Khai mạc liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ II năm 2025

Khai mạc liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ II năm 2025
14 giờ trướcBài gốc
Sáng 4/4, tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên (đường Phạm Bạch Hổ, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên tổ chức khai mạc Liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ II năm 2025.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; ông Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên và các đại biểu cắt băng khai mạc liên hoan.
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cho biết, tiếp nối thành công của Liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ I năm 2024, để quảng bá, tôn vinh và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa ẩm thực Hưng Yên nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung, UBND tỉnh Hưng Yên giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các tỉnh, thành phố tổ chức Liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ II năm 2025 trong 3 ngày, từ ngày 4/4 đến ngày 6/4.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; ông Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia liên hoan.
Ông Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia liên hoan.
Liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ II là hoạt động xúc tiến du lịch tiêu biểu của tỉnh trong năm 2025, nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực, du lịch của tỉnh, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực, du lịch Hưng Yên, với quy mô 100 gian hàng hội tụ hơn 100 món ẩm thực nổi tiếng của Hưng Yên xưa và nay cũng như ẩm thực tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trong cụm Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh liên kết...
Ông Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên phát biểu khai mạc.
“Đây là sự kiện được mở rộng nhằm tôn vinh sự đa dạng, đặc sắc của ẩm thực trong nước nói chung, ẩm thực của Hưng Yên nói riêng, quảng bá hình ảnh Hưng Yên năng động, trẻ trung trên nền tảng tinh hoa truyền thống, là cầu nối hội tụ kết tinh bản sắc văn hóa Việt, hướng tới mục tiêu xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Hưng Yên trong giai đoạn mới; là hoạt động kích cầu du lịch, góp phần phục hồi và phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung”, ông Đỗ Hữu Nhân phát biểu.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày ẩm thực, các đặc sản, sản phẩm OCOP…
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cho rằng, đây cũng là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ giữa Hưng Yên với các tỉnh, thành, các hiệp hội doanh nghiệp du lịch trên cả nước cùng chung tay xây dựng sản phẩm du lịch mới mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế, hướng tới thúc đẩy giao lưu văn hóa phát triển du lịch bền vững, góp phần không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức hút của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hưng Yên nói riêng.
Người dân và du khách tham quan, trải nghiệm, mua sắm tại các gian ẩm thực, sản phẩm OCOP, đặc sản… tại buổi khai mạc liên hoan.
Người dân và du khách tham quan, trải nghiệm, mua sắm tại các gian ẩm thực, đặc sản, sản phẩm OCOP…
Theo ông Đỗ Hữu Nhân, đến với Liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ II năm 2025, các đại biểu, người dân và du khách thập phương sẽ được giao lưu, trải nghiệm những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực, những món ăn đa dạng, phong phú, đặc sắc được chế biến, trình bày công phu, hấp dẫn bởi các nghệ nhân tham gia vào các hoạt động quảng diễn, trình diễn các món ẩm thực truyền thống của các địa phương; cùng với đó là hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; lễ dâng hương, dâng bánh chưng, bánh giầy tại đền Lạc Long Quân và đền Mẫu Âu Cơ...
Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy diễn ra trong không khí tưng bừng, rộn rã, phấn khởi từ các đội thi, thành viên ban giám khảo, người dân và du khách.
Theo thể lệ, phần thi giã bánh giầy có 5 đội tham gia, mỗi đội dự thi không quá 5 người bao gồm người giã bánh, thổi xôi, bắt bánh; các thành viên sử dụng trang phục truyền thống của địa phương. Nguyên vật liệu gồm 5kg gạo nếp và tỷ lệ ướt sau khi ngâm để ráo nước (khối lượng không quá 7 kg). Đối với dụng cụ, các đội thi chuẩn bị gạo nếp để thổi xôi, nồi, chõ thổi xôi và các dụng cụ giã bánh, mâm bày bánh, người cầm biển tên đơn vị. Ban tổ chức chuẩn bị nhà bạt, kiềng, củi, nước, chiếu, biển tên đơn vị.
Thông qua Liên hoan, những người yêu văn hóa ẩm thực sẽ có điều kiện được chia sẻ những kiến thức, bí quyết của các nghệ nhân, những người đã “thổi hồn” vào nguyên liệu, thực phẩm để chế biến thành những tác phẩm nghệ thuật ẩm thực độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đồng thời các đại biểu, người dân và du khách sẽ được giao lưu, thưởng thức các sản vật, ẩm thực, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các tỉnh, thành phố nhằm thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương trong cả nước để nâng tầm giá trị của văn hóa ẩm thực Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc và động lực quan trọng thúc đẩy loại hình du lịch văn hóa ẩm thực, đưa nước ta trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút du lịch quốc tế…
Về thời gian thi giã bánh giầy, quá trình thổi xôi không quá 30 phút; giã bánh, bắt bánh không quá 15 phút. Sản phẩm gồm 10 chiếc bánh giầy bày trên mâm. Chất lượng bánh phải mịn, trắng, dẻo, không còn lõi gạo sống nổi trên mặt bánh. Về hình thức bánh phải tròn đều, đầy đặn, bày trên mâm và trang trí đẹp. Yêu cầu bắt buộc là không phủ nilon trên bề mặt bánh, dán chữ “Phúc” màu đỏ (có tỷ lệ phù hợp) trên mặt bánh.
Cũng trong buổi sáng nay, ngay sau khai mạc liên hoan đã diễn ra Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương và Liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ II năm 2025, với sự tham gia của các đội thi, ban giám khảo, cùng đông đảo người dân và du khách.
Phần thi gói, nấu bánh chưng có 8 đội tham gia, mỗi đội dự thi không quá 3 người; các thành viên sử dụng trang phục truyền thống của địa phương. Nguyên vật liệu gói bánh gồm 5kg gạo nếp và tỷ lệ ướt sau khi ngâm để ráo nước (khối lượng không quá 7 kg); đỗ xanh 1 kg đã xay, đãi vỏ, để sống, không luộc chín trước; thịt lợn 1 kg đã thái, ướp gia vị; lá gói bánh là lá dong tươi đã rửa sạch; lạt buộc là lạt giang, dùng 4 lạt/1 chiếc bánh; gia vị gồm hạt tiêu, muối…
Chiều 4/4, các đại biểu và Ban tổ chức dâng hương, dâng bánh chưng, bánh giầy tại đền Lạc Long Quân và đền Mẫu Âu Cơ (thành phố Hưng Yên).
Đối với dụng cụ, các đội thi chuẩn bị nguyên vật liệu gói bánh chưng, nồi luộc, mâm bày bánh, xô, chậu, người cầm biển tên đơn vị. Ban tổ chức chuẩn bị nhà bạt, nước, chiếu, củi, bếp luộc bánh chưng, biển tên đơn vị. Về thời gian thi, gói bánh tối đa 8 phút; luộc bánh trong thời gian 5 giờ. Sản phẩm gồm 10 chiếc bánh chưng vuông.
Theo Ban tổ chức, Liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ II năm 2025 được tổ chức từ ngày 4 - 6/4, tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên (đường Phạm Bạch Hổ, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên).
Chất lượng bánh chưng luộc chín vớt ra có hình thức đẹp, dáng vuông vức, không bị méo vỡ, bánh chín rền, bóc ra có màu xanh, nhân bánh chính giữa thơm ngon, mùi vị hấp dẫn. Về hình thức bánh chưng vuông, cao thành, lạt buộc 4 dây, đều, đẹp. Yêu cầu bắt buộc là không dùng khuôn để gói bánh, không được gói lại bằng lá tươi sau khi đã luộc chín; không sử dụng hóa chất phụ gia trong quá trình làm bánh.
Đặc biệt, trong 3 ngày diễn ra liên hoan, tại khuôn viên sân Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, bắt đầu từ sáng 4/4 diễn ra Không gian trưng bày, giới thiệu văn hóa ẩm thực, du lịch (thời gian mở cửa hàng ngày từ 9h - 22h).
Dự kiến 20h ngày 6/4, Ban tổ chức trao giải thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy… và bế mạc Liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ II năm 2025.
Hưng Yên có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển du lịch. Nằm trong khu vực trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ được bao bọc bởi mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhờ vị trí thuận lợi, khí hậu nhiệt đới gió mùa, thừa hưởng phù sa màu mỡ của sông Hồng, sông Luộc mà vùng đất Hưng Yên có nhiều nguồn sản vật đa dạng theo nhịp điệu mùa.
Đặc biệt, với truyền thống văn hiến lâu đời, Hưng Yên còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, đặc sắc, những yếu tố góp phần tạo nên nét bản sắc văn hóa riêng, người dân Hưng Yên mang trong mình niềm tự hào về một vùng đất văn hiến, giàu truyền thống “Thứ nhất Kinh Kỳ, Thứ nhì Phố Hiến”.
Qua suốt chiều dài lịch sử cùng với tính dung chấp của văn hóa Việt Nam, sự phong phú về dân cư đã mang đến cho Hưng Yên nhiều nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu trong đó là văn hóa ẩm thực đã gắn liền, hòa quyện với phong tục, tập quán của con người từ nhiều vùng đến sinh sống tạo nên sắc thái ẩm thực đa dạng, muôn màu...
Phùng Nguyện
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/khai-mac-lien-hoan-am-thuc-tinh-hung-yen-lan-thu-ii-nam-2025-40048.html