Choi Jongrak là nhà sáng tạo nội dung người Hàn Quốc, sống ở TPHCM được gần 6 năm.
Jongrak cùng anh trai Sungrak và bạn của anh trai là Dongrin đồng sở hữu kênh YouTube có hơn 1 triệu lượt theo dõi, thường xuyên chia sẻ về văn hóa, ẩm thực Hàn Quốc và Việt Nam.
Trong một video khám phá các món bánh mì lạ miệng ở TPHCM được đăng tải gần đây, Jongrak ghé 1 tiệm bánh mì nằm trên đường Cô Giang, phường Cầu Kiệu (phường 2, quận Phú Nhuận cũ).
Tiệm nổi tiếng với món bánh mì hấp, mở cửa đến nay được 16 năm.
Jongrak ngồi vỉa hè thưởng thức món bánh mì hấp lạ miệng ở TPHCM
Theo người dân địa phương, món bánh mì hấp ra đời trong thời kỳ bao cấp hay những năm hậu chiến ở miền Nam. Lúc ấy, bà con tận dụng bánh mì thừa, nguội để làm ra món ăn nóng hổi, vừa tiết kiệm, vừa đủ no.
Những ổ bánh mì cũ sẽ được cắt nhỏ thành các miếng vừa ăn, rưới nước xương hoặc nước cốt dừa rồi đem hấp lại cho mềm, có thể ăn ngay hoặc kết hợp với một số nguyên liệu tùy ý như pate, xíu mại, thịt băm, tóp mỡ, bì, mỡ hành…
Tại tiệm bánh mì hấp, Jongrak gọi 1 suất cỡ nhỏ, giá 55.000 đồng.
“Nghe bánh mì hấp thì mình cứ nghĩ là hấp đồ ăn kèm thôi chứ không phải hấp luôn cả bánh mì như vậy”, vị khách Hàn Quốc chia sẻ.
Anh nhận xét, suất ăn nhỏ nhưng nguyên liệu đa dạng và đầy đặn, gồm bánh mì hấp, bì lợn, thịt bò bằm, xíu mại, sắn sợi, mỡ hành, đậu phộng, hành phi.
Ngoài ra, tiệm còn phục vụ sẵn một số món ăn kèm như xà lách, các loại rau thơm (diếp cá, húng chó, tía tô) và nước mắm chua ngọt.
Suất bánh mì hấp cỡ nhỏ, giá 55.000 đồng, phục vụ kèm nước mắm và rau sống
Khi nếm thử miếng đầu tiên, Jongrak miêu tả món ăn giống gỏi và khen bánh mì được hấp nên cảm giác mềm hơn nhưng vẫn có độ dai đặc trưng.
Tuy nhiên, anh cho biết hương vị của món ăn thay đổi rõ rệt sau khi cuộn bánh mì hấp cùng rau sống, rau thơm và chấm nước mắm riêng.
“Phải ăn như này mới đúng vị vì chỉ ăn bánh mì không thôi sẽ thấy bình thường, còn hấp có thể nghe hơi lạ. Nhưng khi cuốn rau và chấm mắm lại thấy thật sự hoàn hảo.
Giờ mình mới thấy bánh mì hấp ngon”, chàng trai Hàn Quốc thốt lên”.
Vị khách Hàn Quốc bất ngờ vì bánh mì hấp cuộn với rau sống và chấm nước mắm chua ngọt ăn rất ngon
Chia sẻ với PV, chị Thủy (34 tuổi) – chủ tiệm bánh mì hấp mà Jongrak ghé thăm cho biết, món ăn được chế biến từ loại bánh mì để qua ngày, đã nguội và không còn giòn.
Tuy nhiên, sau khi hấp lên, bánh sẽ mềm mịn, dậy mùi thơm đặc trưng. Món này thường được cuốn với rau sống, chấm nước mắm chua ngọt tương tự cách ăn bánh xèo.
Chủ quán cho hay, trung bình mỗi suất ăn tương đương với một ổ bánh mì. Nếu khách gọi phần lớn, chị sẽ dùng một ổ rưỡi, tăng thêm nguyên liệu, giá 75.000 đồng.
Bánh mì hấp là món ăn bình dân được cả người bản địa và du khách yêu thích khi du lịch TPHCM
Trước khi hấp, bánh mì được cắt thành từng miếng nhỏ, xếp vào xửng rồi xịt thêm nước để giữ độ ẩm và giúp bánh hấp xong sẽ mềm hơn.
Bánh hấp khoảng 5-10 phút thì lấy ra, đảm bảo bánh mềm vừa phải, không bị nhão, nát.
Các món ăn kèm bánh mì hấp đều được chị Thủy tự tay chế biến theo công thức gia truyền và bán hết trong ngày.
Trung bình mỗi ngày, chị bán khoảng 50 suất bánh mì hấp. Ngoài ra, chị còn phục vụ cả món gỏi cuốn, trà tắc hoặc bánh tằm bì.
Tiệm mở cửa từ 11h đến 16h, không gian hạn chế nhưng vẫn đón lượng khách ổn định mỗi ngày, cả khách ăn tại chỗ và mua mang đi.
Ảnh: HanQuocBros
Thảo Trinh