Khai bút đầu xuân tại ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam thờ Phật bà Đại Tuệ

Khai bút đầu xuân tại ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam thờ Phật bà Đại Tuệ
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 2/2 (tức mùng 5 Tết Ất Tỵ), chương trình khai bút, khai xuân và cầu quốc thái dân an được tổ chức trang trọng tại chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), ngôi chùa hơn 600 năm tuổi, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.
Chương trình khai bút được tổ chức trang trọng tại chùa Đại Tuệ.
Theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Trụ trì chùa Đại Tuệ, trong không khí thiêng liêng đầu xuân năm mới, chúng ta cùng hội tụ tại chùa Đại Tuệ - ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ, nơi đây mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa và tâm linh, để cùng nhau tham dự lễ hội khai bút cầu trí tuệ và bình an.
"Từ bao đời nay, người Việt ta luôn coi trọng việc học tập, trau dồi tri thức với niềm tin rằng, trí tuệ chính là ánh sáng soi đường, giúp con người vượt qua vô minh để đến với an vui và giải thoát. Đức Phật từng dạy trong Kinh Chuyển Pháp Luân rằng: "Trí tuệ là điểm khởi đầu, ươm mầm trí tuệ, soi sáng tất cả ngôn từ, hành động, sinh kế, chuyên cần, đều hợp chính đạo, giúp cho hành giả, xa lánh ràng buộc, giải thoát an vui".
Lời dạy ấy chính là kim chỉ nam cho tất cả chúng ta, đặc biệt trong ngày đầu xuân, khi thực hiện nghi thức khai bút - một truyền thống tốt đẹp, thể hiện lòng tôn kính tri thức, ý chí học hành và khát vọng vươn lên" - Hòa thượng Thích Thọ Lạc nói.
Tại khuôn viên chùa Đại Tuệ, hàng nghìn người lên chùa từ sáng sớm để dự lễ khai bút đầu xuân.
Chùa Đại Tuệ không chỉ là một danh thắng linh thiêng, mà còn mang ý nghĩa đặc biệt, là ngôi chùa duy nhất tại Việt Nam tôn thờ Đức Phật Mẫu Đại Tuệ.
Điều kỳ diệu hơn, nơi đây có mạch nước ngầm phun ngược lên tận đỉnh núi, tạo thành hình tượng thiên nhiên độc đáo - Thiên Bút, như một dấu ấn linh thiêng khẳng định rằng: "Tri thức là sức mạnh, trí tuệ là ánh sáng soi đường".
Theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc, lễ hội khai bút không chỉ là dịp để mỗi người tự nhắc nhở về trách nhiệm học tập, mà còn là một cơ hội để gieo những hạt giống trí tuệ, hướng đến một năm mới tràn đầy ánh sáng của tri thức, sự hiểu biết và lòng thương yêu.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên thường trực Hội đồng chứng minh, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh cồng chiêng.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An viết vào sổ vàng đầu xuân tại chùa Đại Tuệ, gửi gắm thông điệp: "Hưng Thịnh; Thịnh Vượng; Thịnh Phát. Phật tử, nhân dân, doanh nghiệp, toàn tỉnh Nghệ An năm 2025 thịnh vượng, phát triển, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Dịp này, Ban Tổ chức sự kiện tặng một căn nhà Đại đoàn kết cho một hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Tương Dương. Đây không chỉ là một món quà vật chất, mà còn là biểu tượng của tình thương, sự sẻ chia, thể hiện truyền thống "lá lành đùm lá rách" đối với đồng bào miền núi thân yêu.
Chị Lê Thùy Dung (46 tuổi, trú tại TP Vinh) đang xếp hàng chờ xin chữ chia sẻ: "Xin chữ cũng là cách để gửi gắm những lời chúc tốt đẹp, làm quà tặng cho người thân. Năm nay, vợ chồng tôi xin chữ 'an' để tặng gia đình, mong một năm mới an vui, vượt qua mọi khó khăn thử thách."
Xin chữ cũng là cách gửi gắm những lời hay, ý đẹp để trao tặng người thân.
Lễ khai bút đầu xuân có đông đảo người dân trong tỉnh và du khách thập phương tham dự.
Từng nét chữ được trau chuốt.
Cho chữ đầu năm tại chùa Đại Tuệ.
Ông Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (bên trái) nhận chữ đầu xuân, mong muốn Nghệ An ngày càng thịnh vượng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cùng đại diện Giáo Hội Phật giáo Việt Nam mở sổ vàng khai bút đầu xuân Ất Tỵ.
Chùa Đại Tuệ - Ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam thờ Phật bà Đại Tuệ
Chùa Đại Tuệ rộng 6.000 m2, tọa lạc trên đỉnh động Thăng Thiên, thuộc dãy núi Đại Huệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, ở độ cao 500 m so với mực nước biển, là thắng cảnh nổi tiếng của Nghệ An.
Tương truyền, chùa có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân Đường (năm 627 sau Công nguyên). Đến thế kỷ 15, công trình được vua Hồ Quý Ly cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ, người có công giúp nhà Hồ xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh.
Năm 1789, trên đường ra Bắc đại phá quân Thanh, vua Quang Trung dừng chân tại Nghệ An, chiêu mộ quân sĩ và tổ chức huấn luyện trước sân chùa. Nhà sư đã mách bảo kế sách hành quân cho vua, vừa tránh được tai mắt của địch cũng như rút ngắn được đường ra Thăng Long. Sau khi lên ngôi, nhà vua xuống chiếu cắt 20 mẫu ruộng giao cho chùa Đại Tuệ để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng quanh năm.
Trải qua biến thiên của thời gian, chùa Đại Tuệ chỉ còn lại 3 bức tường rêu phong và một mái nhà tranh. Năm 2011, công trình được khởi công xây dựng lại với 4 phần gồm chùa Trình, Hạ, Trung và Thượng.
Không chỉ là ngôi chùa có cảnh quan đẹp và nhiều công trình bề thế mà chùa Đại Tuệ còn mang trong mình những dấu ấn lịch sử. Đến vãn cảnh chùa, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ vĩ mà còn hiểu hơn về lịch sử của dân tộc.
Chùa Đại Tuệ đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận bốn kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam.
Hoàng Trinh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/khai-but-dau-xuan-tai-ngoi-chua-duy-nhat-o-viet-nam-tho-phat-ba-dai-tue-169250202223333492.htm