Kết nối để Hà Nam tiếp tục là 'Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới'

Kết nối để Hà Nam tiếp tục là 'Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới'
3 giờ trướcBài gốc
Đây là nhận định chung của nhiều đại biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối”. Sự kiện do UBND tỉnh Hà Nam tổ chức ngày 18/10 tại TP Phủ Lý, Hà Nam, thu hút đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch.
Thông tin tại Hội nghị, bà Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam cho biết, hiện nay, Hà Nam có hơn 200 cơ sở lưu trú với tổng số gần 4.000 phòng phục vụ khách du lịch, trong đó có 2 khách sạn 5 sao và sắp hoàn thành 1 khách sạn 5 sao; 1 địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch là Khu du lịch Tam Chúc và 12 điểm du lịch đã được công nhận.
Bà Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam phát biểu tại Hội nghị.
Hà Nam đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch văn hóa, lễ hội với các điểm đến hấp dẫn; sản phẩm du lịch nông thôn với các làng nghề truyền thống. Việc khai trương và đưa vào hoạt động các không gian đi bộ gắn với phát triển thương mại, du lịch đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan và mua sắm, hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và sản phẩm làng nghề. Trong thời gian tới Hà Nam cũng định hướng phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn Hà Nam…
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý du lịch.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024 Hà Nam đón khoảng 4,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.200 tỷ đồng, qua đó đóng góp tích cực và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Du lịch Hà Nam đang dần khẳng định thương hiệu là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách. Liên tiếp trong hai năm 2023 và 2024 Hà Nam được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới và Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á. Hà Nam đang quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, xây dựng Hà Nam thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Hà Nam đang trở thành điểm đến được yêu thích với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối” là một trong những sự kiện tiêu biểu của Tuần Văn hóa, Du lịch Hà Nam năm 2024. Đây là dịp để Hà Nam tiếp tục định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, nâng cao thương hiệu, vị thế “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”; quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, đồng thời mở rộng liên kết phát triển du lịch, tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tìm hiểu, mở rộng thị trường, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn giới thiệu đến du khách.
Tại Hội nghị, các đại biểu nhận định Hà Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhưng cần phát huy tương xứng với tiềm năng. Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Lê Phúc cho rằng, Hà Nam có những tiềm năng phong phú về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, cũng như hệ thống các khu du lịch sinh thái và tâm linh độc đáo, là một trong những địa phương có cơ hội lớn để phát triển ngành du lịch.
Các đơn vị lữ hành khảo sát điểm đến trước khi dự Hội nghị.
Tỉnh Hà Nam đã có những bước đi vững chắc trong việc khai thác các tiềm năng này, đặc biệt là Khu du lịch Tam Chúc, một trong những điểm đến nổi bật của Việt Nam, gắn liền với giá trị văn hóa, tâm linh và thiên nhiên hùng vĩ cùng các di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc như chùa Bà Đanh, các lễ hội truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo. Đây là những yếu tố có thể được khai thác để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, tạo nên trải nghiệm thú vị cho du khách, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển các tour du lịch tâm linh….
Hà Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc khai thác tiềm năng du lịch, từ việc phát triển hạ tầng đến quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng. Tuy nhiên, để du lịch Hà Nam thực sự cất cánh và phát triển bền vững, cần phải có sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, và cộng đồng.
Tỉnh Hà Nam và các đơn vị ký kết hợp tác tại Hội nghị.
Ông Ishikawa Isamu - Phó đại sứ, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng gợi ý: Điều quan trọng nhất trong bất kỳ hoạt động kinh doanh hoặc công việc nào là phải đối mặt với thị trường, nắm bắt chính xác nhu cầu của thị trường và khách hàng. Với những kết quả khả quan đạt được của Hà Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, hy vọng, tỉnh Hà Nam cũng sẽ triển khai những hoạt động quảng bá, tiếp thị hiệu quả để thu hút du lịch. “Thu hút du lịch cũng giống như tình yêu. Trước hết, phải cho đối phương biết đến sự tồn tại của mình, mài giũa để trở nên thật quyến rũ và truyền tải về sự quyến rũ đó, cũng như hiểu rõ về sở thích của đối phương và tìm hiểu về tình địch, toàn bộ quá trình này là cần thiết”, ông Ishikawa Isamu nói.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Hà Nam. TS Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, lượng khách đến Hà Nam hiện nay chủ yếu là nội địa và mới mạnh về du lịch tâm linh. Trong thời gian tới, Hà Nam nên đẩy mạnh phát triển nhiều loại hình du lịch khác, trong đó có du lịch sinh thái, tăng khách lưu trú, có mức chi tiêu cao…
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng đã trao giấy chứng nhận cho nhiều nhà đầu tư, ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển giữa tỉnh Hà Nam với các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Hoa Nguyễn
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/van-hoa/ket-noi-de-ha-nam-tiep-tuc-la-diem-den-van-hoa-dia-phuong-hang-dau-the-gioi-i747554/