Kết nối dữ liệu, đánh thức ký ức – Một hành trình mang tên Tổ quốc

Kết nối dữ liệu, đánh thức ký ức – Một hành trình mang tên Tổ quốc
một ngày trướcBài gốc
Khi dữ liệu hóa thành nhịp cầu đoàn tụ
Triển khai từ tháng 7/2024, Kế hoạch 356 của Bộ Công an là một chương trình quy mô lớn, mang giá trị nhân văn sâu sắc, hướng đến mục tiêu xác định danh tính cho các liệt sĩ còn thiếu thông tin, những người con đã hóa thân vào đất mẹ, đang yên nghỉ tại hàng ngàn nghĩa trang trên khắp cả nước. Đó là hành trình đưa công nghệ về phụng sự ký ức, là nỗ lực để những dòng dữ liệu vô tri có thể thắp lên hy vọng, kết nối trái tim người sống với hình bóng người đã khuất.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), tính đến ngày 20/7/2025, toàn quốc đã thu nhận được 57.273 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ. Đằng sau con số ấy là biết bao cuộc hành trình lặng lẽ của lực lượng Công an cơ sở, những người không quản ngại xa xôi, gian khó, đã đến tận cửa từng nhà, gặp từng cụ già tóc bạc, những người mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân cao tuổi, sống gần trọn đời trong khắc khoải chờ mong một ngày con em mình có lại cái tên trên bia mộ.
Công an tỉnh Thanh Hóa tập trung thu nhận mẫu ADN của thân nhân gia đình các liệt sĩ trên địa bàn.
Hơn 500 buổi thu nhận mẫu được tổ chức lưu động và tại chỗ không chỉ là công việc chuyên môn, mà là những cuộc “gõ cửa ký ức”, là hành trình gom từng giọt sinh phẩm quý giá lưu giữ hy vọng, chắt chiu cơ hội đoàn tụ thiêng liêng cho biết bao gia đình. Rất nhiều Công an các đơn vị, địa phương đã mở các chiến dịch, cao điểm thu nhận mẫu ADN của thân nhân gia đình liệt sĩ như Công an tỉnh Ninh Bình, Công an tỉnh Thanh Hóa…Những kết quả này của Công an các tỉnh, thành là điều kiện quan trọng để triển khai giám định mẫu ADN cũng như các bước tiếp theo nhằm “gọi đúng tên” các anh hùng liệt sĩ trên những ngôi mộ “chưa xác định danh tính”. Thông tin với PV, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đánh giá: Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng với các bậc tiền nhân và thế hệ mai sau.
Trên nền tảng 696.908 thông tin liệt sĩ do Cục Người có công (Bộ Nội vụ) cung cấp, lực lượng Công an tại các địa phương đã khẩn trương rà soát, xác minh và làm sạch dữ liệu. Kết quả bước đầu: 336.243 trường hợp liệt sĩ chưa xác định danh tính và 284.329 thông tin thân nhân đã được cập nhật tương đương 42,3% tổng số mẫu cần thu. Mỗi dòng dữ liệu được làm rõ là một bước tiến đến sự thật để từng mảnh ký ức rời rạc có thể ghép lại thành một bản thể đầy đủ, mang tên, tuổi, quê hương, huyết thống của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh.
Không chỉ dừng lại ở việc thu mẫu, công tác phân tích ADN cũng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Hơn 11.000 mẫu thân nhân đã được giám định, trong đó trên 10.000 mẫu đã được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước, hình thành một nền tảng dữ liệu đồng bộ, phục vụ lâu dài cho việc đối sánh. Song song, trong tổng số 17.726 mẫu hài cốt được bàn giao, đã có 5.493 mẫu được phân tích từng lát cắt gen đang dần soi sáng bí ẩn lịch sử, khơi mở những câu chuyện thiêng liêng bị vùi sâu theo năm tháng.
Một trong những kết quả đầy xúc động được ghi nhận từ Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ (Gia Lai). Tại đây, Bộ Công an đã phối hợp với Viện Pháp y quốc gia và Cục Người có công triển khai giám định ADN. Từ dữ liệu thu thập, 16 liệt sĩ đã được xác định danh tính, 27 thân nhân tìm lại được mối liên hệ huyết thống theo dòng mẹ. Những cái tên tưởng như đã chìm vào cát bụi nay được gọi lại trong tiếng nấc nghẹn ngào, trong ánh mắt rưng rưng và cái siết tay ấm áp của những gia đình các liệt sĩ sau hàng chục năm mòn mỏi chờ đợi.
Thiếu tướng Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Qua rà soát, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 37.720 liệt sĩ chưa xác định được thông tin, với tổng số 39.137 trường hợp thân nhân cần thu nhận mẫu ADN. Tính đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu nhận hơn 36.000 mẫu ADN của thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Sau quá trình đối chiếu, phân tích tại ngân hàng Gen do Viện pháp y Quốc gia cung cấp với dữ liệu thân nhân liệt sĩ của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) thu thập trên cả nước, bước đầu đã phát hiện 16 trường hợp ADN hài cốt liệt sĩ an táng tại nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai) nghi trùng (qua dòng họ mẹ) với ADN của 30 thân nhân liệt sĩ, trong đó có 2 liệt sĩ quê ở tỉnh Thanh Hóa là Trịnh Văn Hai, SN 1952, quê ở xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc (trước đây) và liệt sĩ Trịnh Quang Lâm, SN 1952 quê ở xã Nga An, huyện Nga Sơn (trước đây). Từ kết quả này, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiếp tục phối hợp rà soát và so khớp, xác định thành công danh tính cho 2 liệt sĩ.
Trên cơ sở xác minh cẩn trọng và từ kết quả giám định khoa học, ngày 27/6/2025 vừa qua, Cục Người có công (Bộ Nội vụ) đã có thông báo đến thân nhân gia đình các liệt sĩ kết quả giám định mẫu sinh phẩm thân nhân và mẫu hài cốt của 2 liệt sĩ Trịnh Văn Hai (Hậu Lộc) và Trịnh Quang Lâm (Nga Sơn) là trùng khớp. Đây là kết quả mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần “đền ơn đáp nghĩa”, tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng Công an trong hành trình kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai bằng trái tim và trách nhiệm.
Sự vào cuộc đồng lòng, kết nối trách nhiệm
Thiếu tướng Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 đánh giá: Kế hoạch 356 không chỉ là câu chuyện của riêng ngành Công an, mà còn là minh chứng sinh động cho sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong một nhiệm vụ chính trị đặc biệt thiêng liêng. Từ những văn bản hướng dẫn chuyên môn đến quy trình lựa chọn đơn vị đủ điều kiện phân tích, Bộ Công an đã chủ động xây dựng lộ trình triển khai bài bản, thận trọng nhưng đầy quyết liệt. Tính đến nay, Genestory là đơn vị đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn pháp lý và kỹ thuật, trực tiếp tham gia vào quá trình phân tích, tích hợp dữ liệu ADN vào hệ thống quốc gia.
Không chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước, chương trình còn ghi dấu bằng sự chung tay của toàn xã hội. Tổng nguồn lực xã hội hóa huy động được đã lên tới 39,4 tỷ đồng tương ứng với hơn 17.500 mẫu xét nghiệm ADN. Đặc biệt, tỉnh Hà Nam (cũ) là điểm sáng điển hình của hành trình thiêng liêng, ý nghĩa này. Công an tỉnh Hà Nam (cũ) đã vận động được gần 18 tỷ đồng từ sự đồng hành của 20 doanh nghiệp cùng cán bộ, chiến sĩ, đủ để phân tích ADN cho 100% thân nhân liệt sĩ trên địa bàn, một con số không chỉ nói lên hiệu quả mà còn phản ánh rõ nét tấm lòng tri ân, nghĩa tình sâu nặng.
Nhiều thân nhân của các liệt sĩ hiện tuổi đã cao nên công tác thu nhận mẫu ADN cần phải được tiến hành nhanh trên cả nước.
Sự chỉ đạo khẩn trương của các cấp lãnh đạo cùng sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp, ngân hàng đã góp phần thu thập kịp thời mẫu ADN cho các đối tượng ưu tiên là mẹ đẻ của liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Ngoài ra, còn nhiều thân nhân khác của liệt sĩ đã già yếu cũng đã được Bộ Công an triển khai thu nhận mẫu ADN và đưa vào Ngân hàng Gen thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
Tuy vậy, con đường đi của hành trình nghĩa tình ấy vẫn chưa thực sự bằng phẳng. Tới thời điểm này, Bộ Nội vụ vẫn chưa ban hành kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 515, khiến công tác phối hợp giữa các đơn vị gặp không ít lúng túng. Một số địa phương chưa thật sự chủ động trong công tác rà soát, tuyên truyền, cập nhật dữ liệu. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối và đối sánh dữ liệu ADN cũng chưa hoàn thiện, dẫn đến tình trạng chậm trả kết quả giám định.
Đáng lo ngại hơn, vẫn còn không ít mẫu đã được phân tích nhưng chưa được thanh toán do vướng mắc từ cơ chế tài chính giai đoạn trước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, mà còn tạo áp lực lớn cho các đơn vị thực hiện, đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các thân nhân liệt sĩ, những người đã chờ đợi cả một đời để mong có ngày được biết chính xác người thân mình đang yên nghỉ nơi đâu.
Trước thực trạng này, Bộ Công an kiến nghị Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện kế hoạch triển khai cụ thể, khẩn trương thúc đẩy kết nối và chia sẻ dữ liệu ADN giữa các bộ, ngành, bảo đảm tích hợp đồng bộ vào hệ thống căn cước, hình thành một hệ sinh thái dữ liệu xuyên suốt, thống nhất và minh bạch. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính sớm bố trí kinh phí, giải ngân kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng, duy trì tiến độ và chất lượng chương trình.
Bộ Công an sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu chung: trả lại tên cho những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Bởi đây không chỉ là một chương trình kỹ thuật mà là sứ mệnh tri ân. Không chỉ là dữ liệu mà là một mạch nguồn ký ức. Không chỉ là trách nhiệm mà là nghĩa vụ từ trái tim. Hành trình ấy vẫn đang tiếp tục lặng lẽ nhưng bền bỉ đưa công nghệ kết nối với ký ức, để từng giọt máu thân nhân soi sáng từng ngôi mộ chưa xác định danh tính… Và để những người còn sống được thanh thản trong biết ơn, khi nỗi đau chờ đợi của biết bao gia đình thân nhân các liệt sĩ cuối cùng cũng gọi đúng tên người thân của mình trong hàng vạn ngôi mộ chưa xác định danh tính trên khắp đất nước…
Hoàng Phong
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/ket-noi-du-lieu-danh-thuc-ky-uc--mot-hanh-trinh-mang-ten-to-quoc-i775934/