Khai quật khảo cổ khu vực giữa tháp K và nhóm tháp trung tâm Mỹ Sơn

Khai quật khảo cổ khu vực giữa tháp K và nhóm tháp trung tâm Mỹ Sơn
9 giờ trướcBài gốc
Ban quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết, Bộ VHTTDL vừa có quyết định số 2104/QĐ-BVHTTDL cho phép Ban quản lý phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật khảo cổ tại khu vực bãi đất giữa tháp K và nhóm tháp trung tâm thuộc Khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trước đây, nay là xã Thu Bồn, thành phố Đà Nẵng). Thời gian thăm dò, khai quật từ 30.6-30.11.2025.
Du khách tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn
Theo quyết định, diện tích thăm dò, khai quật là 770 m2. Cụ thể, diện tích thăm dò 20m2 (gồm 5 hố x 4m2/1 hố, từ hố TD1 đến hố TD5); diện tích khai quật 750m2 (gồm 5 hố x 150m2/1 hố).
Trong thời gian thăm dò, khai quật khảo cổ, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, Sở VHTTDL có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất một tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất một năm, gửi về Bộ VHTTDL.
Trước khi công bố kết quả của đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, các cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
Tháp K Mỹ Sơn
Như Văn Hóa đã thông tin, trước đây, Bộ VHTTDL cũng có quyết định cho phép Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện các đợt khai quật thăm dò diện tích 20m2 tại khu vực quanh tháp K (năm 2023); thăm dò, khai quật khảo cổ học 220m2 tại khu vực phía Đông tháp K để làm rõ một đoạn kiến trúc đường dẫn từ tháp K vào trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn (năm 2024).
Qua kết quả thăm dò, khai quật trong hai năm 2023, 2024 đã có thể xác định chắc chắn cấu trúc của con đường dẫn bắt đầu từ tháp K đến khu suối cạn ở về phía Đông - cách tháp K khoảng 150m.
Các đợt khai quật khảo cổ trước đây đã phát lộ cấu trúc đường dẫn từ tháp K đi về phía trung tâm thánh địa Mỹ Sơn
Theo các chuyên gia, đây là con đường thiêng - con đường dẫn Thần linh, Vua chúa và Tăng lữ Bà la môn giáo đi vào không gian thiêng trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn ở thế kỷ XII mà lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ - lịch sử trong nước và quốc tế được biết đến.
Từ kết quả nghiên cứu ở khu vực quanh tháp K trong hai đợt khảo sát năm 2023, 2024 đã phát lộ những vết tích của những công trình kiến trúc chưa từng được biết đến ở Mỹ Sơn trong lịch sử tồn tại của di tích từ trước đến nay.
Cũng từ đó một số vấn đề khoa học cđược đặt ra cần được tiếp tục giải quyết, trong đó có 3 vấn đề trọng tâm: Thứ nhất, cần làm rõ quy mô, cấu trúc và diện mạo của toàn bộ con đường trong bối cảnh tổng thể khu di tích Mỹ Sơn.
Thứ hai, liên quan đến tháp K và đường dẫn vào khu trung tâm Mỹ Sơn là một khu phế tích kiến trúc đền tháp đã được phát hiện qua đợt đào thăm dò năm 2018 ở bãi đất lưu không trước Nhà Đôi. Nơi theo truyền miệng của người dẫn địa phương thì đã từng tồn tại một khu tháp Canh trấn giữ phía trước mặt Thánh địa Mỹ Sơn.
Thứ ba, niên đại con đường đã được xác định sơ bộ vào khoảng thế kỷ XII, tương đương với niên đại tháp K. Tuy nhiên, theo bia ký còn ghi lại, những ngôi tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng từ thế kỷ V; dấu tích kiến trúc sớm nhất còn lại là tháp F1 có niên đại cuối thế kỷ VIII. Vậy có khả năng tìm thấy dấu tích của một con đường dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn trước thế kỷ XII?
Từ đó, Viện Khảo cổ học đề nghị cần có kế hoạch tiếp tục khai quật nghiên cứu nhằm làm rõ quy mô, cấu trúc và diện mạo của con đường thiêng, đưa di tích này từ lòng đất Mỹ Sơn ra ánh sáng để du khách trong nước và quốc tế, những người quan tâm đến di sản văn hóa Champa nói chung và Mỹ Sơn nói riêng có thể có những hiểu biết cặn kẽ hơn về di tích.
KHÁNH CHI
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/van-hoa/khai-quat-khao-co-khu-vuc-giua-thap-k-va-nhom-thap-trung-tam-my-son-150306.html