Khám phá những ngôi đình cổ ở TPHCM trong dịp lễ 30-4

Khám phá những ngôi đình cổ ở TPHCM trong dịp lễ 30-4
2 ngày trướcBài gốc
Đình Khánh Hội, quận 4
Tọa lạc trên đường Nguyễn Tất Thành, đình Khánh Hội là điểm đến văn hóa nổi bật ở quận 4. Đình được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2006.
Ảnh: Thái Bảo
Tổng thể kiến trúc đình gồm chính điện và miếu Ngũ Hành, mái lợp ngói âm dương. Chính điện có hai tầng mái, gờ mái xuôi thẳng, trang trí tượng gốm men hình rồng. Mặt tiền kiểu tam quan, nổi bật với hàng chữ “Đình Khánh Hội, thành lập năm 1852, tái lập năm 1937” trên khuôn cửa giữa.
Không gian bên trong mang màu sắc rực rỡ, hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và nghệ thuật trang trí đặc trưng. Hằng năm, từ ngày 15 đến 17 tháng 2 Âm lịch, đình tổ chức lễ Kỳ Yên – dịp cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây cũng là lễ hội tiêu biểu, phản ánh nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của cư dân vùng đất phương Nam.
Đình An Nhơn, quận Gò Vấp
Đình thần An Nhơn tọa lạc tại 110/25 đường số 30, phường 6, quận Gò Vấp. Đình mang kiến trúc đình làng đặc trưng Nam Bộ, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18 và trùng tu qua ba giai đoạn: 1802, 1852 và đầu thế kỷ 20.
Ảnh: Phương Ly
Đây cũng là nơi thờ phụng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Đình An Nhơn được UBND TPHCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 2005.
Đình Xuân Hòa, quận 3
Ảnh: Thái Bảo
Đình Xuân Hòa tọa lạc tại số 129 Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2003.
Tiền điện của công trình được xây dựng theo kiểu nhà ba gian, gồm tường gạch, cột, kèo mái, đòn tay… mái lợp ngói âm dương. Chính điện được xây dựng theo kiểu tứ trụ, giống như kiến trúc của tòa nhà võ ca, với các cấu kiện gỗ như cột, kèo mái, xà, đòn tay…
Đình Bình Đông, quận 8
Nằm trên cù lao Bà Tàng (quận 8), ngay nhánh rẽ của dòng kênh Đôi, đình Bình Đông là công trình tín ngưỡng và văn hóa hơn 170 năm tuổi, mang đậm dấu ấn lịch sử của TPHCM.
Qua nhiều lần trùng tu, đến năm 1991, đình được xây dựng lại bằng bê tông cốt thép, song vẫn giữ nguyên kiến trúc tổng thể mang nét truyền thống.
Ảnh: Thái Bảo
Đình gồm nhiều khu vực thờ tự như võ ca, chánh điện ở trung tâm; hai bên là Đông lang, Tây lang; cạnh đó là nhà Nghĩa Từ. Chánh điện vẫn giữ những đặc trưng cổ truyền với gian thờ, hoành phi, câu đối… được sơn son thếp vàng, thể hiện sự trang nghiêm và linh thiêng. Các họa tiết chạm khắc hình rồng góp phần tôn lên vẻ uy nghiêm của công trình.
Trong khuôn viên đình còn có Nhà tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tạo thêm giá trị lịch sử cho di tích này. Năm 1997, đình Bình Đông được công nhận là di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia.
Đình Phong Phú, thành phố Thủ Đức
Đình Phong Phú, nằm trên con đường cùng tên tại phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức, là một di tích lịch sử cấp quốc gia, được công nhận vào năm 1993. Xây dựng từ cuối thế kỷ 19, đình mang nét đẹp cổ kính, hòa quyện với không gian thiên nhiên xung quanh.
Ảnh: Thái Bảo
Theo Trung tâm Văn hóa thành phố Thủ Đức, tại đây có một hầm bí mật trong vườn dùng để giấu cán bộ cách mạng. Trong thời kỳ chiến tranh, đình nhiều lần bị lực lượng Ngụy triều kiểm tra, thậm chí bắt giam Ban quý tế để tra khảo, nhưng các cụ vẫn kiên quyết không khai.
Trong thời kỳ chống Mỹ (1954 – 1975), đình Phong Phú là nơi tập trung quân đội, là chỗ dừng chân của cán bộ cách mạng vùng Thủ Đức, đồng thời là nguồn cung cấp tài chính, lương thực, thuốc men và dầu hôi cho cuộc kháng chiến.
Đình Thông Tây Hội, quận Gò Vấp
Được xây dựng từ khoảng năm 1698, đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp) được xem là ngôi đình cổ nhất tại TPHCM. Trải qua hơn ba thế kỷ, từ thuở những lưu dân đầu tiên đặt chân đến vùng Sài Gòn – Gia Định khai phá đất phương Nam.
Ảnh: Phương Ly
Nét độc đáo nhất trong kiến trúc của đình thể hiện ở phần chính điện – gồm hai tòa nhà kết nối theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”, mái ngói lợp chồng lớp tạo cảm giác vững chãi và cổ kính. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngôi đình đã được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ được tinh thần và dáng dấp của một ngôi đình cổ Nam Bộ.
Ngoài chính điện thờ Thành Hoàng – với hai vị thần Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương, là các hoàng tử con vua Lý Thái Tổ – đình còn có không gian thờ Bà Chúa Xứ cùng các vị Tiền hiền, Hậu hiền, Thần Nông, Bạch Mã Thái Giám… tạo nên tổng thể thờ tự phong phú và thiêng liêng.
Với những giá trị tiêu biểu về văn hóa và kiến trúc, đình Thông Tây Hội đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1998.
Đăng Huy
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị : https://sgtt.thesaigontimes.vn/kham-pha-nhung-ngoi-dinh-co-o-tphcm-trong-dip-le-30-4/