Khám phá nghi lễ Tak Ba th trên đất Hủa Phăn

Khám phá nghi lễ Tak Ba th trên đất Hủa Phăn
15 giờ trướcBài gốc
Từ cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La) đến thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chừng 130 km. Khoảng cách di chuyển trên tuyến đường bộ khá gần để bước vào hành trình khám phá miền đất với bao điều thú vị. Hẳn nhiên khi đặt chân tới đây, bạn sẽ muốn "mục sở thị” nét văn hóa đậm sắc màu bản địa trên đất Lào, đó là nghi lễ khất thực ban mai, còn được gọi là nghi thức Tak Bath.
Ngôi chùa Ông Tứ nổi tiếng linh thiêng ở thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Nghi lễ khởi đầu ngày mới
Thời tiết ở thị xã Sầm Nưa - trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh Hủa Phăn tương đối dễ chịu, ít ảnh hưởng của luồng gió phơn phía Tây Nam. Nhất là vào sáng sớm, không gian ở đây yên tĩnh, rất ít phương tiện lưu thông trên đường. Cũng như mọi nơi khác trên đất nước lấy Phật giáo làm quốc giáo, nghi lễ khất thực ban mai không thể thiếu và luôn là sự khởi đầu cho ngày mới ở thị xã bình yên, xinh đẹp này.
Trên hành trình khám phá văn hóa, du lịch ở tỉnh Hủa Phăn, anh Saynamsim Annusara - người bạn Lào từng có 5 năm học tập ở Việt Nam nhiệt tình chỉ dẫn địa điểm và giới thiệu cho chúng tôi nhiều điều về văn hóa truyền thống. Với nghi lễ Tak Bath xuất hiện từ 800 năm trước, cách thức khất thực độ nhật này còn lưu giữ cho đến ngày nay. Nghi lễ được diễn ra vào buổi sáng, từ khoảng 5h30 - 7h00. Để tham gia nghi lễ đặc biệt này, du khách nên dậy sớm để tới các địa điểm diễn ra lễ khất thực. Lúc này, ở nhiều tuyến đường của thị xã Sầm Nưa thấp thoáng bóng dáng các nhà sư trong sắc áo cà sa.
Ở Sầm Nưa có nhiều chùa, trong đó, chùa Wat Ong Teu (Ông Tứ) là ngôi chùa linh thiêng và nổi tiếng bởi lối kiến trúc chỉ có ở Lào. Từ những ngôi chùa này vào mỗi sớm mai, các nhà sư xuất phát với bình bát trên tay, đôi chân trần đi qua các tuyến đường để khất thực độ nhật. Theo giáo lý nhà Phật, trì bình khất thực mang lại nhiều lợi ích cho các vị khất sĩ và cho chúng sinh. Đối với các nhà sư, khất sĩ, việc ôm bình bát đi xin cho tâm trí họ được rảnh rang, ít phiền não. Họ không phải lo kiếm kế sinh nhai, có nhiều thời gian để tu hành, đoạn trừ được tâm kiêu căng ngã mạn, đoạn trừ tham sân si.
Các nhà sư và người dân thực hiện nghi lễ khất thực độ nhật với tình cảm nhất tâm thành kính.
Một trong những khu vực có đông người dân tham gia nghi lễ, gần nơi du khách lưu trú khi tới Hủa Phăn là tuyến đường song song với vị trí công viên Lào Hùng, ngay trước nhà tiếp khách Hữu Nghị của tỉnh. Theo quan sát của chúng tôi, ở phía trước cổng nhà của các gia đình, phật tử chuẩn bị sẵn thức ăn, vật phẩm từ rất sớm. Đồ lễ dâng lên các nhà sư thường là xôi nếp, các loại bánh tự gói, trái cây, bánh, kẹo được đặt gọn gàng trong những chiếc thố bằng bạc với chạm khắc tinh xảo hoặc giỏ mây. Để thực hiện lễ cúng dường, phật tử đi chân trần, quỳ gối trên những chiếc thảm được trải dọc mép đường hoặc ngồi trên chiếc ghế nhựa thấp, trên tay là những lễ vật dâng tặng. Hầu hết mọi người quàng khăn phạ biêng chéo qua vai trái xuống một cách trang trọng. Nhà sư đi đến đâu, gia đình phật tử chắp tay trước ngực thực hiện nghi thức cầu nguyện trước khi dâng phần lễ vật. Để đáp lại, các nhà sư sẽ cầu nguyện để ban phước lành cho người dân. Nghi lễ cúng dường diễn ra trong vài phút ngắn ngủi nhưng tất cả mọi người từ trẻ đến già đều nhất tâm thành kính.
Nét văn hóa độc đáo trên đất nước Triệu Voi
Chung đường biên giới với Việt Nam, nước Lào nói chung, tỉnh Hủa Phăn nói riêng là điểm đến hấp dẫn của du khách Việt. Những nét đặc trưng, thú vị của văn hóa Lào là có rất nhiều các lễ hội, ngày hội, như: Tết cổ truyền Bunpimay; Bun Pha Vet (Phật hóa thân); Bun Visakhapuya (Phật Đản), Bun Khai Phansa (mùa chay)… Bà Mặn Phênh Khạ Tị Nhạ, Giám đốc Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Hủa Phăn chia sẻ: 90% dân số Lào theo đạo Phật; có tới trên 1.400 ngôi chùa gắn với các hoạt động, tín ngưỡng, lễ hội, đặc biệt là gắn với nghi thức khất thực ban mai. Nét văn hóa truyền thống cổ xưa được lưu giữ, thời khắc linh thiêng của nghi thức Tak Bath chính là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với đất nước Lào xinh đẹp.
Nghi lễ khất thực kết thúc trước 7h. Từ lúc các nhà sư đi ra ngoài đến khi trở về các ngôi chùa khoảng hơn 1 tiếng. Đồ lễ dâng của người dân là thức ăn đã chín, các nhà sư chỉ giữ lại một phần đủ dùng trong ngày, còn lại dành tặng người nghèo khổ. Chính bởi vậy, bên cạnh nét đẹp văn hóa, nghi lễ còn là tập tục đạo đức thấm đượm giá trị nhân văn "cho đi và nhận lại”. Các gia đình Lào vì thế luôn khuyến khích trẻ em tham gia nghi thức, qua đó giáo dục về tình thương yêu, lòng nhân ái, gạt bỏ thói hư, tật xấu.
Du khách nước ngoài thích thú tham gia nghi lễ Tak Bath khi đến tham quan, trải nghiệm trên đất Lào.
Một giáo lý nhà Phật luôn được các nhà sư tuân thủ, đó là không khất thực quá 7 nhà, không phân biệt giàu nghèo, thức ăn ngon dở, không đứng trước cửa chợ và một ngày chỉ ăn một bữa trước khi trời đứng bóng. Việc các vị sư đi khất thực là để ai cũng có cơ hội cúng dường Tam Bảo, bởi phật tử thường bận rộn sinh kế, ít có điều kiện đến chùa, chưa kể không ít người vì nghèo khó mà ngại ngùng nên tạo cơ hội đồng đều để gieo trồng phước duyên. Khất thực vừa để độ nhật, vừa để thuyết pháp độ sinh và là nỗ lực hành thiền đoạn trừ lòng tham dục.
Du khách Nguyễn Thanh Thanh (Hà Nội) chia sẻ: Những ngày trên đất Hủa Phăn, mình thấy người dân nơi đây sống rất chậm rãi, thật thà, ứng xử lịch sự, thân thiện. Mình cũng có trải nghiệm đáng nhớ về không khí linh thiêng của buổi lễ Tak Bath. Mọi hoạt động diễn ra trong sự tĩnh lặng và tôn trọng hết mực. Các gia đình người Lào dậy sớm chuẩn bị thức ăn cho nhà sư và lặng lẽ chờ ở bên đường để cúng dường. Những vị sư với đôi chân trần đi từng bước từ tốn. Mình cũng như các du khách quan sát hoạt động từ xa, giữ khoảng cách phù hợp. Những người tham gia nghi lễ giữ lối ăn mặc kín đáo, không nói chuyện hoặc chạm vào các nhà sư. Qua đây giúp mình hiểu thêm về Phật giáo, cho mình góc nhìn về lòng khoan dung, tình yêu chúng sinh và sự chia sẻ.
Bùi Minh
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/220/197864/kham-pha-nghi-le-tak-ba-th-tren-dat-hua-phan.htm