Khám phá Lễ hội Xuống đồng tại điểm đến Di tích quốc gia đặc biệt Mái đá làng Vành

Khám phá Lễ hội Xuống đồng tại điểm đến Di tích quốc gia đặc biệt Mái đá làng Vành
5 giờ trướcBài gốc
Những ngày đầu xuân Ất Tỵ, du khách nô nức về xã Yên Phú (Lạc Sơn) trải nghiệm không khí Lễ hội Xuống đồng có quy mô lớn nhất vùng Mường Vang. Lễ hội gắn liền với di tích khảo cổ học Mái đá làng Vành đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Trong dịp trải nghiệm lễ hội Xuống đồng, du khách kết hợp khám phá Di tích quốc gia đặc biệt Mái đá làng Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn).
Trong tín ngưỡng của người dân địa phương, dãy núi đá vôi Trắng - Vành là nơi con chim bồ câu ân tình đã dừng lại ăn quả và gặp nạn trong hành trình đi tìm chàng Hai Mối để đưa bức thư tuyệt tình của nàng Hùy Nga xinh đẹp nhất vùng. Nơi đây có chùa Khộp, đình Vành, chùa Rả, nhất là chùa Khộp ở trong hang đá trên đỉnh núi Trắng thờ Đức Phật Thiên Bà, ông vua Cung, vua Hai là các vị phúc thần bảo vệ mùa màng, phù hộ cho dân Mường mọi sự tốt lành, yên ấm. Di tích khảo cổ Mái đá làng Vành nằm trong quần thể hang động của dãy núi đá vôi Trắng – Vành. Đây là di tích tiêu biểu của nền Văn hóa Hòa Bình hiện còn giữ nguyên một phần tầng văn hóa gốc, trên vách đá còn khá nhiều lớp trầm tích của kỷ đệ tứ.
Xưa kia, cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng theo lịch Mường (tức ngày 8 tháng Giêng âm lịch) hàng năm, cộng đồng vùng Mường lại tổ chức lễ hội để dâng lên các vị thần những nông sản đặc trưng thể hiện cuộc sống no đủ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân mạnh khỏe. Trải qua thăng trầm lịch sử, lễ hội được phục dựng lại từ năm 2005, định kỳ 3 năm tổ chức 1 lần.
Thầy mo Bùi Văn Sịnh có uy tín ở làng Vành cho biết: Trước khi vào lễ hội, bao giờ cũng phải đến miếu thờ tại không gian Mái đá làng Vành để làm lễ cúng tế các vị phúc thần có công che chở, bảo vệ dân làng. Đồ lễ thường có các mâm mặn, mâm chay, mâm hoa quả và rượu. Trong đó, nhất thiết phải có xôi, thủ lợn, gà giò, quả đu đủ luộc, rượu ba vị là mía, gừng, xả và oản bằng gạo nếp. Lễ cúng tế thực hiện vào sáng sớm và ngay sau đó, đoàn người làm lễ tế tiến ra phía cánh đồng xóm Vành Rả để cùng chứng kiến nghi thức xuống đồng. Người được chọn thực hiện nghi thức xuống đồng phải là đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, xốc vác. Đường cày đầu tiên vừa sâu, vừa thẳng hàng trên cánh đồng màu rộng lớn thể hiện ước muốn công việc lao động, sản xuất của bà con làng trên, xóm dưới trong cộng đồng mường năm mới đạt nhiều thành quả.
Sau khi những nghi lễ quan trọng hoàn thành, lễ hội xuống đồng bước vào phần hội với những hoạt động sôi nổi. Trước tiên phải kể đến chương trình nghệ thuật đặc sắc; thi trình diễn trang phục dân tộc Mường; thi đấu bóng chuyền giữa các xóm; các trò chơi dân gian: đánh mảng, đẩy gậy, kéo co…
Đáng chú ý, ở phần hội xuân năm nay, ban tổ chức đưa vào nội dung bóng đá nữ giao lưu giữa các xóm. Độc đáo hơn cả là tại giải bóng đá này, quy định mang tính bắt buộc đối với người chơi là phải mặc trang phục váy Mường. Anh Phạm Ngọc Tuyên, du khách từ tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Vô cùng thú vị ở giải đấu này khi các cầu thủ nữ chơi bóng trong trang phục váy Mường chấm mắt cá chân. Việc thi đấu trong điều kiện trang phục như này khá là bất tiện nhưng không khí từ đầu đến cuối trận đấu luôn tràn ngập tiếng cười. Trải nghiệm một giải đấu như vậy, tôi cảm thấy thật vui vẻ, thấy trong đó là ý nghĩa tinh thần, sắc màu văn hóa dân tộc Mường.
Đồng chí Bùi Văn Cảnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã tự hào chia sẻ: Từ xa xưa, miền đất Yên Phú đã đi vào sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”, áng mo nổi tiếng của dân tộc Mường. Lễ hội Xuống đồng xã Yên Phú mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo khí thế ngày hội lao động, sản xuất đầu xuân, báo hiệu mùa màng bội thu. Lễ hội cũng giới thiệu đến hàng nghìn du khách về giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Mái đá làng Vành, nét sinh hoạt văn hóa quan trọng và là di sản văn hóa tinh thần khích lệ các thế hệ sau kế thừa, phát huy.
Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Phú đã đoàn kết, nỗ lực đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 59 triệu đồng; văn hóa - xã hội phát triển đi vào chiều sâu; quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Lễ hội Xuống đồng được tổ chức trang trọng về nghi lễ, đa dạng, phong phú trong phần hội, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa địa phương.
Bùi Minh
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/16/198354/kham-pha-le-hoi-xuong-dong-tai-diem-den-di-tich-quoc-gia-dac-biet-mai-da-lang-vanh.htm