Sắc xanh của Rú Chá. Ảnh: Lê Đình Hoàng
Bảo tồn cảnh quan - phương thức tiếp cận phù hợp cho Huế
Khai thác hiệu quả, bền vững giá trị đa dạng của tài nguyên rừng thông qua khai thác các dịch vụ hệ sinh thái do rừng cung cấp như: Các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ các bon rừng cũng như nguồn nguyên liệu sinh học, gỗ và các sản phẩm phi gỗ, dược liệu, dược phẩm là quan điểm chiến lược về kinh tế rừng hiện nay. Song, đối với Huế, việc tiếp cận theo phương thức quản lý lâm nghiệp cảnh quan mới chính là chiến lược cần theo đuổi.
Huế nằm gọn trong vùng cảnh quan Trung Trường sơn, một trong 200 vùng cảnh quan có giá trị toàn cầu được ưu tiên bảo vệ (WWF, 1998). Vì thế, cần có một đồ án quy hoạch và kế hoạch quản lý bảo tồn cảnh quan cho toàn bộ khu vực này. Đó là cách tiếp cận toàn diện nhằm mục đích cân bằng mục tiêu giữa bảo tồn thiên nhiên với các hoạt động phát triển trên phạm vi của khu vực phía Tây thành phố Huế, nơi có các hệ sinh thái tự nhiên độc đáo với hệ thống cảnh quan tự nhiên hùng vĩ chứa bên trong nó vô vàn nguồn tài nguyên sinh học quý giá, được xem như di sản thiên nhiên bổ trợ thêm cho giá trị thành phố Huế di sản UNESCO. Hiểu được điều này sẽ thấy giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng cho Huế là vô giá, là tiềm năng để làm gia tăng giá trị các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái, trước hết rất dễ dàng khơi dậy tiềm năng này ở Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu Dự trữ sinh quyển Sao La, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền và khu vực đèo Hải Vân, vùng lõi của Khu Bảo vệ Cảnh quan Bắc Hải Vân trong tương lai. Đặc biệt, đây là thời điểm thích hợp để nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận khu vực Hải Vân – Bạch Mã là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới trong thời gian tới.
Rừng trong phố - phố trong rừng
Nếu bây giờ chúng ta đi từ quận Thuận Hóa, men theo Quốc lộ 49 để lên huyện ngoại thành A Lưới, trong tầm mắt gần, chủ yếu là những mảng xanh của rừng keo. Vào mùa khai thác, các mảng xanh này sẽ được thay thế bởi những vạt đồi màu xám, xen kẽ bởi những con đường ngang dọc do người dân tự mở để vận chuyển gỗ. Bức tranh cảnh quan này gây nhức mắt, làm cho ta phải nghĩ tới cách sắp xếp bố cục của bức tranh làm sao cho tươi tắn hơn. Do vậy, việc hình thành các dải rừng cây bản địa xanh tốt quanh năm dọc theo các tuyến đường huyết mạch nối các quận Thuận Hóa, Phú Xuân, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền ở khu vực trung tâm với các huyện ngoại thành A Lưới, Phú Lộc là điều nên bắt tay thực hiện ngay từ bây giờ. Bên cạnh đó, việc quy hoạch núi Kim Phụng, Rú Chá hoặc các rú cát ở các huyện, thị xã ven biển, cùng với việc chỉnh trang khu rừng thông Thiên An, Tam Thai, Thiên Thai, Ngự Bình để biến các nơi này thành các lâm viên sẽ khiến Huế trở thành địa danh rừng trong phố - phố trong rừng đúng nghĩa.
Đối với các khu vực đất lâm nghiệp được quy hoạch để trồng rừng kinh tế, cần được nghiên cứu để sắp xếp lại theo hướng tập trung thành từng khu vực gắn với các cụm công nghiệp chế biến gỗ. Có thể áp dụng đai độ cao (tương đối) để sắp xếp lại các khu vực trồng rừng kinh tế. Theo đó, chỉ nên dành quỹ đất cho việc trồng keo ở độ cao từ 200 - 250m trở xuống; đối với độ cao lớn hơn 400m, chỉ cho phép trồng các loài cây bản địa với phương thức phù hợp cho mục đích phục hồi rừng. Với độ cao từ 250m lên đến 400m có thể nghiên cứu để áp dụng các phương thức trồng rừng hỗn hợp, nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì thảm rừng gần như liên tục để tránh xói mòn, làm hại môi trường đất. Việc quy hoạch và xây dựng mạng lưới đường lâm sinh để vận chuyển gỗ khai thác vừa phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng cần được tính toán để từng bước hình thành, tránh trường hợp tùy tiện mở đường như hiện nay vừa mất mỹ quan, vừa gây biến dạng địa hình và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.
Để biến ý tưởng này thành hiện thực trong vòng 10 - 20 năm tới, ngoài quyết tâm thực hiện của các ngành và địa phương, đòi hỏi phải có tư duy về quản trị cảnh quan đô thị với sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị trong nước, kể cả tư vấn quốc tế.
NGUYỄN ĐẠI ANH TUẤN