Về vùng đất lửa Xuân Lộc anh hùng

Về vùng đất lửa Xuân Lộc anh hùng
10 giờ trướcBài gốc
Tỷ lệ đạt chuẩn chỉ tiêu đường huyện quản lý; đường trục xã, liên xã; đường trục ấp nhựa hóa, bê tông hóa ở Xuân Lộc đạt 100%.
Trận chiến 12 ngày đêm
Với vị trí chiến lược quan trọng, cứ điểm Xuân Lộc được chính quyền Việt Nam cộng hòa dồn tất cả lực lượng, trang bị phương tiện, vũ khí hiện đại để quyết tâm “giữ tới cùng”. Bởi, họ hiểu rất rõ, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn.
Cách Sài Gòn khoảng 80km về phía Đông, thị xã Xuân Lộc khi đó án ngữ các trục giao thông quan trọng, gồm: Quốc lộ 1A vào Sài Gòn, Quốc lộ 15 nối Sài Gòn với Bà Rịa - Vũng Tàu; Quốc lộ 20 nối Sài Gòn với Đà Lạt... Sau những thất bại liên tiếp trên các mặt trận Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và miền Đông Nam Bộ, đã buộc ngụy quyền Sài Gòn phải “tử thủ Sài Gòn” để chuyển giao quyền lực trong danh dự.
Đền thờ Liệt sĩ huyện Xuân Lộc được đầu tư xây dựng khang trang, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ hôm nay.
Vì vậy, địch tổ chức tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc là “một mắt xích quan trọng quyết phải giữ”.
Tại đây, địch đã tập trung: Sư đoàn 18 bộ binh, 1 trung đoàn thiết giáp, 1 liên đoàn biệt động quân, 9 tiểu đoàn bảo an, 2 tiểu đoàn pháo binh, 3 đại đội biệt lập, 4 trung đội pháo và các lực lượng cảnh sát, dân vệ, nghĩa quân tại chỗ...
Đúng 5 giờ 40 phút ngày 9/4/1975, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy, Quân đoàn 4 đã nổ súng tiến công Xuân Lộc. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã mau chóng chiếm được nhiều mục tiêu, đưa được 3 tiểu đoàn vào chốt bên trong bảo vệ khu vực đã chiếm…
Đoàn công tác Báo Thái Nguyên và Báo Đồng Nai chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Liệt sĩ huyện Xuân Lộc.
Trước nguy cơ thất bại và không còn khả năng phòng thủ, ngày 18-4, quân địch rút khỏi Xuân Lộc, chỉ để lại một bộ phận nhỏ nhưng cũng tháo chạy vào đêm 20-4. Rạng sáng 21-4, tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Xuân Lộc bị đập tan hoàn toàn. Thừa thắng, quân và dân các địa phương đã tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Long Khánh. Chiến thắng Xuân Lộc đã làm suy sụp tinh thần kháng cự của binh lính ngụy quân Sài Gòn; tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta bước vào trận quyết chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Nỗ lực vươn mình
Tháng 2-1976, tỉnh Đồng Nai được thành lập (trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Biên Hòa, Tân Phú, Bà Rịa - Long Khánh), tỉnh lỵ đặt tại thành phố Biên Hòa. Ngày 1/7/1991, huyện Xuân Lộc được tách thành 2 huyện là Xuân Lộc và Long Khánh. Xuân Lộc nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Đồng Nai, cách TP. Biên Hòa khoảng 70km.
Khi này, đời sống của người dân Xuân Lộc gặp rất nhiều khó khăn, với gần 21% dân số thuộc diện đói nghèo. Trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xuân Lộc đã xác định lấy nông nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển nên đã tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển nông nghiệp, nhằm nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Xuân Lộc là địa phương đầu tiên cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí huyện kiểu mẫu trong 4 huyện của cả nước được chọn xây dựng điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu, về đích sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Sau khi hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2014, năm 2018, Xuân Lộc vinh dự được Trung ương chọn là một trong 4 đơn vị cấp huyện trong cả nước xây dựng NTM kiểu mẫu.
Để hoàn thành được mục tiêu này, huyện đã triển khai Đề án xây dựng huyện NTM kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018-2025, với hàng loạt mục tiêu, giải pháp được triển khai. Trong đó, huyện xác định sản xuất là khâu đột phá, tập trung phát triển nông nghiệp chất lượng cao, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng cây chuyên canh, chăn nuôi tập trung; gắn phát triển nông nghiệp với bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường và phát triển dịch vụ, du lịch để vừa thúc đẩy phát triển nông nghiệp, vừa góp phần khai thác tiềm năng ngành du lịch huyện…
Theo Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên: Tổng nguồn lực huy động đầu tư cho Chương trình xây dựng huyện NTM giai đoạn 2019-2024 của Xuân Lộc đạt khoảng 53.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách hơn 2.360 tỷ đồng; vốn huy động dân cư, tư nhân gần 50.940 tỷ đồng.
Huyện nông thôn mới kiểu mẫu
Tính đến cuối năm 2024, tất cả 6 nhóm tiêu chí chung và 29 chỉ tiêu của Đề án được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đã được Xuân Lộc hoàn thành, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn TNM kiểu mẫu, về đích sớm hơn so với kế hoạch 1 năm.
Theo đó, 14/14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (9/14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững). Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt xấp xỉ 96 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 36 triệu đồng/người so với cuối năm 2018; giá trị sản xuất bình quân 1ha đất trồng trọt đạt 232,4 triệu đồng, tăng 78 triệu đồng so với cuối năm 2018. Nếu tính cả chăn nuôi, giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp năm 2024 của huyện đạt 367 triệu đồng/ha.
Thu nhập ổn định từ nông nghiệp, giúp người dân Xuân Lộc có điều kiện chăm lo cho con, cháu học tập ngày càng tốt hơn.
100% xã đều có ít nhất 1 mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất trên quy mô lớn, sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và liên kết theo chuỗi giá trị. Toàn huyện có 46 sản phẩm OCOP (trong đó có 8 sản phẩm OCOP hạng 4 sao trở lên). Đến cuối năm 2024, toàn huyện chỉ còn 310 hộ nghèo, chiếm 0,516%. Hiện, toàn huyện đã và đang xây dựng 32 khu dân cư kiểu mẫu…
Bà Nguyễn Thị Bích Thơm, ấp 6, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc không giấu được niềm tự hào khi chia sẻ với chúng tôi: Trong kháng chiến chống Mỹ, Xuân Lộc được biết đến là vùng đất anh hùng. Trong công cuộc phát triển kinh tế hôm nay, người Xuân Lộc được biết đến với phẩm chất cần cù, năng động. Cũng như bao hộ dân khác, gia đình tôi có hơn 1ha đất trồng tiêu, ca cao và một số loại cây trồng khác. Thu nhập ổn định đã giúp vợ chồng tôi có điều kiện lo cho 3 cháu học đại học, cao đẳng.
Không chỉ có nông nghiệp, từ năm 2005, nơi đây đã có khu công nghiệp Xuân Lộc, diện tích 108ha, với tỷ lệ lấp đầy 100%, giải quyết việc làm cho khoảng 2 vạn lao động. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đang triển khai các bước để trong năm nay sẽ khởi công xây dựng Dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại khu vực núi Chứa Chan thuộc địa bàn 4 xã. Núi Chứa Chan được mệnh danh là “Đệ nhị thiên sơn” ở vùng đất Đông Nam Bộ (sau núi Bà Đen của tỉnh Tây Ninh). Vì thế, Dự án được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho Xuân Lộc nói riêng, du lịch Đồng Nai nói chung…
Có thể nói, với những kết quả đã đạt được, Xuân Lộc hôm nay đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng trong lao động, sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp. Qua đó, khẳng định được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, khát vọng vươn lên của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân để xây dựng, phát triển Xuân Lộc trở thành miền quê đáng sống.
Hạ Liên
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/que-huong-dat-nuoc/202504/ve-vung-dat-lua-xuan-loc-anh-hung-544222b/