Khai thác lợi thế cảng biển, thúc đẩy xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics

Khai thác lợi thế cảng biển, thúc đẩy xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics
7 giờ trướcBài gốc
Sự kiện khánh thành Bến số 3 Cảng quốc tế Lào – Việt với quy mô cấp quốc gia đã diễn ra trong không khí phấn khởi, tự hào của những ngày cuối tháng 4 lịch sử. Sự kiện càng thêm trang trọng khi vinh dự đón đồng chí Thongloun Sisoulith - Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch nước CHDCND Lào và đồng chí Chủ tịch nước Lương Cường, cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao hai nước tham dự.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao 2 nước tham dự lễ khánh thành Bến số 3 Cảng quốc tế Lào - Việt vào chiều 28/4. Ảnh: Đình Nhất.
Với quy mô cầu cảng dài 225m, tiếp nhận tàu chở hàng trọng tải 45.000 DWT, công suất khai thác đến 2,15 triệu tấn hàng hóa/năm, Bến số 3 Cảng quốc tế Lào – Việt đi vào khai thác là bước tiến mới trong chiến lược phát triển cảng biển nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao, trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống logistics. Đặc biệt hơn, đây là một trong những công trình hạ tầng quan trọng góp phần hiện thực hóa cam kết hợp tác đầu tư giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào; giúp nước bạn Lào thuận lợi trong xuất, nhập khẩu hàng hóa thông qua đường biển.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt - đơn vị chủ đầu tư Bến số 3 chia sẻ: Sau hơn 24 năm đưa vào khai thác cầu cảng số 1 và 15 năm khai thác cầu cảng số 2, hai cầu cảng đã phát huy tối đa công suất, đóng góp lớn vào sự phát triển của doanh nghiệp cũng như quá trình phát triển KT-XH chung của tỉnh. Trước nhu cầu vận tải hàng hóa qua cảng ngày càng lớn, Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt đã đầu tư thêm bến cảng số 3. Công trình đi vào khai thác trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực và quốc tế, mở ra cơ hội thúc đẩy tăng trưởng thông qua phát triển kinh tế về lĩnh vực khai thác cảng biển và logistics.
Bến số 3 Cảng quốc tế Lào - Việt đi vào khai thác là bước tiến mới trong chiến lược phát triển cảng biển nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao. Ảnh: Thu Trang.
Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: "Bến cảng số 3 được đưa vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, giao thương hàng hóa và dịch vụ logistics; góp phần nâng cao năng lực thông quan, rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics, từ đó tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của tỉnh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, đây là cơ sở quan trọng để Hà Tĩnh mở rộng kết nối giao thương với các khu vực kinh tế trọng điểm trong và ngoài nước, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ logistics, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 26/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt hiện khai thác 3 cầu cảng với mục tiêu sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2025 đạt 7 triệu tấn/năm. Ảnh: Thu Trang.
Hà Tĩnh với lợi thế là địa phương có đường bờ biển dài, cụm cảng Sơn Dương – Vũng Áng độ sâu tự nhiên từ -11m đến -22m, không bị bồi lắng, là điều kiện lý tưởng để phát triển hệ thống cảng nước sâu trung chuyển quốc tế. Theo quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ, cảng biển Hà Tĩnh là cảng loại I; trong đó 2 khu bến cảng Vũng Áng và Sơn Dương có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho nước Lào và Thái Lan.
Các đồng chí lãnh đạo hai nước Việt Nam – Lào, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Bolikhămxay thực hiện nghi thức khánh thành Bến số 3 Cảng quốc tế Lào – Việt. Ảnh: Đình Nhất.
Tại buổi lễ khánh thành Bến số 3 Cảng quốc tế Lào - Việt chiều 28/4, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: “Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đã xác định Khu kinh tế Vũng Áng là trung tâm động lực tăng trưởng, đưa tỉnh nhà bước vào thời kỳ phát triển mới; với lợi thế cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, là cửa mở hướng ra biển của Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua hành lang kinh tế Đông - Tây. Khu kinh tế được định hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực với các trụ cột như: công nghiệp luyện kim, năng lượng, chế biến chế tạo, logistics, thương mại và dịch vụ cảng biển. Việc đưa vào khai thác Bến số 3 Cảng quốc tế Lào - Việt tiếp tục góp phần hiện thực hóa định hướng phát triển chiến lược của Khu kinh tế Vũng Áng, mở rộng năng lực cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, tăng cường kết nối giao thương trong nước và quốc tế”.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ hai nước cùng đoàn đại biểu đón chuyến tàu khai trương và tham quan Bến số 3 Cảng quốc tế Lào - Việt. Ảnh: Đình Nhất.
Với Bến số 3 Cảng quốc tế Lào Việt được đưa vào khai thác, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 7 bến cảng với 22 cầu cảng đang hoạt động, trong đó, cụm Vũng Áng - Sơn Dương có 5 bến cảng với 19 cầu cảng. Ông Trần Văn Thắng - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho biết: Hoạt động tại các bến cảng trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, các doanh nghiệp khai thác cảng cơ bản chấp hành tốt quy định của pháp luật về khai thác cảng biển. Năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hà Tĩnh đạt hơn 34 triệu tấn; quý I/2025 đạt hơn 9,25 triệu tấn. Trong đó, các mặt hàng chủ yếu như quặng, kali, than, gỗ dăm, thép, xăng dầu....
Ngoài ra, hiện nay, Bến số 4 Cảng Vũng Áng do Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư cũng đang được hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào khai thác. Bến cảng số 4 có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, tiếp nhận tàu trọng tải đến 40.000 DWT, công suất khai thác dự kiến 2,3 triệu tấn/năm. Đến nay, dự án thi công đạt tiến độ hơn 90% khối lượng; bến cập tàu dài 330m, rộng 33m cũng đã xây dựng xong, đang chờ lắp đặt thiết bị cẩu hàng hóa. Dự kiến bến cảng sẽ đi vào vận hành khai thác sử dụng trong năm 2025.
Sự phát triển của cảng biển giúp ngành logistics giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cảng biển đóng vai trò quan trọng, là trung tâm giao dịch quốc tế trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, quyết định sự phát triển ngành logistics. Sự phát triển của cảng biển giúp ngành logistics giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ. Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định dịch vụ logistics là một trong bốn ngành kinh tế trọng điểm tạo đột phá phát triển.
Cùng với đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng cảng biển, Hà Tĩnh cũng triển khai các chính sách phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu, từng bước đưa Hà Tĩnh trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi đáp ứng đà phát triển thương mại, xuất nhập khẩu của vùng Bắc Trung bộ theo định hướng Quy hoạch tỉnh.
Ngọc Loan
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/khai-thac-loi-the-cang-bien-thuc-day-xuat-nhap-khau-va-dich-vu-logistics-post286888.html