50 năm qua, với tư duy mới, đột phá, dám nghĩ, dám làm, Long An từng bước dồn sức xây dựng, hoàn thiện hệ thống GTVT, tạo nền tảng đưa KT-XH của tỉnh vươn lên. Bên cạnh các tuyến quốc lộ, Tỉnh lộ 49 xưa (nay là Quốc lộ 62) giúp khai phá, biến vùng đất Đồng Tháp Mười trở thành vựa lúa lớn của cả nước; Đường tỉnh (ĐT) 830 kết nối 4 huyện trong vùng kinh tế trọng điểm, đưa tỉnh giữ vị trí số 1 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ.
Cùng với đó, hàng loạt công trình, dự án giao thông đang được triển khai hứa hẹn mở ra các dư địa phát triển mới, tạo động lực quan trọng cho phát triển KT-XH, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Xây dựng hệ thống giao thông từ tư duy đột phá
Hệ thống giao thông - vận tải của tỉnh được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho KT-XH phát triển
Long An có vị trí quan trọng khi là cửa ngõ của miền Tây, tiếp giáp TP.HCM, tuy nhiên, 20 năm trước, kinh tế của tỉnh chưa thực sự bứt phá, sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư vào tỉnh gặp khó khăn khi nhiều nhà đầu tư chưa thực sự xem Long An là điểm đến hấp dẫn. Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế song thời điểm ấy, hệ thống GTVT của tỉnh còn rất lạc hậu, thiếu đồng bộ. Ngoài các tuyến quốc lộ, hầu hết các trục đường của tỉnh có quy mô nhỏ, hẹp.
Trước yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong 3 nhiệm kỳ đại hội (ĐH) Đảng gần nhất, việc ưu tiên các nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông được xác định là một trong những chương trình đột phá có ý nghĩa chiến lược trong phát triển KT-XH. Tại ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 2015, Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp được xác định là 1 trong 4 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết ĐH.
Cùng với đó, 3 công trình giao thông gồm đường Long Hậu - Tân Tập, đường Thủ Thừa - Bình Thành và ĐT819 cũng trở thành công trình trọng điểm. Từ kỳ ĐH này đã tạo nền móng quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng GTVT. ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ X và XI đều đưa vào nghị quyết các công trình trọng điểm về giao thông và xây dựng chương trình đột phá để xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh - Trần Thiện Trúc, với tư duy đột phá cùng định hướng giao thông đi trước mở đường, tạo động lực cho phát triển KT-XH, đến nay, hệ thống GTVT của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, nhất là trong thu hút đầu tư.
Phát huy vai trò giao thông đi trước mở đường
Dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 3 TP.HCM đang được đầu tư xây dựng, hứa hẹn mở ra không gian, dư địa phát triển mới cho tỉnh
Thông tin từ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh, xác định đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống GTVT là một trong những đột phá chiến lược của tỉnh trong phát triển KT-XH, những năm qua, tỉnh ưu tiên mọi nguồn lực tập trung đầu tư hệ thống GTVT với hàng loạt công trình giao thông lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần hình thành mạng lưới GTVT của tỉnh tương đối đồng bộ, hiện đại. Trong đó, nổi bật như công trình trọng điểm ĐT830 hoàn thành góp phần kết nối 4 huyện trong vùng kinh tế trọng điểm gồm Đức Hòa - Bến Lức - Cần Đước - Cần Giuộc.
Đây được xem là dự án giao thông rất quan trọng, đóng vai trò liên kết các trung tâm kinh tế, khu, cụm công nghiệp của tỉnh và các vùng lân cận cùng với một số cảng biển lớn như Cảng Quốc tế Long An, Cảng Hiệp Phước, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH cho toàn vùng. Đặc biệt, tại ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tỉnh xác định 3 công trình giao thông trọng điểm, đó là hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; ĐT830E (đoạn từ nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến ĐT830) và ĐT827E. Cùng với đó, tỉnh xác định đầu tư các công trình giao thông thuộc Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Đến nay, đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây đã hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần phát triển hạ tầng đô thị, kết nối giao thông, phát triển KT-XH của TP.Tân An và các huyện lân cận như Thủ Thừa, Châu Thành, Tân Trụ. Cùng với đó, công trình ĐT830E (đoạn từ nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến ĐT830) và dự án ĐT827E đang được tỉnh tập trung thực hiện.
Theo ông Trần Thiện Trúc, cùng với các công trình giao thông của tỉnh, hiện đơn vị dồn sức triển khai dự án trọng điểm - đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh bảo đảm hoàn thành phần đường cao tốc trong năm 2025 và toàn bộ dự án trong năm 2026 theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Với việc ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng GTVT, đến nay, hệ thống giao thông của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển, kiến tạo nên những không gian, dư địa phát triển mới giúp tỉnh khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, bứt phá trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH” - ông Trần Thiện Trúc khẳng định.
50 năm qua, với vai trò, sứ mệnh đi trước mở đường, hệ thống hạ tầng GTVT được đầu tư trên địa bàn tỉnh đã tạo bệ phóng quan trọng cho KT-XH của tỉnh cất cánh. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, Long An đã có sự bứt phá vượt bậc, vươn lên trở thành tỉnh công nghiệp với quy mô nền kinh tế trong tốp đầu cả nước, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cùng với cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc./.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến nay, toàn tỉnh có 141/160 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 88,13%. Trong đó, có 52 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đặc biệt, điểm nhấn lớn nhất trong xây dựng NTM là hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng với hệ thống các tuyến đường trục xã, ấp được xây dựng đồng bộ, bảo đảm lưu thông thuận lợi đến trung tâm các xã cũng như phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của người dân.
Kiên Định