Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có

Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có
7 giờ trướcBài gốc
Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Người cho rằng, nông nghiệp phải là mặt trận hàng đầu, muốn phát triển đất nước phải coi trọng cả nông nghiệp và công nghiệp. Khắc ghi lời Bác dạy, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Thực hiện lời dạy của Bác, ngày 10/9/1966, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ra Nghị quyết số 68-NQ/TU “Về một số vấn đề quản lý lao động trong HTX nông nghiệp hiện nay” - đánh dấu sự ra đời “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc. Từ đó tạo nên động lực mới cho nhiều HTX vươn lên đạt năng suất cao, trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh.
Nông dân đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa, giảm sức lao động, chi phí nhân công.
Tổng kết năm 1967, Ủy ban hành chính tỉnh công bố bảng vàng đạt hơn 6 tấn thóc/ha cả năm gồm các huyện Vĩnh Tường (10 HTX); Yên Lạc (5 HTX) và Tam Dương (2 HTX). Bảng vàng 7 tấn gồm 4 HTX của xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường là Thôn Trung, Thôn Thượng, Phù Lập và Cao Bình. Nhiều HTX được chọn làm điểm về “Khoán hộ” để nhân rộng, giới thiệu với các địa phương khác trong toàn tỉnh đến tham quan và học tập. Do nhiều HTX đạt năng suất cao nên đến năm 1967, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 222 nghìn tấn, tăng hơn 4.000 tấn so với năm 1966.
Chủ trương “Khoán hộ” đã làm thay đổi căn bản đời sống nông dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh, từng bước thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp phát triển, đáp ứng yêu cầu trong tình hình vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ.
Với những kết quả đạt được sau khi đưa chủ trương “Khoán hộ” vào thực tiễn đã chứng tỏ tính phù hợp, tiến bộ, sáng tạo trong đổi mới tư duy quản lý lao động HTX nông nghiệp lúc đó và sau này. Đồng thời, chủ trương “đi trước thời gian” trở thành một trong những căn cứ, cơ sở thực tiễn để Đảng ta nghiên cứu, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp về sau.
Thắng lợi trên mặt trận nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với việc đảm bảo đời sống nhân dân và làm nghĩa vụ với Nhà nước. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Phúc đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ hậu phương, cung cấp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm và hàng vạn người con Vĩnh Phúc lên đường ra chiến trường, được Chính phủ khen ngợi.
Giai đoạn 1968 - 1975, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước tiến dài hơn so với trước. Năm 1974, tổng sản lượng lương thực quy thóc của tỉnh đạt gần 457 nghìn tấn, tăng 5,3% so với kế hoạch.
Từ năm 1997 đến nay, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách, cách làm sáng tạo, đột phá, tiên phong trong cả nước như Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 1/11/2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001 - 2005; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/12/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020...
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Chăn nuôi đã thực sự trở thành mũi nhọn, đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phương thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp dần thay thế phương thức chăn nuôi truyền thống.
Nông dân ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi, cung cấp sản phẩm trứng chất lượng cho người tiêu dùng.
An ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng lương thực có hạt không ngừng tăng qua các năm. Các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; các vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung đã và đang thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; cơ giới hóa được tăng cường áp dụng trong sản xuất.
Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, nhiều nông dân thời 4.0 của tỉnh đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia; chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền với chuyển đổi số.
Nhờ đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 5 năm (2021 - 2025) của tỉnh tăng 3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra từ 1,5 - 2%/năm. Đặc biệt, năm 2024, gần 6 tấn bưởi của huyện Vĩnh Tường được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Toàn tỉnh có hơn 200 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước hơn 7.800 tỷ đồng.
Hết năm 2024, Vĩnh Phúc là 1 trong 22 tỉnh có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 178 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao; 28 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã xây dựng được thương hiệu một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như dưa chuột An Hòa (Tam Dương), su su Tam Đảo, thanh long ruột đỏ (Lập Thạch), bưởi (Vĩnh Tường)...
Những kết quả đạt được trong công cuộc đổi mới nông nghiệp, nông thôn ở Vĩnh Phúc là minh chứng cho sự đoàn kết, không ngừng nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có.
Bài, ảnh: Mai Liên
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128212//khac-ghi-loi-bac-day-phat-trien-nong-nghiep-hien-dai-nong-dan-giau-co