Khám phá mảnh ghép đầu tiên tiết lộ 'mặt tối' bí ẩn của vũ trụ

Khám phá mảnh ghép đầu tiên tiết lộ 'mặt tối' bí ẩn của vũ trụ
2 giờ trướcBài gốc
Kính Euclid được phóng vào tháng 7/2023 sẽ tạo ra bản đồ 3D lớn nhất và chính xác nhất về vũ trụ cho đến nay để giúp trả lời những câu hỏi tồn tại từ lâu về "mặt tối" của vũ trụ.
Các nhà khoa học đã lắp được mảnh đầu tiên của bản đồ, bao gồm 208 gigapixel từ 260 quan sát được thực hiện từ ngày 25/3 đến ngày 8/4. Nhưng nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cuộc khảo sát rộng lớn mà Euclid sẽ thực hiện trên bầu trời trong tương lai, đo hình dạng, khoảng cách và chuyển động của hàng tỷ thiên hà.
Euclid ghi lại một phần bầu trời đêm có thể nhìn thấy từ Bán cầu Nam trên Trái Đất. Ảnh: ESA
Bức ảnh ghép này, bao gồm khoảng 100 triệu ngôi sao và thiên hà đã được công bố ngày 15/10 tại Đại hội Du hành vũ trụ Quốc tế ở Milan, Italy.
"Hình ảnh tuyệt đẹp này là mảnh ghép đầu tiên của một bản đồ trong 6 năm, sẽ tiết lộ hơn 1/3 bầu trời. Đây chỉ là 1% của bản đồ nhưng nó chứa đầy đủ nhiều nguồn thông tin khác nhau giúp các nhà khoa học khám phá ra những cách mới để mô tả vũ trụ", Valeria Pettorino, nhà khoa học dự án Euclid tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), cho biết trong một tuyên bố.
Một trong những mục tiêu chính của Euclid là quan sát vật chất tối và năng lượng tối. Mặc dù vật chất tối chưa bao giờ được phát hiện nhưng người ta tin rằng nó chiếm tới 85% tổng lượng vật chất của vũ trụ. Trong khi đó, năng lượng tối là một lực bí ẩn được cho là đã đóng vai trò trong quá trình giãn nở ngày càng nhanh của vũ trụ.
Một góc nhìn mới về vũ trụ
Góc nhìn rộng của Euclid có thể ghi lại dữ liệu từ một phần bầu trời lớn hơn 100 lần so với camera của Kính thiên văn James Webb của NASA. Camera nhạy sáng của kính thiên văn này cũng có thể chụp lại các chi tiết phức tạp của nhiều thiên thể cùng một lúc. Chẳng hạn, cấu trúc tinh tế của một thiên hà xoắn trong cụm thiên hà Abell 3381 nằm cách chúng ta 470 triệu năm ánh sáng có thể được nhìn thấy trong bức ảnh được công bố là những đám mây xanh da trời nhạt giữa các ngôi sao trong Dải Ngân hà của chúng ta.
Các thiên hà nằm trong chòm sao Abell 3381, cách Trái Đất 470 triệu năm ánh sáng. Ảnh: ESA
"Chúng tôi đã thấy những hình ảnh tuyệt đẹp, có độ phân giải cao về các vật thể riêng lẻ và nhóm vật thể từ Euclid. Hình ảnh mới này cuối cùng cũng cho chúng tôi thấy được sự rộng lớn của khu vực bầu trời mà Euclid sẽ bao phủ, cho phép chúng tôi thực hiện các phép đo chi tiết về hàng tỷ thiên hà", Jason Rhodes, một nhà vũ trụ học quan sát tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California, cho biết trong một tuyên bố.
Tìm kiếm bằng chứng về điều vô hình
Vào những năm 1920, các nhà thiên văn học Georges Lemaître và Edwin Hubble đã phát hiện ra vũ trụ giãn nở kể từ khi nó ra đời cách đây 13,8 tỷ năm. Tuy nhiên, nghiên cứu bắt đầu vào những năm 1990 đã chỉ ra rằng có điều gì đó đã thúc đẩy sự giãn nở của vũ trụ cách đây 6 tỷ năm và nguyên nhân vẫn còn là một bí ẩn.
Việc khám phá bản chất thực sự của năng lượng tối và vật chất tối có thể giúp các nhà thiên văn học hiểu được vũ trụ được tạo thành từ gì, sự giãn nở của nó đã thay đổi thế nào theo thời gian và liệu có nhiều điều hơn những gì mắt thường có thể hiểu được về lực hấp dẫn hay không. Người ta cũng cho rằng vật chất tối và năng lượng tối đóng vai trò trong sự phân bố và chuyển động của các vật thể, chẳng hạn như các thiên hà và ngôi sao trong khắp vũ trụ.
Euclid được thiết kế để quan sát hàng tỷ thiên hà trải dài 10 tỷ năm ánh sáng để tiết lộ cách vật chất có thể bị kéo giãn và tách ra bởi năng lượng tối theo thời gian. Những quan sát này cho phép Euclid thấy vũ trụ đã tiến hóa như thế nào trong 10 tỷ năm qua.
Vũ Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CNN
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/kham-pha-manh-ghep-dau-tien-tiet-lo-mat-toi-bi-an-cua-vu-tru-post1130924.vov