Khám phá 10 nghề cổ vang danh Việt Nam tại góc đọc cuối tuần

Khám phá 10 nghề cổ vang danh Việt Nam tại góc đọc cuối tuần
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 5/7, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức buổi đọc sách Vang danh nghề cổ cho các bạn nhỏ. Đây là bộ sách về 10 làng nghề thủ công tại Việt Nam, mới được nhà xuất bản ra mắt trong năm nay. Buổi đọc là hoạt động thuộc chương trình Gặp tôi trong tương lai - một dự án gợi mở ý tưởng cho trẻ em, gia đình về nghề nghiệp và bình đẳng giới.
Góc đọc cuối tuần tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Ảnh: Thúy Hạnh.
Sân chơi với sách mỗi dịp cuối tuần
Góc đọc cuối tuần ban đầu là ý tưởng của Nhà xuất bản Kim Đồng về tạo dựng một sân chơi miễn phí với sách cho trẻ em. Theo chia sẻ từ bà Nguyễn Lê Chi, đại diện đội ngũ tổ chức Góc đọc cuối tuần, hoạt động này bắt đầu triển khai từ năm 2023, tới nay đã tạo dựng được một cộng đồng nho nhỏ với nhiều gương mặt quen thuộc.
“Tôi và mọi người trong nhóm làm Góc đọc cuối tuần mong muốn biến không gian này thành một sân chơi mà ở đây các con có thể thỏa sức đọc sách miễn phí, tương tác với biên tập viên, tác giả của cuốn sách, các con được gặp gỡ và tạo thành một cộng đồng đọc sách”, bà Lê Chi chia sẻ.
Cứ mỗi thứ bảy hàng tuần, các bạn nhỏ lại tới Nhà xuất bản Kim Đồng để tham gia “câu lạc bộ đọc sách nhí” này. Tại Góc đọc cuối tuần, nhiều hoạt động như đọc sách, chơi với sách, đọc tương tác, chơi trò chơi, vẽ tranh... được kết hợp, khiến bạn đọc nhỏ tuổi thích thú, hăng hái tham gia đọc và chơi. Theo quan sát và phỏng vấn, Góc đọc có nhiều gia đình là “thành viên thân thiết”, đã tham gia rất nhiều lần. Các gia đình vì thế cũng quen nhau, các bạn nhỏ thoải mái chơi đùa cùng nhau.
Bà Hà Thanh Hằng, một phụ huynh tham gia Góc đọc cuối tuần, cho biết cộng đồng đọc này vừa là nơi gia đình đến để vui chơi, vừa là không gian giúp trẻ phát triển nhiều kỹ năng xã hội. Bà cho biết: “Gia đình tôi tham gia Góc đọc cuối tuần cũng nhiều lần rồi. Sau mỗi buổi tham gia, tôi thấy con rất vui và học được nhiều kỹ năng, ví dụ như tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người, mạnh dạn trả lời các câu hỏi của chương trình”.
Tại Góc đọc tuần này, nhóm thực hiện chọn bộ sách Vang danh nghề cổ - bộ sách giới thiệu 10 làng nghề truyền thống của Việt Nam. Bộ sách là dự án được một nhóm tác giả Việt Nam ấp ủ trong nhiều năm, nhằm đưa tới độc giả nhí cách tiếp cận sinh động về văn hóa truyền thống. Không chỉ mang thông điệp lưu giữ, bảo tồn giá trị bản sắc dân tộc, bộ sách còn hy vọng “truyền lửa” cho thế hệ tương lai về các nghề nghiệp này.
Góc đọc cuối tuần số lần này đồng thời là một hoạt động thuộc Trưng bày Gặp tôi trong tương lai. Đây là dự án giới thiệu 268 ý tưởng sáng tạo cho các sáng tác thiếu nhi về chủ đề định hướng nghề nghiệp cho trẻ em, về bình đẳng giới trong công việc.
Tại không gian trưng bày, người tham gia có thể tự gấp những con thuyền mơ ước, viết lên đó những dự định của bản thân, những công việc mình muốn làm.
Trưng bày Gặp tôi trong tương lai tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Ảnh: Thúy Hạnh.
Ngoài hoạt động trưng bày, đây còn là sự kiện công bố 5 ý tưởng sáng tác xuất sắc tiếp tục lọt vào vòng xuất bản để phát triển thành sách thiếu nhi, dự kiến ra mắt vào năm 2026. Các ý tưởng này gồm: Ý tưởng bộ sách Bà cụ non - tác giả Nguyễn Thu Yến, ý tưởng Hạt mầm nhỏ suy tư - tác giả Thùy Cốm, ý tưởng Bắt lấy thanh âm - nhóm tác giả C404, ý tưởng Ngày mai đá sẽ nở hoa - tác giả Phạm Thị Thùy Trang, ý tưởng Gặp tôi trong tương lai - tác giả Chà.
Các ý tưởng sách lọt vào vòng xuất bản có chủ đề và đối tượng đa dạng. Bộ sách Ngày mai đá sẽ nở hoa là câu chuyện về một em bé người Dao Áo Dài có mơ ước trở thành người thầy thuốc, trong khi đó bộ sách Bắt lấy thanh âm lại kể về hành trình đấu tranh với rào cản vô hình để tiếp cận tri thức của trẻ em điếc. Các bộ sách còn lại cũng có các nhân vật thú vị, kết hợp cách trình bày sách sáng tạo.
Theo Ban tổ chức chương trình, những ý tưởng này nổi bật nhờ cách kể chuyện gần gũi với trẻ em, khắc họa những hình mẫu công việc phong phú, vượt khỏi định kiến giới và gợi mở nhiều khả thể trong việc định hướng và lựa chọn nghề nghiệp. Các ý tưởng tích hợp nhiều định dạng tương tác sáng tạo, mang đến trải nghiệm đọc mới lạ cho trẻ. Đặc biệt, sự hiện diện của những nhóm trẻ em đa dạng như trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số đã làm giàu thêm không gian sách thiếu nhi, mở rộng cơ hội tiếp cận thế giới thông qua ngôn ngữ và chuyện kể cho trẻ.
Gặp tôi trong tương lai là một sáng kiến được khởi xướng bởi The Initiative of Children’s Book Creative Content (ICBC), với sự đồng hành của ECUE -VGEM và Nhà xuất bản Kim Đồng. Chương trình nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Investing in Women (Đầu tư cho Phụ nữ) - một sáng kiến của Chính phủ Australia.
Thúy Hạnh
Nguồn Znews : https://znews.vn/kham-pha-10-nghe-co-vang-danh-viet-nam-tai-goc-doc-cuoi-tuan-post1566409.html