp và xây dựng mới 5.400 m dài bến cảng; nạo vét 4,8 triệu m3 luồng lạch…
Giai đoạn này, hoạt động vận tải bình quân tăng 8,6%/năm về tấn hàng hóa; 9,9% về Tấn.Km; 8% về hành khách và 9,6% về hành khách - Km cao hơn chỉ tiêu Đại hội IX đặt ra là 9 - 10% tấn - Km và 5 - 6% hành khách.Km.
Các dịch vụ vận tải đã và đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Chất lượng các dịch vụ vận tải cũng ngày càng được nâng cao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Đặc biệt, năm 2000, sản lượng hàng hóa vận tải bằng đường sắt đạt trên 6,1 triệu tấn, tổng doanh thu đạt 1.252 tỷ (bằng 124,05% năm 1999), ghi nhận kỷ lục về tăng trưởng và doanh thu trong 10 năm đổi mới (tính đến năm 2000) của ngành này.
Tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng, tạo đột phá chiến lược
Trong thời kỳ đất nước hội nhập ngày càng sâu và rộng, Chính phủ tập trung mọi nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, coi phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao (đặc biệt là hạ tầng giao thông) là một trong ba khâu đột phá chiến lược.
Chính phủ dành khoảng 9 - 10% GDP hàng năm đầu tư vào hạ tầng (trong đó có hạ tầng giao thông); đồng thời kêu gọi nhiều nguồn lực trong và ngoài nước, nguồn lực xã hội để phát triển cơ sở hạ tầng.
Lúc đó, chưa bao giờ người dân lại đi lại dễ dàng và thuận tiện nhờ nhiều tuyến vận tải đường bộ đi khắp nơi với nhiều loại phương tiện hiện đại, vận chuyển đủ các loại hàng hóa...
Tàu hỏa Bắc - Nam ngày càng nhiều chuyến hơn. Hàng không Việt Nam có thêm nhiều máy bay đời mới, hiện đại như Boeing B767, B777, Airbus A321... đưa vào khai thác nhiều tuyến bay mới cả trong nước và quốc tế. Các đội tàu biển, tàu sông của Việt Nam cũng vươn tới nhiều điểm đến trên thế giới.
Việt Nam từng bước nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường bộ, đường sắt tốc độ cao, đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mekong mở rộng và đường sắt xuyên Á; xây dựng hệ thống cảng biển đáp ứng tốt nhu cầu thông quan về hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa.
Trong các năm 2014 - 2015, ngành đường sắt tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng hệ thống bán vé điện tử được coi là bước đổi mới mạnh mẽ của ngành này trong bối cảnh cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.
Trong lĩnh vực hàng không, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có quy mô ngang tầm với các cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển hạ tầng hàng không nói riêng, mà còn được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới với “hệ kinh tế sân bay” cho khu vực, gồm các đô thị sân bay, khu dịch vụ thương mại giải trí, nhóm ngành logistics, hệ thống kho bãi và công nghiệp phụ trợ… góp phần tạo động lực mới cho cả vùng Đông Nam Bộ cũng như cả nước.
Mô hình Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Giai đoạn 2010 – 2014, vận tải hàng không cũng ghi nhận mức tăng trưởng bình quân 12%/năm, vận tải hàng hóa qua kênh này cũng tăng đến 12,8%/năm.
Nhờ chính sách xã hội hóa vận tải hàng không, thị trường có sự cạnh tranh khi các thành phần kinh tế tham gia vào các hãng như: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VASCO, Vietjet Air.
"Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Chính phủ Việt Nam để phát triển bền vững.Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cho cơ s hạ tầng, dành 5,7% tổng sản phẩm quốc nội cho các dự án trong lĩnh vực này. Việt Nam đã đưa vào khai thác 1.729 km đường cao tốc và phấn đấu đạt 3.000 km đến năm 2025. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục phát triển kết nối cơ sở hạ tầng với các nước láng giềng, trong đó có Lào, qua đó thúc đẩy kết nối khu vực và liên khu vực", Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Hoàng Giang Phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng tháng 4/2024, trong khuôn khổ "Tuần lễ bền vững” do Liên hợp quốc tổ chức.
Hàng không Việt Nam đánh dấu bước chuyển mình khi tiếp nhận máy bay thân rộng thế hệ mới A350-900 với sức chứa tối đa 305 hành khách và máy bay Boeing 787-9 Dreamliner tại Washington DC; đưa Việt Nam thành nước đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương đồng thời tiếp nhận, khai thác hai loại máy bay hiện đại thế hệ mới là Boeing 787-9 Dreamliner và Airbus A350-900 XWB.
Trong lĩnh vực hàng hải, hơn 10 năm trở lại đây, với việc mở tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam với sản lượng thông qua gần 100 triệu tấn/năm góp phần hiệu quả giảm tai nạn, ách tắc trên trục đường bộ Bắc - Nam. Tuyến vận tải container kết nối cảng biển TP. Hồ Chí Minh với cảng biển Cái Mép - Thị Vải với hơn 70% lượng container thông qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu được vận tải bằng sà lan...
Giai đoạn từ năm 2016 – 2022, thị phần đội tàu biển Việt Nam đảm nhận dao động từ 5 - 8,25%, trung bình đạt 6,8%/năm. Đến hết năm 2023, đội tàu biển của Việt Nam mở rộng lên 1.188 tàu với tổng trọng tải là 11,10 triệu tấn, tổng dung tích là 6,79 triệu GT.
Trong khi đó, sản lượng vận tải đường thủy nội địa tăng trung bình khoảng 10%/năm, đến năm 2023 đạt hơn 476 triệu tấn, chiếm khoảng 19 - 20% tổng lượng hàng hóa vận chuyển, luân chuyển tại Việt Nam.
Đột phá quy hoạch, phát triển đồng bộ
Lần đầu tiên cả 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không được lập đồng thời và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Lĩnh vực đường bộ đặc biệt đáng lưu ý khi các dự án đường cao tốc được khởi công liên tục trên cơ sở huy động nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế. Riêng năm 2024, 10 dự án được khởi công, 8 dự án đã khánh thành đưa vào khai thác, nhiều dự án vượt tiến độ thi công. Năm 2025 tiếp tục khởi công 19 dự án và hoàn thành 51 dự án hạ tầng.
Cao tốc Vân Phong - Nha Trang (Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II) thông xe 70/83 km ngày 19/4/2025. Ảnh: Tiến Hiếu.
Mục tiêu 3.000 km đường cao tốc được hoàn thành sớm trong năm 2025 gắn với phong trào thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”. Trên cơ sở đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc. Định hướng đến năm 2050 hoàn thiện mạng lưới đường bộ trong cả nước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải.
Trong khi đó, lĩnh vực đường sắt cũng sẽ ghi nhận sự chuyển mình mạnh mẽ với với 6/7 dự án được triển khai giai đoạn 2021-2025, trong đó có các dự án đường sắt nội đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo quy hoạch, đến năm 2035, Hà Nội đưa vào khai thác khoảng 397,8 km đường sắt đô thị, đảm nhận 35 - 40% thị phần vận tải hành khách công cộng; sau năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác thêm khoảng 200,7 km.
Tại TP. Hồ Chí Minh, đến năm 2030 có 31 km đường sắt đô thị, vận tải 15-20% hành khách công cộng; đến năm 2045 có 351 km và vận tải 40-50% lượng hành khách công cộng; đến năm 2060 có 510 km và vận tải 50 - 60% hành khách công cộng…
Trên cả nước, mạng lưới đường sắt được đầu tư với 9 dự án đường sắt lớn khởi công trước năm 2030 (Đường sắt tốc độ cao trên trục bắc – Nam, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Vành đai phía Đông Hà Nội, Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, Thủ Thiêm – Long Thành, TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ, Biên Hòa – Vũng Tàu, Vũng Áng – Mụ Giạ và tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt), đồng bộ với hệ thống đường sắt và mạng lưới giao thông quốc gia.
Đối với vận tải thủy, Chính phủ quy hoạch 9 hành lang, 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300km; quy hoạch 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 513 triệu tấn, 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 68,7 triệu lượt khách.
Chính phủ cũng quy hoạch 9 nhóm cảng biển và khu bến cảng; cùng với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP. Hồ Chí Minh.
Hạ tầng hàng không cũng ghi dấu với quy hoạch mạng lưới hàng không quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng bộ với mạng lưới giao thông quốc gia và mục đích dùng chung dân dụng, quốc phòng của các cảng hàng không. Giai đoạn này, nhiều sân bay được quy hoạch, đầu tư, nâng tầm như: Sân bay Gia Bình, Quảng Trị, Phú Quốc, Vinh, Nội Bài, Cà Mau, Pleiku, Cát Bi, Liên Khương, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Đồng Hới…
Với những thành quả ngành GTVT đã đạt được, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo: Ngành GTVT cần chủ động đón nhận cơ hội, đi đầu trong phát triển ngành công nghiệp, nhất là cơ hội từ dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị. Song song với triển khai đồng bộ các phương thức giao thông, cần tính toán phát triển đồng bộ giữa các vùng miền. Các tuyến giao thông khi đầu tư phải được đặt trong hệ sinh thái, có tính liên kết, đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư.
Lưu Thủy
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/ket-cau-ha-tang-giao-thong-van-tai-quoc-gia-sau-50-nam-thong-nhat-dat-nuoc.html