“BỨC TƯỜNG XANH” TRÊN VÙNG BÁN NGẬP
Một ngày cuối năm 2024, chúng tôi theo chân cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp đi tuần tra bằng ca nô trên khu vực hồ thủy điện Cần Đơn. Dưới cái nắng gắt đặc trưng của vùng biên giới, xa xa ngang tầm mắt là những cây gáo vàng đường kính gần 20cm, chiều cao hơn 4m đã tạo nên bức tường xanh giữa biển nước mênh mông.
Những cây gáo vàng và tràm nước với đường kính gần 20cm, chiều cao hơn 4m đã tạo nên bức tường xanh giữa biển nước mênh mông tại khu vực hồ thủy điện Cần Đơn
Là người chứng kiến sự trưởng thành của cây gáo và tràm nước, anh Nguyễn Văn May, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp cho biết: Để có được những cánh rừng xanh ngát như hôm nay là quá trình gian nan, vất vả. Từ những năm 2012, anh em kiểm lâm đã trồng thử nghiệm nhiều loại cây tại khu vực bán ngập của thủy điện Cần Đơn. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều cây không chịu được nước nên chết dần, chỉ còn số ít cây gáo vàng và cây tràm đủ sức sinh trưởng và phát triển dù bị nước ngập lút tận ngọn nhiều ngày liền. Do đó, từ năm 2015, đơn vị đã mạnh dạn trồng đại trà 137 ha cây gáo vàng và tràm nước từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước. Sau 10 năm, diện tích cây gáo vàng, tràm nước do anh em kiểm lâm trồng và chăm sóc đã phát triển thành rừng.
“Từ ngày cây gáo vàng và cây tràm nước phát triển thành rừng, không chỉ hạn chế tối đa tình trạng cây dại xâm lấn khi nước rút mà còn góp phần ngăn chặn hiện tượng rửa trôi phù sa trên mặt đất những tháng hồ thủy điện tích nước. Hiện diện tích rừng gáo vàng và tràm nước được mở rộng trên 200 ha. Với tốc độ phát triển nhanh của các giống cây này, cả khu vực lòng hồ bán ngập sẽ được phủ màu xanh, góp phần cải tạo cảnh quan, môi trường cho cả vùng lòng hồ rộng hơn 19km²” - anh May cho biết thêm.
TĂNG DIỆN TÍCH CHE PHỦ RỪNG
Được biết, mỗi héc-ta rừng trồng và chăm sóc trong thời gian 5 năm, Nhà nước sẽ hỗ trợ 84 triệu đồng. Sau khi cây gáo vàng và cây tràm nước phát triển tốt, đủ tiêu chuẩn sẽ được bàn giao lại cho các đơn vị chủ rừng để tiếp tục quản lý, chăm sóc, khai thác và hưởng lợi theo quy định.
Anh Nguyễn Văn May (bìa phải), cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp chia sẻ về quá trình đưa cây gáo vàng và cây tràm nước cắm rễ tại vùng bán ngập hồ thủy điện Cần Đơn
So với diện tích rừng tự nhiên của Bình Phước hiện có thì 200 ha rừng bán ngập tại khu vực hồ thủy điện Cần Đơn chỉ chiếm diện tích rất nhỏ. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy trước mắt là diện tích che phủ rừng tăng lên, cảnh quan môi trường được cải thiện, chim muông đã bắt đầu kéo về đây sinh sống. “Từ ngày cây gáo vàng và cây tràm thành rừng, các loại cò, vạc, bói cá đã về đây làm tổ. Có dịp các loại chim, cò về đây theo đàn đậu trắng ngọn cây, trông rất thích mắt” - anh May cho hay.
Cây gáo vàng và tràm nước phát triển thành rừng kết hợp với vẻ đẹp sông nước tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình
Hiện diện tích rừng và đất chưa có rừng trong quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước gần 172 ngàn héc-ta. Trong đó, rừng tự nhiên 55,6 ngàn héc-ta, chủ yếu tập trung tại 5 huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Phú và Lộc Ninh; rừng trồng đã thành rừng hơn 98,5 ngàn héc-ta; diện tích còn lại là đất chưa có rừng. Nếu phân theo 3 loại rừng thì rừng đặc dụng trên 31,1 ngàn héc-ta; rừng phòng hộ trên 43,5 ngàn héc-ta; rừng sản xuất gần 97 ngàn héc-ta. Trong năm 2024, Bình Phước đã trồng trên 1,75 triệu cây xanh; trồng trên 40,3 ha rừng sản xuất gỗ lớn từ nguồn vốn hỗ trợ... Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 22,5%.
Theo người dân sinh sống gần khu vực hồ thủy điện Cần Đơn, nhờ hệ sinh thái đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, trong đó màu xanh của rừng là nét chấm phá nổi bật nên tại đây đã manh nha các dịch vụ du lịch, tham quan, trải nghiệm. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc quảng bá, định hình phát triển ngành du lịch của tỉnh; tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Bình Phước hiện có khoảng 2.000 ha vùng bán ngập. Từ những mầm xanh được tái tạo trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn, tỉnh xác định trong thời gian tới sẽ trồng thêm khoảng 1.400 ha rừng bán ngập bằng cây gáo vàng và tràm nước. Khi diện tích này được phủ xanh không chỉ giữ vai trò phòng hộ xung yếu mà còn góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường, tăng độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh.
Xuân Túc