Khắc họa rõ nét truyền thống vẻ vang của Công đoàn Thủ đô

Khắc họa rõ nét truyền thống vẻ vang của Công đoàn Thủ đô
3 giờ trướcBài gốc
Trong không khí của những ngày tháng 10 lịch sử, khi dư âm của Hội thi vẫn còn lan tỏa, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đã trò chuyện với phóng viên Lao động Thủ đô về mục đích, ý nghĩa và những kết quả của Hội thi.
Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch, Hội thi “Công đoàn Hà Nội - Hành trình xây dựng và phát triển” đã thành công rực rỡ, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong cán bộ, đoàn viên Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Nhiều ý kiến nhận xét, Hội thi thể hiện sự đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn Thủ đô, đồng chí có đồng tình với nhận xét này?
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng tặng hoa cho Ban Giám khảo Chung khảo Hội thi.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy: Đúng như vậy, Hội thi “Công đoàn Hà Nội - Hành trình xây dựng và phát triển” nằm trong chuỗi các sự kiện, hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô của LĐLĐ thành phố Hà Nội.
Hội thi được tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; về hành trình xây dựng và phát triển của Công đoàn Hà Nội, về đóng góp của Công đoàn Hà Nội trong xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Có thể khẳng định, Hội thi chính là sự đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn Thủ đô.
Bởi lẽ, ngay từ khâu tư duy để xây dựng Kế hoạch, để xác định chủ đề lớn xuyên suốt các vòng thi và các nội dung sẽ đề cập, các hình thức sẽ thể hiện, về thành phần Ban Giám khảo ở hai Vòng thi... đã được Ban Tổ chức Cuộc thi nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng; Thể lệ, Quy chế và những nội dung liên quan đến Cuộc thi được tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống truyền thông của tổ chức Công đoàn Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng trao giải Nhất Hội thi cho LĐLĐ huyện Thanh Oai.
Qua khâu tập luyện, ôn thi, các thí sinh là cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ đã được tìm hiểu, nghiên cứu, ghi nhớ và thấm nhuần các thông tin, kiến thức về truyền thống lịch sử vẻ vang của Thủ đô Hà Nội, của tổ chức Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Hà Nội, để rồi khi bước vào Cuộc thi, đứng trên sân khấu, họ là những báo cáo viên, tuyên truyền viên tràn đầy nhiệt huyết, đã thuyết phục, truyền tải những thông tin, kiến thức đó đến với khán giả trực tiếp ở Hội trường và đông đảo cán bộ đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ theo dõi qua Livestream trực tuyến, kết nối phát trên các kênh truyền thông, trang mạng xã hội của các cấp Công đoàn Hà Nội.
Điều đáng nói nữa là, Hội thi được tổ chức bằng hình thức sân khấu hóa, các phần thi có sự gắn kết linh hoạt, kết hợp giữa trả lời câu hỏi với các màn trình diễn có tính nghệ thuật (ca múa nhạc, tiểu phẩm, thơ ca hò vè, thuyết trình…) đã giúp cho thông tin cần tuyên truyền không còn khô khan, nhàm chán ngược lại còn có sức lay động, lan tỏa, dễ tiếp cận, dễ nhớ, dễ hiểu, thấm sâu, ngấm lâu trong lòng người xem.
Phóng viên: Với mục đích, ý nghĩa thiết thực và tính đổi mới, sáng tạo như vậy, Hội thi đã thu hút được sự hưởng ứng tích cực từ các cấp Công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ. Xin Phó Chủ tịch cho biết những đánh giá cơ bản về không khí Hội thi ở vòng Sơ khảo?
Phó Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thu Phương và Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy trai giải Nhì cho đội LĐLĐ thị xã Sơn Tây và LĐLĐ quận Hoàn Kiếm.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy: Hội thi được bắt đầu triển khai từ tháng 7/2024 trong dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp Công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ. Sau 3 tháng triển khai, vòng Sơ khảo của Hội thi đã diễn ra tại 8 Cụm thi đua của LĐLĐ thành phố Hà Nội, với sự tham gia của 117 thí sinh thuộc 39 đội thi, đại diện cho các Công đoàn cơ sở thuộc LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty. Công tác chuẩn bị, tổ chức thi Sơ khảo của các Cụm thi đua đều được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và không khí Hội thi Sơ khảo ở các Cụm đều rất tưng bừng, sôi nổi.
Với 3 phần thi là “Khởi động”, “Hiểu biết“ và phần thi “Cảm xúc”; các đội thi đã tham gia với tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo, vừa giao lưu, học hỏi mà cũng đầy gay cấn, quyết liệt, thể hiện rõ màu cờ, sắc áo. Các phần thi đã hiện sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, về truyền thống Công đoàn, cũng như khả năng sáng tạo, năng khiếu nghệ thuật của các đội thi.
Đồng thời, các đội thi đã mang đến những thông điệp rõ ràng, khẳng định vai trò quan trọng của Công đoàn trong sự nghiệp phát triển của Thủ đô Hà Nội và đất nước. Trải qua những màn cân sức, cân tài, vòng Sơ khảo đã tìm ra được 8 đội thi xuất sắc nhất tham dự vòng Chung khảo Hội thi cấp Thành phố.
Phần thi "Khởi động" là sự giới thiệu tinh tế, khéo léo, có tính nghệ thuật của các đội về đơn vị mình.
Phóng viên: Nếu vòng Sơ khảo đã có không ít cam go, thì vòng thi Chung khảo chắc chắn là những thử thách lớn hơn với các đội thi. Vậy các đội thi đã thể hiện như thế nào để làm nên thành công của Chung khảo Hội thi, thưa Phó Chủ tịch?
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy: Quả thật, vòng Chung khảo Hội thi có những thử thách lớn hơn nhưng các đội thi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, quyết tâm cao hơn, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết sáng tạo, mang đến những phần thi hấp dẫn, ý nghĩa và chất lượng nhất. Theo đó, 8 đội thi đã trải qua 3 phần thi “Khởi động”, “Hiểu biết“, “Cảm xúc” dưới sự “cầm cân, nẩy mực” công tâm, khách quan của Ban Giám khảo gồm các đồng chí nguyên là cán bộ Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội, cán bộ ngành Văn hóa Nghệ thuật, nhà báo - những người am hiểu sâu rộng về tổ chức Công đoàn, về Thủ đô Hà Nội, có bề dày chuyên môn về văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt là các phần thi diễn ra dưới bầu không khí sôi động, tưng bừng, phấn chấn, đầy tin tưởng, gửi gắm của gần 1.000 cổ động viên trực tiếp ở Hội trường Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô.
Dù vậy, các đội thi vẫn rất bình tĩnh tự tin, đoàn kết, vừa giao lưu, học hỏi vừa nỗ lực, quyết tâm vì màu cờ, sắc áo nên đã hoàn thành các phần thi một cách xuất sắc. Trong đó, ở phần “Khởi động”, các đội thi thu hút khán giả bằng màn giới thiệu đầy tinh tế, khéo léo về đội thi của mình, về hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ của địa phương, ngành, đơn vị thông qua các tiết mục ca múa nhạc, tiểu phẩm, thơ ca hò vè, thuyết trình…
Phần thi "Hiểu biết" thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, hiểu biết của các thí sinh.
Phần thi “Hiểu biết” diễn ra khá gay cấn và hồi hộp khi các đội thi phải trả lời hàng loạt câu hỏi không kém phần “hiểm hóc” đến từ Ban Giám khảo. Trong phần thi này, mặc dù nội dung câu hỏi rộng và bao trùm nhiều vấn đề: Truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Hà Nội, giai cấp công nhân Việt Nam, đoàn viên CNVCLĐ; về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn; về lịch sử, truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thăng Long - Hà Nội; về thành tựu của Thủ đô đạt được trong 70 năm xây dựng, phát triển…, song các đội thi đều có phần trả lời mạch lạc, rõ ràng, xử lý, giải quyết tình huống chính xác, nhanh nhẹn, chứng tỏ sự đầu tư ôn luyện kỹ lưỡng cũng như chứng tỏ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng và tầm hiểu biết sâu rộng của các thí sinh.
Còn phần thi “Cảm xúc” thì vô cùng tưng bừng, hấp dẫn. Các thí sinh đã trở thành những diễn viên, nghệ sĩ không chuyên, biểu diễn các tiết mục ca - múa - nhạc xoay quanh chủ đề ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ; ca ngợi Thủ đô Hà Nội, dấu ấn 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ca ngợi tình yêu cuộc sống, tình yêu trong lao động sản xuất; ca ngợi giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn… Nhiều tác phẩm do chính các thí sinh tự sáng tác, dàn dựng đã cho thấy khả năng sáng tạo và năng khiếu nghệ thuật của các thí sinh, thể hiện rõ những phẩm chât Tâm - Trí - Tài của đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô trong thời đại mới.
Phóng viên: Hội thi đã thành công rực rỡ và mang lại những hiệu quả thiết thực. Xin Phó Chủ tịch đúc rút ngắn gọn về những kết quả đạt được của Hội thi?
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy: Sau những phần tranh tài sôi nổi, kết quả đội thi đến từ LĐLĐ quận Tây Hồ đã giành giải Đặc biệt. Giải Nhất thuộc về LĐLĐ huyện Thanh Oai; 2 giải Nhì được Ban tổ chức trao cho LĐLĐ quận Hoàn Kiếm và LĐLĐ thị xã Sơn Tây; 4 giải Ba được trao cho các đội đến từ: LĐLĐ huyện Đan Phượng, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội, Liên đơn vị Cụm thi đua số 7. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 3 Giải chuyên đề cho: Đội có phần thi Khởi động xuất sắc nhất (LĐLĐ thị xã Sơn Tây), đội có phần thi Hiểu biết xuất sắc nhất (LĐLĐ huyện Thanh Oai) và đội có phần thi Cảm xúc xuất sắc nhất (LĐLĐ huyện Đan Phượng).
Trong phần thi "Cảm xúc", các thí sinh đã trở thành những nghệ sĩ biểu diễn những màn ca múa nhạc dặc sắc, hấp dẫn.
Hội thi kết thúc đã để lại những dư âm và ấn tượng tốt đẹp. Qua nắm bắt dư luận cán bộ Công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ cho thấy, nhiều cán bộ, đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ rất vui mừng, phấn khởi khi trực tiếp là thành viên của các đội thi, được có cơ hội là các “fan” cổ vũ trực tiếp hoặc xem qua Livestream hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa này do LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức.
Họ đã thêm nhiều năng lượng tích cực khi được hòa mình vào bầu không khí đầy tri thức và nghệ thuật, để được nâng cao đời sống tinh thần. Đồng thời, nhiều người cũng cho biết, qua Hội thi, cán bộ, đoàn viên và CNVCLĐ có cơ hội để hiểu hơn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, những thành tựu của Công đoàn và Thủ đô Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua, từ đó, mỗi cán bộ, đoàn viên và CNVCLĐ Thủ đô yêu hơn, tự hào hơn về tổ chức Công đoàn, về Thủ đô Hà Nội cũng như có thêm động lực để hăng say lao động sản xuất, công tác tốt, chung sức vì sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nói riêng, Thủ đô và tổ chức Công đoàn nói chung. Theo tôi, đó chính là thành công lớn nhất mà Hội thi mang tới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Phạm Diệp (thực hiện)
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/khac-hoa-ro-net-truyen-thong-ve-vang-cua-cong-doan-thu-do-179536.html