Lực lượng kiểm lâm huyện Thanh Sơn tuyên truyền cho người dân xã Tất Thắng về công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Toàn xã có tổng diện tích đất lâm nghiệp khoảng 800ha, chủ yếu là rừng sản xuất. Năm 2024, xã trồng gần 45ha rừng tập trung, đạt 180% kế hoạch và bằng 180% so với cùng kỳ, trồng 8.000 cây phân tán, đạt 100% kế hoạch. Xác định trồng rừng, phát triển kinh tế rừng là một trong những tiềm năng của địa phương, thời gian qua, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển rừng, đưa những giống mới, năng suất cao vào trồng, đồng thời hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật cho người dân nhằm đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Cùng với tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân, xã thành lập các tổ quản lý, bảo vệ rừng để thực hiện việc giám sát, quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.
Hạt Kiểm lâm huyện chủ động phối hợp các ban, ngành, trưởng khu dân cư, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cộng đồng để tuyên truyền cho các chủ rừng, cơ sở chế biến lâm sản về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; tuyên truyền, vận động người dân PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm lâm địa bàn thường xuyên theo dõi biến động theo 5 cấp dự báo cháy rừng để kịp thời tham mưu, tuyên truyền công tác PCCCR, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện đúng quy định về xử lý thực bì sau khai thác để trồng rừng.
Khu 14 là một trong những khu của xã có thế mạnh về phát triển kinh tế lâm nghiệp, khu có gần 200ha rừng, chủ yếu là trồng cây keo, trong đó một số hộ dân đã phát triển trên 10ha rừng, đem về doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Đinh Đức Thọ - người trồng rừng lâu năm chia sẻ: “Trước đây, người dân trong khu không mấy quan tâm phát triển rừng, bởi chưa nhận thấy giá trị kinh tế từ rừng. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các dự án hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, người dân trong khu đã tích cực trồng rừng thay thế cho diện tích hoang hóa hoặc diện tích rừng tái sinh giá trị thấp. Mỗi năm, có vài chục hécta rừng trên địa bàn khu đến tuổi khai thác, giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững hoặc làm giàu. Từ trồng rừng, người dân trong khu còn phát triển được các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả cho thu nhập khá”.
Đồng chí Đinh Quốc Toản - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Là địa bàn có diện tích rừng tương đối lớn nên xã xác định phát triển lâm nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đưa kinh tế lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, mang lại hiệu quả cao. Theo đó, xã đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến; triển khai phong trào trồng, bảo vệ, cải tạo rừng, khai thác, chế biến lâm sản; thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với phát triển kinh tế lâm nghiệp, xã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư gắn sản xuất gắn với chế biến lâm sản”.
Thời gian tới, xã Tất Thắng tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng. Người dân sống gần rừng tích cực tham gia vào công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng trồng, góp phần đạt được “mục tiêu kép” vừa nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, vừa tạo sinh kế cho người dân.
Hoàng Hương