Chiến khu Rừng Sác, nằm tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM, là một phần của khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đây không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên đặc sắc mà còn là Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác - một căn cứ địa cách mạng quan trọng của bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền thành lập Đặc khu Quân sự Rừng Sác với mật danh T10. Trung đoàn 10 - Đặc công Rừng Sác nhận nhiệm vụ chiến lược: bám trụ, chiếm giữ Rừng Sác để tiến công vào các cơ quan đầu não, kho bãi và căn cứ của Mỹ. Các chiến sỹ đã ghi dấu những trận đánh lịch sử, khiến quân địch kinh hoàng.
Trải qua 9 năm kháng chiến, từ năm 1966-1975, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã đánh gần 600 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch, hoàn thành mục tiêu khống chế toàn bộ hệ thống vận tải thủy tiếp tế cho Sài Gòn và phía Nam, đồng thời lập những chiến công vang dội ngay ở nội đô.
Hơn 900 người đã hy sinh, đến nay còn hơn 500 liệt sỹ chưa tìm thấy tại Rừng Sác.
Ngay lối vào là nhà cảnh vệ, nơi đây là điểm quan sát đảm bảo an toàn cho chiến khu.
Hệ thống bố trí thành 2 vòng, vòng ngoài gồm những bãi chông, mìn và các hỏa lực từ xa...
Nhà thông tin là nơi đặt các trang thiết bị nhằm bảo đảm liên lạc thông suốt với Trung ương, Bộ tư lệnh Miền.
Trong quá trình chiến đấu và phục vụ, hàng trăm chiến sỹ đã ngã xuống nhưng họ quyết không để lộ thông tin. Chiến công của họ góp phần vào những chiến thắng vang dội của Đoàn 10 anh hùng.
Trong những trận đánh lừng danh, không thể không nhắc đến trận tập kích kho xăng Nhà Bè.
Ngày 3/12/1973, vào lúc 0h35 phút, các chiến sỹ bí mật vượt qua 12 lớp rào, đặt mìn vào các bồn chứa xăng dầu khổng lồ, gây ra vụ cháy kéo dài hơn 12 ngày đêm, thiệt hại nặng nề cho quân địch.
Cuộc sống gian khổ tại Rừng Sác đòi hỏi lòng kiên cường, ý chí sắt đá và sáng tạo của các chiến sỹ.
Thiếu nước ngọt, các chiến sỹ phải chèo ghe ban đêm vượt qua vòng vây địch để lấy nước giếng, hay xử lý nước mặn thành nước ngọt.
Đặc công Rừng Sác đã sáng tạo ra cách đun sôi nước mặn ngưng tụ lại để lấy nước ngọt sinh hoạt. Với cách làm này, 2 chiến sỹ nấu trong 24 tiếng có thể thu 300 lít nước ngọt, đủ cho một trung đội ăn uống trong ngày.
Ngoài bom đạn ác liệt và chất độc hóa học, cá sấu rừng Sác cũng là mối nguy hiểm luôn rình rập, nhiều chiến sỹ đã bị cá sấu tấn công.
Nhà Quân y, với những thiết bị y tế khiêm tốn nhưng đã cứu sống gần 500 thương bệnh binh của Trung đoàn.
Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, công tác nuôi quân luôn được chỉ huy Trung Đoàn 10 rừng Sác đặc biệt quan tâm.
Phần nhiều nhu yếu phẩm do nhân dân giúp đỡ và bộ đội tự túc thu thập như cua, còng, cá, lá kìm, đọt chà là...
Hoàng Thọ