Đến xã Bảo Hà, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất không phải là những ruộng ngô hay đồi quế quen thuộc, mà là những hàng dâu tằm đang dần phủ xanh nương đồi. Loài cây này vốn tưởng chỉ phù hợp với vùng đất soi bãi, đất ruộng nay lại bén rễ, xanh tốt nơi đất đồi khô cằn.
Dẫn chúng tôi đi giữa đồi dâu tươi tốt rộng gần 3 ha - thành quả của hơn 2 năm chuyển đổi đất đồi sang trồng dâu - bà Nguyễn Thị Sinh (thôn Khoai 3) kể: "Diện tích này trước đây gia đình chỉ trồng ngô, sắn, thu về chẳng đáng bao nhiêu, chủ yếu phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ khi chuyển sang trồng dâu, gia đình tôi có thêm nghề nuôi tằm, mỗi tháng thu về tiền triệu. Nguồn thu này giúp gia đình có thêm điều kiện cho con cái ăn học và trang trải cuộc sống".
Giống dâu được bà Sinh đưa vào trồng mua từ tỉnh Lâm Đồng, có những đặc điểm khác với giống đang trồng tại địa phương. Sau thời gian trồng, bà nhận thấy giống dâu này chịu hạn tốt, dễ chăm sóc, sinh trưởng tốt trên đất đồi, tốc độ sinh trưởng nhanh, chỉ sau 3 - 4 tháng có thể thu hái lá để nuôi tằm. Đặc biệt, chất lượng lá to, dày, đều giúp tằm ăn nhanh lớn.
“So với các cây trồng cũ như ngô, sắn, trồng dâu kết hợp với nuôi tằm lấy kén cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Năm nay tôi tiếp tục chuyển đổi 2 ha đất đồi còn lại sang trồng dâu để mở rộng quy mô nuôi tằm”, bà Sinh cho biết thêm.
Xã Bảo Hà nằm trong vùng quy hoạch trồng dâu tằm của huyện Bảo Yên. Theo kế hoạch, địa phương này phấn đấu có 50 ha dâu tằm vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, dư địa đất bãi, đất ruộng chuyển sang trồng dâu ít. Để gỡ nút thắt này, địa phương đã học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi để đưa giống dâu chịu hạn, phù hợp với đất đồi về gieo trồng.
Xã đang tập trung vận động người dân chuyển đổi đất đồi, đất kém hiệu quả sang trồng cây dâu tằm; phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ kỹ thuật, hạt giống, kết nối với các doanh nghiệp thu mua kén tằm để bà con yên tâm sản xuất. Hiện tại, xã đã có gần 10 ha dâu tằm, trong đó hơn 3 ha trồng trên đất đồi. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cần thiết khi các hộ mở rộng diện tích trồng dâu trên đất đồi.
Cây dâu tằm được huyện Bảo Yên xác định là một trong những cây trồng chủ lực và khuyến khích phát triển ở các bãi bồi ven sông, suối thuộc 6 xã: Kim Sơn, Cam Cọn, Bảo Hà, Việt Tiến, Xuân Thượng, Nghĩa Đô. Huyện phấn đấu đến hết năm 2025 khôi phục toàn bộ diện tích như trước Covid-19 (khoảng 300 ha), đến hết năm 2030 nâng diện tích vùng trồng dâu toàn huyện lên 500 ha, đồng thời kêu gọi đầu tư được ít nhất 1 nhà máy ươm tơ trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện nay việc mở rộng diện tích trồng dâu còn chậm. Đến tháng 4 toàn huyện mới trồng được 54,3 ha, đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu giao. Quá trình khảo sát tại các xã cũng cho thấy diện tích của các hộ dân trong vùng trồng dâu nhỏ lẻ, manh mún; ruộng của hộ có nhu cầu trồng dâu nuôi tằm xen lẫn ruộng canh tác nhiều loại cây khác dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, lây nhiễm sâu bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thức ăn cho tằm, làm giảm năng suất, chất lượng kén. Nhiều hộ trước đây đã trồng dâu trên vùng đất bãi bồi ven sông, suối sau đợt bị thiệt hại do mưa lũ nên có tâm lý e ngại rủi ro…
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên cho biết: Để phát triển bền vững vùng trồng cây dâu tằm trên địa bàn, huyện đã xây dựng cơ chế hỗ trợ cây, con giống và các điều kiện cần thiết để khuyến khích các hộ tham gia dự án tích cực mở rộng diện tích.
Ước tính năng suất lá dâu đạt hơn 30 tấn/ha/năm và khi kết hợp nuôi tằm (8 - 10 lứa tằm/năm) sẽ mang lại lợi nhuận hơn 500 triệu đồng mỗi năm cho nông dân. Với giá kén tằm ít biến động (ở mức 160.000 - 200.000 đồng/kg) và đầu ra ổn định, người dân có thể yên tâm đầu tư và phát triển nghề.
Thời gian tới, huyện Bảo Yên cũng chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng trồng, đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người sản xuất; thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư chế biến sâu sản phẩm dâu tằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho nông dân.
Thời gian này, nông dân vùng trồng dâu nuôi tằm tại huyện Bảo Yên phấn khởi thu hoạch lứa kén tằm đầu tiên trong năm, cũng là lứa kén đầu tiên sau khi huyện khôi phục vùng trồng dâu tằm bị thiệt hại do bão số 3 hồi tháng 9/2024.
Năm nay, kén tằm đạt chất lượng, giá bán tăng, tiêu thụ thuận lợi. Hiện giá kén tằm được đơn vị liên kết thu mua ở mức 185.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Huyện Bảo Yên hiện có hơn 54 ha cây dâu tằm. Theo tính toán, 1 ha dâu để nuôi tằm sẽ thu được 1,7 - 1,9 tấn kén/năm, với giá bán hơn 180.000 đồng/kg, người dân sẽ thu về hơn 300 triệu đồng.
Kim Thoa