Khai thác 'mỏ vàng' ga metro

Khai thác 'mỏ vàng' ga metro
8 giờ trướcBài gốc
Từ ngày 11-7, tầng hầm B2 của Trung tâm Thương mại Union Square nằm ngay vị trí đắc địa ở trung tâm TP HCM chính thức mở cửa đón khách từ ga metro Nhà hát Thành Phố qua lối đi số 4. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, người dân và du khách có thể rời khỏi toa tàu điện ngầm để bước ngay vào không gian mua sắm, ẩm thực mà không cần trở lên mặt đất.
Khai thác kinh tế từ ga metro
Theo ghi nhận, chưa đầy một tuần khai trương đã có hàng ngàn lượt khách ghé tham quan, mua sắm và trải nghiệm không gian mới này. Chị Đỗ Ngọc Thảo, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu có văn phòng trên đường Nguyễn Huệ, chia sẻ cảm giác "rất mới mẻ, hiện đại" khi đi metro ra là bước ngay sang trung tâm thương mại, không phải leo lên mặt đất rồi đi bộ vòng lại.
Tương tự, Hà Ngọc Minh Thư, sinh viên sống tại phường Gò Vấp, cũng tỏ ra thích thú khi lần đầu chứng kiến mô hình ga metro nối liền trung tâm thương mại, thay vì tách biệt như lâu nay.
Ngay cả người lớn tuổi như ông Đỗ Hiếu Liêm, từ Cà Mau lên TP HCM, cũng háo hức trải nghiệm quán cà phê bên trong Union Square và dự tính sẽ giới thiệu cho bạn bè, người quen ghé thử.
Điều ông Liêm ấn tượng nhất chính là sự tiện lợi: chỉ cần bước xuống ga metro đã có thể kết hợp ăn uống, mua sắm mà không mất thêm quãng đường đi bộ nào.
Hiện tại, không gian tầng hầm của Union Square đang tiếp tục được tái thiết kế thành một trung tâm thương mại - dịch vụ ngầm mang phong cách quốc tế. Trong thời gian tới, các tiện ích như cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, không gian sáng tạo, tổ chức sự kiện dự kiến cũng sẽ được bổ sung, hoàn thiện dần để thu hút thêm khách tham quan.
Ga metro Nhà hát Thành Phố (TP HCM) đã được kết nối với Trung tâm Thương mại Union Square. Ảnh: KHÁNH LINH
Theo các chuyên gia kinh tế, đây chính là bước đi cụ thể trong chiến lược phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng mà TP HCM đang theo đuổi, hay còn gọi là mô hình TOD (Transit-Oriented Development).
Việc Union Square kết nối trực tiếp với ga Nhà hát Thành Phố được xem là tiền đề cho hàng loạt dự án tương tự trong tương lai. Thời gian tới, các tòa nhà như The Spirit of Saigon, VPBank Tower, Vinhomes Golden River… cũng sẽ được kết nối trực tiếp với các ga metro bằng lối đi ngầm hoặc sảnh thương mại.
Một chuyên gia bán lẻ nhận định nếu mỗi nhà ga được tích hợp không gian dịch vụ - thương mại, sẽ hình thành ít nhất 14 "điểm nhấn kinh tế" dọc tuyến metro, góp phần giảm tải cho khu trung tâm truyền thống, đồng thời tạo thêm động lực tăng trưởng cho thành phố.
Các nhà ga không chỉ làm tăng giá trị bất động sản khu vực mà còn thúc đẩy hình thành những chuỗi giá trị mới - từ cửa hàng tiện lợi, dịch vụ ăn uống, logistics nội đô cho đến các không gian làm việc linh hoạt.
Lợi thế lớn cho du lịch
Là người thường xuyên đi công tác, du lịch ở nước ngoài, chị Vân Khanh (ngụ phường Phước Long, TP HCM) chia sẻ những nơi chị từng đến như Singapore, Seoul (Hàn Quốc) hay Tokyo (Nhật Bản), dưới các ga tàu điện ngầm là cả một thế giới mua sắm sôi động. Người dân và du khách có thể dễ dàng tận hưởng ẩm thực, mua sắm quà lưu niệm hay trải nghiệm các dịch vụ giải trí ngay khi bước xuống ga.
Chị kể chuyến đi Singapore vài tháng trước, xung quanh khách sạn chị ở là hàng loạt trạm metro của nhiều tuyến khác nhau, khách chỉ cần xuống metro là đã có thể tranh thủ mua sắm, rất thuận tiện và nhiều lựa chọn. Trong khi đó, dù đã đi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nhiều lần nhưng chị nhận thấy dọc tuyến còn thiếu sự kết nối với các trung tâm thương mại lớn.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Top Ten Travel, nhận định mô hình trung tâm mua sắm kết hợp metro ở các thành phố lớn trên thế giới chính là "mấu chốt" để gia tăng sức hút, tạo ra chuỗi liên kết thuận tiện, đưa du khách đến gần hơn với các điểm tham quan nổi tiếng.
Theo ông, tại nhiều thành phố, ga metro giống như một trạm trung chuyển du lịch, du khách dễ dàng di chuyển đến những địa điểm văn hóa, lịch sử. Các cửa hàng lưu niệm bố trí ngay bên trong hoặc sát các nhà ga sẽ tận dụng tối đa dòng khách quốc tế để quảng bá hình ảnh địa phương. Người Việt đi nước ngoài cũng thường mua quà ngay tại những gian hàng trong ga metro, bởi sự tiện lợi và phong phú. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mô hình này vẫn mới mẻ, chưa thật sự phổ biến.
Thực tế, với tuyến metro số 1 hiện nay, các công ty du lịch cho biết lượng khách quốc tế còn hạn chế, phần lớn khách vẫn chọn di chuyển bằng ô tô, còn việc đi metro chủ yếu là trải nghiệm của khách nội địa. Dù vậy, tiềm năng vẫn rất lớn nếu các tuyến metro được quy hoạch để gắn kết chặt chẽ với những điểm tham quan nổi bật.
Ông Toàn lấy ví dụ tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương sẽ kết nối luồng khách từ hướng Củ Chi, Campuchia về trung tâm TP HCM, tạo điều kiện để khách quốc tế trải nghiệm metro rồi tiếp tục khám phá phố đi bộ Bùi Viện, các khu mua sắm, ẩm thực sôi động về đêm, giúp tiết kiệm thời gian hơn hẳn so với di chuyển hoàn toàn bằng ô tô.
"Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của cả du khách quốc tế và nội địa. Các sản phẩm lưu niệm nên mang tính đặc trưng, đại diện cho văn hóa và bản sắc địa phương, thay vì những mặt hàng chung chung không thu hút.
Trong tương lai, khi sân bay Long Thành hoàn thiện, nếu có hệ thống metro kết nối trực tiếp từ sân bay đến các điểm du lịch sẽ là một lợi thế lớn, tương tự như mô hình tại nhiều thành phố quốc tế, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững" - ông Nguyễn Văn Toàn nói thêm.
Ở góc độ quy hoạch, PGS-TS Lê Trung Chơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, cho rằng bản chất của TOD là xây dựng đô thị dọc các tuyến metro, song muốn thực hiện hiệu quả thì phải có cách tiếp cận hoàn toàn mới, dựa trên tích hợp quy hoạch đa ngành. Theo ông, vị trí các nhà ga không thể chỉ thuần túy phục vụ giao thông mà còn cần dựa trên sự kết hợp các yếu tố sử dụng đất, phát triển kinh tế, gắn với đời sống văn hóa - xã hội.
"TP HCM cần phát triển mạng lưới giao thông công cộng liên hoàn, từ metro đến các hệ thống như monorail, tramway và các tuyến xe buýt. Một mạng lưới đồng bộ sẽ không chỉ giúp cải thiện giao thông mà còn góp phần phát triển bền vững, nâng tầm thành phố. Đơn cử như trục kênh Tẻ - nơi có thể tạo điểm nhấn về văn hóa, thể hiện phong cách đặc trưng của Sài Gòn - Chợ Lớn. Điều quan trọng là xác định rõ các khu vực tiềm năng, đầu tư hiệu quả để tạo sự đột phá cho cả vùng dân cư và kinh tế" - PGS-TS Lê Trung Chơn nói.
Doanh nghiệp bán lẻ nhập cuộc
Trước xu thế "thương mại liền metro", các doanh nghiệp bán lẻ lớn tại Việt Nam như Saigon Co.op, Satra, Central Retail, WinCommerce và nhiều start-up, nhà đầu tư cá nhân đã nhanh chóng nhập cuộc. Không ít nhà bán lẻ đang ráo riết khảo sát các vị trí gần nhà ga metro để phát triển mô hình "bán lẻ gắn giao thông", phục vụ nhóm khách cần tiêu dùng nhanh, tức thì. Do đó, mô hình "bước ra khỏi tàu - bước vào cửa hàng" được dự báo sẽ bùng nổ tại TP HCM chỉ trong vài năm tới.
Hiện tại, Saigon Co.op và Satra là 2 doanh nghiệp tiên phong ký kết hợp tác chiến lược với Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TP HCM (HURC1). Saigon Co.op đang nghiên cứu tích hợp thẻ metro vào hệ thống thanh toán tại các siêu thị, cửa hàng, để tạo trải nghiệm liền mạch cho khách hàng. Satra thì phối hợp với HURC1 triển khai phát hành vé metro ngay tại các điểm kinh doanh thuộc hệ thống của mình. Đáng chú ý, Satra đã lắp đặt khoảng 30 máy bán nước tự động tại 14 trạm metro, bước đầu cho thấy hoạt động hiệu quả, đón đầu nhu cầu tiêu dùng tiện lợi của hành khách.
THANH NHÂN - THÁI PHƯƠNG - KHÁNH LINH - HOÀNG BẢO
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/khai-thac-mo-vang-ga-metro-196250716212452461.htm