Khắc phục tình trạng khoản chi nào cũng đưa ra Quốc hội

Khắc phục tình trạng khoản chi nào cũng đưa ra Quốc hội
2 giờ trướcBài gốc
Ngày 7-11, Quốc hội (QH) thảo luận về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (một luật sửa bảy luật).
Đại biểu (ĐB) Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận đã nhìn nhận việc sửa các luật này nhằm tháo gỡ ngay những bất cập, vướng mắc và điểm nghẽn mà không cần phải chờ để sửa đổi tổng thể từng đạo luật. Định hướng phân cấp, phân quyền tiếp tục được thảo luận sôi nổi như đối với dự luật một luật sửa bốn luật trong lĩnh vực đầu tư.
Định hướng này thể hiện khá rõ khi Luật NSNN được các ĐB tập trung thảo luận nhiều.
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh). Ảnh: PHẠM THẮNG
QH giám sát, Chính phủ điều hành
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) dẫn chiếu quy định trong dự luật cho phép đối với dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa được phân bổ chi tiết theo quy định… thì giao Chính phủ tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH… Theo bà Thơ, việc bổ sung nội dung này là chưa phù hợp. Bởi trong Luật NSNN quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của QH trong quyết định phân ,bổ ngân sách trung ương đối với từng hạng mục chi cụ thể.
ĐB Thơ cũng nêu ý kiến về quy định cho phép UBND tỉnh thực hiện các khoản chi không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh và sau đó lại báo cáo với Thường trực HĐND về kết quả đã chi để trình HĐND tỉnh biểu quyết thông qua.
“Trong thực tiễn có thể phát sinh những khoản chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển ngoài dự toán ban đầu. Tuy nhiên, tất cả khoản chi NSNN đều phải có trong hạng mục chi. Tôi đề nghị không để tình trạng tiền trảm hậu tấu, Chính phủ, UBND tỉnh chi trước sau đó mới báo cáo QH, HĐND tỉnh thông qua” - ĐB Thơ nói.
ĐB Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi). Ảnh: PHẠM THẮNG
ĐB Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) cũng đề cập vấn đề này và dẫn chiếu khoản 4 Điều 30 Hiến pháp 2013 “QH quyết định phân chia các khoản thu, các nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Quyết định dự toán NSNN và phân bố ngân sách trung ương”. Bà Lan nói: “Không phải là quyết định tổng thể, do vậy tôi đề nghị hết sức cân nhắc về nội dung này. Nếu để Chính phủ chủ động trong việc điều hành thì có thể đề xuất phương án giao cho Ủy ban Thường vụ QH quyết định và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất”.
Bà Lan cũng nói đến quy định trong dự luật về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp đối với NSNN và đề nghị tiếp tục nghiên cứu tổng thể các chính sách đặc thù đang được áp dụng cho các địa phương. Việc này nhằm sửa đổi luật toàn diện theo hướng tăng phân cấp cho địa phương, khuyến khích địa phương tiết kiệm chi sau khi thực hiện đúng, đủ, hiệu quả các nhiệm vụ chi, khuyến khích tăng các nguồn thu, trong đó có nguồn thu xuất nhập khẩu của địa phương.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG
Giải trình sau đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay vấn đề này Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói rất nhiều. Một dự án 19 tỉ đồng cũng phải trình QH, viện trợ của nước ngoài có 21 tỉ đồng cũng phải trình QH.
“Vừa rồi trong dự toán cho Bộ GD&ĐT đã được QH phê duyệt nhưng sau đó giảm đi một phần tăng cho Bắc Kạn. Điều này không thay đổi về tổng dự toán QH quyết định nhưng cũng phải đưa ra QH. Như vậy, chúng tôi nghĩ tốn nhiều công sức, sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận hành và điều hành” - ông Phớc ví dụ.
Hay với quyết định dự toán cho khoa học công nghệ cũng vậy, từng đề tài, từng khoản 100-200 tỉ đồng thì Chính phủ điều hành. Nếu qua một vòng QH nữa thì lúc này sẽ biến QH thành cơ quan điều hành chứ không phải là lập pháp hay giám sát nữa.
“QH có quyền kiểm tra, Chính phủ điều hành, các bộ, ngành tham mưu phải có trách nhiệm. Không thể 10 tỉ hay 5 tỉ, 3 tỉ cũng đưa ra QH. Đây là lý do chúng tôi thấy không hợp lý nên trình với QH đợt này” - ông Phớc giải thích.
Theo luật cũ, cầu Phong Châu bị sập cũng không làm lại ngay được
ĐB Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) thì nêu vấn đề trong luật có quy định ngoài sử dụng nguồn ngân sách chi đầu tư phát triển thì sử dụng chi thường xuyên để thực hiện đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp thiết bị hay lập, thẩm định các báo cáo tiền khả thi, khả thi cũng như các loại quy hoạch.
ĐB Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG
Ông Tuấn nhất trí với quy định này và đề nghị bổ sung sử dụng nguồn thường xuyên để chi đầu tư các dự án mang tính cấp bách, đặc biệt là những năm cuối trung hạn đã chi hết nguồn đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc hằng năm.
Ông đề nghị những khoản này phải tách khỏi Luật Đầu tư công vì luật này quy định các dự án phải nằm trong trung hạn hoặc được điều chỉnh trong trung hạn, trong kế hoạch hằng năm mới có thể sử dụng đúng theo tiêu chí của đầu tư công. Khi thực hiện quy định này phải thận trọng, minh bạch, rõ ràng và phải có một báo cáo riêng để cơ quan có thẩm quyền xem xét, cân đối chung nguồn chi ngân sách.
ĐB Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh), ĐB Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cùng nêu kiến nghị quy định mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tăng thu ngân sách chi cho một số nhiệm vụ chi cụ thể chưa có quy định. Từ đó có căn cứ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách của một số địa phương cho các nhiệm vụ chi cụ thể, cần thiết. Đồng thời, bổ sung quy định cho phép địa phương được sử dụng nguồn tăng thu ngân sách chi và bổ sung nhiệm vụ chi thường xuyên, nguồn dự phòng để hỗ trợ các địa phương khác, cơ quan thuộc bộ, ngành trên địa bàn…
Theo bà Lan, trên thực tế hỗ trợ các hoạt động này nhiều địa phương đã và đang thực hiện. Chúng ta đang quy định cơ chế đặc thù cho địa phương như TP.HCM nhưng đến nay cần phải sửa đổi để có cơ sở pháp lý thực hiện.
ĐB Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh). Ảnh: PHẠM THẮNG
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng việc các ĐB nêu thì Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Chính phủ đã bàn rất kỹ để sửa những quy định của Luật NSNN trong lần sửa này.
Theo đó, Luật Đầu tư công được sửa để xác định cân đối tài khóa, tránh tài khóa bị phá vỡ trong nhiệm kỳ và không để lại nợ cho nhiệm kỳ sau chịu. Còn với những khoản thu phát sinh trong năm ngân sách thì được bố trí chi vào những dự án, công trình cần thiết mà chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, có nghĩa nguồn vốn đó là nguồn vốn đầu tư công khác.
“Theo luật cũ, cầu Phong Châu bị sập, nếu không có trong trung hạn thì đương nhiên sẽ không làm được. Tuy nhiên, bây giờ phải dùng nguồn dự phòng hoặc nguồn tiết kiệm chi đầu tư vào đây để sớm hoàn thành một công trình cho nhân dân đi lại” - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giải thích và khẳng định những vấn đề được sửa đổi lần này là thực tiễn, có tác động bảo đảm điều hành chính sách tài khóa bền vững, phát huy hiệu quả của NSNN.
Không hình sự hóa vi phạm giao dịch dân sự - kinh tế trên thị trường chứng khoán
ĐB Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) khi phát biểu về sửa đổi Luật Chứng khoán 2019 cho hay quy định “trong hồ sơ của một doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết phải có báo cáo vốn góp trong 10 năm tính đến thời điểm đăng ký chào bán số cổ phiếu lần đầu ra công chúng được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập” có thể làm phát sinh thời gian, chi phí và tâm lý e ngại cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, cần phải rà soát kỹ lưỡng vì việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là một nội dung rất quan trọng để xác định vốn điều lệ thực góp, tổng số vốn, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng và số cổ phần này sẽ được lưu hành tiếp tục ở thị trường thứ cấp.
“Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác thì đó là sự đánh tráo đối với toàn bộ nhà đầu tư ngay từ lần mua đầu đến những lần mua tiếp theo. Điển hình cho nội dung này là Công ty FAROS của FLC từ vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỉ đồng, sau năm lần tăng vốn điều lệ trong ba năm đã tăng lên 4.300 tỉ đồng. Hệ lụy rất lớn cho cả thị trường” - ĐB Toàn nêu.
ĐB Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu). Ảnh: PHẠM THẮNG
Ông Toàn cũng nhắc tới vụ án Sài Gòn - Đại Ninh của ông Nguyễn Cao Trí và cho rằng ông Trí đã “phù phép” nâng vốn lên 2.000 tỉ đồng. Theo ông Toàn, kiểm toán các doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết như vậy là rất cần thiết, không phải chỉ vì chi phí kiểm toán mà bảo các doanh nghiệp e ngại.
“Đây là một yếu tố cần bảo đảm cho thị trường chứng khoán được minh bạch, trong sạch để không xảy ra các trường hợp như Công ty FAROS” - ông Toàn nói và đề nghị thời gian kiểm toán góp vốn điều lệ rút xuống còn năm năm thay vì 10 năm như Chính phủ đề nghị.
Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai), ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định)… cho rằng cần rà soát, đối chiếu với các điều khoản, biện pháp được quy định tại Chương III Luật Chứng khoán 2019; Điều 127 BLDS 2015. Cụ thể, khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu. Việc xử lý hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 BLDS 2015… để bảo đảm không hình sự hóa các quan hệ giao dịch kinh tế.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/khac-phuc-tinh-trang-khoan-chi-nao-cung-dua-ra-quoc-hoi-post818813.html