Lực lượng QLTT kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc mô hình Tổng cục QLTT sẽ kết thúc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục công tác quản lý, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái ra sao, bà Nguyễn Minh Phương - Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) - cho biết,thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, Bộ Công Thương đã quyết định kết thúc mô hình Tổng cục QLTT và chuyển giao Cục Quản lý thị trường tại các địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý.
Đồng thời, kiến nghị thành lập các Chi cục QLTT thuộc Sở Công Thương. Đây là một quyết định không hề đơn giản, đầy thách thức, nhưng thực sự cần thiết và không thể trì hoãn trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Bà Nguyễn Minh Phương thông tin, trong nhiều năm hoạt động theo mô hình Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng này đã đạt được những kết quả ấn tượng. Cụ thể, cả nước đã phát hiện và xử lý nghiêm hàng nghìn vụ vi phạm lớn trên thị trường, từ gian lận trong kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, phân bón, đường cát, thực phẩm chức năng, cho đến các vụ sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra gần 68.300 vụ, xử lý 47.135 vụ vi phạm, đồng thời chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm, tăng 2% so với năm trước. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước đã đạt hơn 541 tỷ đồng, tăng 8%; trị giá hàng hóa vi phạm là 425 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023.
Dù tới đây, mô hình tổ chức có sự thay đổi, nhưng theo bà Nguyễn Minh Phương, lực lượng QLTT vẫn sẽ giữ vững vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Khi lực lượng QLTT được chuyển về địa phương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ để duy trì và nâng cao hiệu quả công tác QLTT, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, trong đó chú trọng phối hợp với các lực lượng như: Công an, hải quan, thanh tra… để kiểm tra, kiểm soát thị trường;
Tăng cường đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, ứng dụng CNTT, xác định các mặt hàng có nguy cơ cao để đấu tranh ngăn chặn…
“Dù lực lượng QLTT được tổ chức theo mô hình nào, chúng tôi cũng sẽ luôn duy trì vai trò chủ công, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Công chức, người lao động QLTT, dù ở bất kỳ đơn vị nào, cũng sẽ luôn thể hiện bản lĩnh, trung kiên, sẵn sàng bảo vệ thị trường, phát huy tốt vai trò trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm” - bà Nguyễn Minh Phương khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thêm, sau khi sắp xếp lại, mô hình tổ chức có sự thay đổi thì giải pháp QLTT cũng có sự thay đổi. Trong đó phải nâng cao trách nhiệm của các địa phương.
“Lúc này Bộ Công Thương chỉ còn quản lý Nhà nước, xây dựng chính sách pháp luật, còn lực lượng thực thi nòng cốt là các địa phương, không còn là xuyên suốt như Tổng cục QLTT trước đây. Giải pháp đã có sự thay đổi”- ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
V. Hằng