Làm giàu dưới những tán rừng xanh

Làm giàu dưới những tán rừng xanh
4 giờ trướcBài gốc
Trồng dược liệu dưới tán rừng
Ngành chức năng kiểm tra quá trình cây dược liệu phát triển dưới tán rừng.
Cầm theo chiếc xẻng, ông Nguyễn Đăng Điểu (trú thôn An Sú, xã Sơn Kim 1) mang giống cây thiên niên kiện vượt qua những con đường mòn nhỏ vào tận rừng sâu để trồng dưới tán cây cổ thụ mà gia đình đang bảo vệ, chăm sóc.
Theo ông Điểu đây là loài cây dược liệu quý, vốn mọc ở những cánh rừng sâu biên giới Hương Sơn. Sau khi được phổ biến về những hiệu quả mang lại, gia đình đã học hỏi thêm kỹ thuật để trồng xen dưới những tán rừng nguyên sinh. Đến nay hơn 20ha diện tích rừng nguyên sinh được gia đình trồng xen kẽ cây dược liệu đang phát triển tốt.
Ông Điểu cho biết, thiên niên kiện là loài cây dược liệu từng sống dưới những tán rừng già ở Hương Sơn, người dân bản địa gọi là cây sắn sục. Trước đây, loài cây này được người dân vào rừng thu hái, bán cho các thương lái thu mua về làm dược liệu. Qua thời gian, loài cây này dần hiếm khi con người khai thác cạn kiệt.
Khi mô hình trồng dược liệu được triển khai, người dân vui mừng, phấn khởi vì mang lại lợi ích kinh tế bền vững. "Mục đích của chúng tôi khi làm mô hình trên nhằm mục đích bảo tồn và giữ được giống loại dược liệu quý, phát triển kinh tế từ rừng", ông Điểu cho biết.
Toàn xã Sơn Kim 1 năm nay trồng trên 300ha diện tích cây dược liệu dưới tán rừng. Đặc biệt tại tiểu khu 68, dưới những tán rừng già dài bất tận, hàng chục ha cây thiên niên hiện đang phát triển tốt tươi, trở thành cây “chiến lược” phát triển lâu dài của người dân miền núi.
Hiệu quả kinh tế bền vững
Ông Trần Trung Tuấn, đơn vị cung cấp giống cây thiên niên kiện cho biết, ngoài hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trồng dược liệu, đơn vị còn cam kết đầu ra, bao tiêu sản phẩm. Đối với giống cây dược liệu này phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở mảnh đất miền núi Hương Sơn. Đây cũng là giống cây dược liệu từng sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên ở rừng sâu, trước đây là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân vùng biên giới.
Song do thu hái cạn kiệt dẫn đến nguồn nguyên liệu nguy cơ tuyệt chủng. Nhờ chính sách hỗ trợ, người dân phấn khởi hưởng ứng trồng cây. Đây cũng là cách làm hướng đến bảo vệ rừng và mang lại kinh tế bền vững cho người dân bản địa.
“Hiện tại đơn vị đã cung ứng gần 2 triệu cây với diện tích khoảng gần 1.000ha, chủ yếu ở 5 xã như Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh. Đây là loài dược liệu quý, tỏa ra mùi thơm đặc trưng. Người dân biết tận dụng, khai thác dưới tán rừng nguyên sinh sẽ phát triển kinh tế không thua kém rừng sản xuất. Đặc biệt từ năm thứ 3 đã có thu hoạch, mang về lợi ích kinh tế bền vững”, ông Tuấn nói.
Sau một thời gian trồng thử, cây dược liệu phát triển tốt.
Theo tính toán, cây thiên niên kiện sẽ cho thu hoạch từ 3-5 năm kể từ khi trồng (thu hoạch thân, củ). Khi thu hoạch 1ha thiên niên kiện thu nhập dao động từ 45 – 50 triệu đồng, cao hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác. Bên cạnh đó chi phí trồng thiên nhiên kiện khá rẻ, cho thu hoạch từ năm này đến năm khác.
Ông Lê Ngọc Danh - Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn cho biết, không chỉ đạt hiệu quả về kinh tế, cây thiên niên kiện còn góp phần tăng ý thức bảo vệ rừng đối với những hộ dân sống cận kề.
Đặc biệt, trồng loại cây này mỗi ha người dân còn được hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết số 51/2021/NQ – HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh ngày 16/12/2021 về “Quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2022 – 2025.
Người dân lội suối mang cây dược liệu vào rừng trồng.
Theo Hạt Kiểm Lâm Hương Sơn, toàn huyện có 84.000 ha rừng, trong đó có 65.000 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Trong năm 2024, huyện đang xây dựng phương án trồng trên 1.000 ha diện tích cây dược liệu nhằm hướng đến phát triển kinh tế rừng và bảo vệ rừng.
“Cây dược liệu thiên niên kiện sinh trưởng tốt dưới tán rừng tự nhiên. Đây được kỳ vọng sẽ là hướng đi mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, bảo vệ môi trường, đồng thời phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cho người dân”, ông Lê Ngọc Danh cho biết.
Xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 là hai địa phương thuộc vùng biên giới huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Nơi đây cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào thiên nhiên, khai thác tài nguyên sẵn có từ rừng. Trước đây, những cánh rừng nguyên sinh ở vùng biên giới bị tàn phá nặng nề, song nhờ được tuyên truyền, bảo vệ, những cánh rừng từng bị “xẻ thịt” nay đã được phủ màu xanh. Điều đặc biệt là người dân đã biết giữ rừng, tạo ra nguồn kinh tế từ rừng.
Hoài Nam
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/lam-giau-duoi-nhung-tan-rung-xanh-post1694877.tpo