Khai thác du lịch âm nhạc - 'thỏi nam châm' hút khách

Khai thác du lịch âm nhạc - 'thỏi nam châm' hút khách
11 giờ trướcBài gốc
Tiết mục biểu diễn âm nhạc tại chương trình tọa đàm Du lịch âm nhạc ngày 4/5
Xu hướng mới
Nghe ở TP. Hồ Chí Minh có show diễn nghệ thuật thu hút dàn nghệ sĩ nổi tiếng, Lê Thị Thu Ngân (35 tuổi, sống tại thành phố Huế) đã đăng ký nghỉ phép để tham dự sự kiện. Mặc dù chi phí cho chuyến đi không chỉ tiền vé show diễn mà phát sinh nhiều khoản khác từ vé máy bay, ăn uống, lưu trú, mua sắm… nhưng cô vẫn sẵn sàng chi tiền. Thu Ngân chia sẻ: “Giới trẻ hiện nay rất mê các show diễn như thế. Việc kết hợp trải nghiệm sự kiện âm nhạc và đi du lịch cũng đang trở thành xu hướng”.
Thời gian gần đây, các sự kiện âm nhạc trở thành điểm nhấn thu hút du khách đã được ví như một hiện tượng. Nhìn vào các show diễn của chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” tạo nên cơn sốt vé, kéo theo lượng lớn khán giả di chuyển giữa các thành phố, thậm chí từ nước ngoài về Việt Nam để tham dự các đêm nhạc mới thấy rõ tiềm năng của loại hình du lịch kết hợp âm nhạc.
Mới đây, tại tọa đàm “Du lịch âm nhạc - Xu hướng mới tại thành phố Huế, hè 2025” (tối 4/5), các chuyên gia cho rằng, du lịch âm nhạc đang trở thành một xu hướng tất yếu trong ngành công nghiệp du lịch toàn cầu. Ngoài việc tạo ra doanh thu trực tiếp từ vé và các sản phẩm liên quan, các sự kiện âm nhạc còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương thông qua lưu trú, ẩm thực, vận chuyển và nhiều dịch vụ khác.
Tại Việt Nam, không chỉ các show diễn nghệ thuật thu hút đông đảo nghệ sĩ mà ngay cả các show diễn của một vài ca sĩ nổi tiếng cũng đã hút khách đến các địa phương. Điển hình như các show diễn của Hà Anh Tuấn tại Đà Lạt, Ninh Bình, Hội An thời gian qua đã tạo nên làn sóng “du lịch âm nhạc” khi lượng du khách đổ về các điểm đến này tăng đột biến trong thời gian diễn ra sự kiện âm nhạc.
Ngành du lịch Huế cũng đã nhận ra du lịch âm nhạc đang trở thành xu hướng. Do vậy, định hướng của ngành là sẽ tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa, đưa các chương trình show diễn nghệ thuật trở thành sản phẩm du lịch định kỳ để phục khách du lịch; làm mới sản phẩm du lịch cho Huế, tăng thời gian lưu trú của khách.
Rất cần sự phối hợp
Đầu năm 2025, nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ rất háo hức khi nghe đại nhạc hội Mega Booming sẽ được tổ chức tại Huế vào tháng 4/2025. Tuy nhiên, đến tháng 3/2025, ban tổ chức đại nhạc hội thông báo hoãn chương trình vì lý do số lượng vé mua trước còn khiêm tốn, chưa đủ điều kiện để tổ chức theo kế hoạch ban đầu.
Thực tế trên đặt ra một nghịch lý, bởi du lịch âm nhạc đang trở thành xu hướng, ngay cả khán giả Huế, khi sự kiện không được tổ chức ở Cố đô cũng sẵn sàng “chi tiền” đi xem thì tại sao đại nhạc hội tổ chức ở Huế lại gặp khó?
Theo ông Châu LE, CEO kiêm Tổng đạo diễn Đại nhạc hội Mega Booming - Huế 2025, có nhiều nguyên nhân để lý giải cho sự kiện bị hoãn vào tháng 4. Trong đó, tâm huyết có đủ nhưng thời gian chuẩn bị chưa đủ; vấn đề trùng lịch diễn nên chưa thể thu hút các nghệ sĩ có sức hút lớn. Việc chọn lựa thời điểm trùng vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nên du khách có nhiều lựa chọn du lịch. Thêm vào đó, do thời gian lúc đó còn ngắn, sự đồng hành độ lan tỏa giữa các bộ phận, đơn vị, chưa tạo được hiệu ứng như mong muốn.
Rõ ràng, sự đầu tư cho một chương trình cần yếu tố bài bản, kỹ lưỡng hơn và minh chứng là lần này, khi thông báo tổ chức lại đại nhạc hội đã ghi nhận kết quả bán vé ấn tượng và dự kiến sẽ thu hút khoảng 15.000 khán giả trực tiếp.
Đại nhạc hội Mega Booming - Huế 2025 sẽ được tổ chức vào tối 6/7. Bên cạnh sự đầu tư thu hút dàn nghệ sĩ có sức ảnh hưởng, thì theo ban tổ chức, vai trò của liên kết doanh nghiệp trong việc phát triển du lịch âm nhạc tại Huế cần được quan tâm, đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ giữa ban tổ chức sự kiện với các công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng và dịch vụ vận chuyển là yếu tố then chốt để tối đa hóa tác động kinh tế của đại nhạc hội. Đó là tạo ra một mô hình hợp tác đa chiều giữa nhiều doanh nghiệp. Thể hiện qua sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khách sạn trong việc cung cấp gói lưu trú đặc biệt; các công ty lữ hành thiết kế tour kết hợp tham quan di tích và tham dự đại nhạc hội… Đây chính là cách để toàn bộ hệ sinh thái du lịch cùng hưởng lợi từ một sự kiện âm nhạc lớn.
Huế còn thiếu sản phẩm du lịch về đêm và có lẽ nếu mô hình trên thành công, Huế có tiềm năng trở thành điểm đến thường xuyên của các sự kiện âm nhạc tầm cỡ, góp phần định vị Cố đô không chỉ là thành phố di sản mà còn là trung tâm văn hóa nghệ thuật sôi động của Việt Nam. Sự thành công của mô hình phát triển du lịch bền vững thông qua sức mạnh của âm nhạc còn lý giải được câu trả lời làm sao khai thác du lịch âm nhạc hiệu quả? Đó là phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản từ ban tổ chức, sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người làm sự kiện nghệ thuật và ngành du lịch, các đơn vị lữ hành, khách sạn, cùng chiến lược truyền thông quảng bá hiệu quả, đủ thời gian lan tỏa.
Bài, ảnh: HỮU PHÚC
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/du-lich/khai-thac-du-lich-am-nhac-thoi-nam-cham-hut-khach-153561.html