Khám phá tên lửa liên lục địa 'mạnh nhất thế giới' Hwasong-19 của Triều Tiên

Khám phá tên lửa liên lục địa 'mạnh nhất thế giới' Hwasong-19 của Triều Tiên
8 giờ trướcBài gốc
Tên lửa liên lục địa Hwasong-19 của Triều Tiên (Ảnh: Reddit).
Theo tiết lộ, tên lửa do Tổng cục Tên lửa Triều Tiên phóng từ bờ sông Taedong. Độ cao cực đại của tên lửa đạt 7.687,5 km, cự ly bay 1.001,2 km, thời gian bay 5.156 giây và cuối cùng đã hạ cánh chính xác xuống vùng biển mục tiêu đã định trước trên biển.
Triều Tiên tuyên bố rằng vụ phóng thử này đã cập nhật kỷ lục mới nhất về khả năng tên lửa chiến lược của nước này và thể hiện tính hiện đại cũng như độ tin cậy trong khả năng ngăn chặn chiến lược của Triều Tiên.
KCNA cũng đăng tải hình ảnh vụ phóng thử. Cũng chính bộ ảnh này cho phép người ta biết được nhiều chi tiết công nghệ của loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất Hwasong-19 mà Triều Tiên nói là “mạnh nhất thế giới” này.
Tên lửa Hwasong-19 nhìn từ phía sau (Ảnh: Reddit).
Thiết kế của Hwasong-19
Mặc dù hình dáng bên ngoài của Hwasong-19 có phần giống với tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 "Yars" của Nga, nhưng các chi tiết thiết kế của cả hai lại hoàn toàn khác nhau.
Đơn cử, thiết kế của nắp đậy ống phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa do Nga sản xuất thường sử dụng nắp đậy, trước khi tên lửa được nâng lên, trắc thủ trước tiên sẽ mở khóa và nắp đậy sẽ rơi xuống đất, sau đó tên lửa được dựng lên. Hwasong-19 lại sử dụng thiết kế tích hợp nắp đậy-thân xe nhất thể hóa. Nắp ống phóng có bản lề ở phía dưới và cố định với thân xe. Trước khi ống phóng được nâng lên, nắp được mở ra nhưng không rơi xuống đất mà vẫn được kết nối trên thân xe.
Ý đồ thiết kế này của Triều Tiên có thể để tiết kiệm tài nguyên hoặc để phục vụ tác chiến. Sau khi phóng, xe phóng có thể được ngụy trang như chưa phóng để đánh lừa thiết bị trinh sát hàng không vũ trụ của đối phương, khiến họ có thể đánh giá sai khả năng hạt nhân của Triều Tiên.
Khi tên lửa dựng lên để phóng, nắp đậy gắn với thân xe (Ảnh: KCNA).
Một ví dụ khác, xét từ thiết kế vỏ đuôi của thân tên lửa, sau khi tên lửa đạn đạo Hwasong-19 ra khỏi ống, nó không sử dụng vỏ đuôi nhẹ thường thấy ở tên lửa đạn đạo liên lục địa do Nga sản xuất, mà sử dụng ốp đuôi khá lớn. Tên lửa sau khi ra khỏi nòng, quá trình đánh lửa động cơ đẩy phía bên trên ốp đuôi bắt đầu, đẩy ốp đuôi văng sang một bên rồi đốt cháy động cơ chính.
Từ video của KCNA, phần đuôi của động cơ đẩy bên hông Hwasong-19 có ngọn lửa rất rõ ràng. Đồng thời, qua video vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 trước đó, có thể thấy cả Hwasong-18 và Hwasong-19 đều sử dụng tấm ốp đuôi rất dày.
Vỏ đuôi thân tên lửa này hoàn toàn khác với vỏ đuôi hạng nhẹ của các tên lửa đạn đạo liên lục địa RT-2UTTKh "Topol-M" và RS-24 "Yars" của Nga. Nó giống với vỏ đuôi của loại tên lửa hạng nặng R-36MU "Satan" nổi tiếng. Không rõ vì sao Triều Tiên lại từ bỏ loại vỏ đuôi nhẹ và sử dụng nắp đuôi lớn như vậy.
Khoảnh khắc tên lửa rời ống phóng bay lên.
Hwasong-18 và Hwasong-19
Vấn đề lớn nhất khiến người ta khó hiểu là tại sao hai loại tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 và Hwasong-19 lại đồng thời xuất hiện?
Khi Triều Tiên phóng thử nghiệm Hwasong-18 lần đầu tiên tháng 4/2023, giới quan sát đã đánh giá hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên về cơ bản đã được hoàn thiện. Cơ sở của nhận định này là tham chiếu hệ thống tên lửa của hai nước Trung Quốc và Nga.
Tên lửa liên lục địa Hwasong-17 (Ảnh: KCNA)
Tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất của Trung Quốc và Nga về cơ bản được chia thành các loại: loại thứ nhất là tên lửa thuốc phóng rắn di động, thứ hai là tên lửa nhiên liệu rắn phóng từ giếng (silo) và thứ ba là tên lửa nhiên liệu lỏng phóng từ giếng.
Loại đầu tiên tương ứng với DF-41 (Trung Quốc) và RS-24 "Yars" (Nga), loại thứ hai tương ứng với các mẫu phóng từ giếng của hai loại này và loại thứ ba tương ứng với DF-5B (Trung Quốc) và R-36M/M2 (Nga). Ba loại tên lửa đạn đạo liên lục địa có phương thức triển khai và nhiệm vụ khác nhau.
Phóng thử nghiệm tên lửa Hwasong-17.
Đối với Triều Tiên, về mặt lý thuyết, Hwasong-17 có thể tương đương với loại tên lửa nhiên liệu lỏng hạng nặng của Trung Quốc và Nga, nhưng Triều Tiên dường như chưa làm chủ được công nghệ phóng từ silo.
Phương pháp phóng mà Hwasong-17 sử dụng là triển khai tương đối thô sơ, chạy nhanh đến bãi phóng và dựng lên phóng. Đối với loại tên lửa nhiên liệu lỏng, phương pháp phóng này vốn đã ít thấy.
Tên lửa Hwasong-18 có thể tương ứng với các loại tên lửa nhiên liệu rắn phổ thông của Trung Quốc và Nga. Nói đơn giản, nó tương đương với RS-24 "Yars" và DF-41. Nó có thể sử dụng chế độ phóng từ xe phóng di động hoặc chế độ phóng từ silo, được coi là "xương sống" của lực lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa của một quốc gia.
Về tầm bắn của Hwasong-18, vụ phóng vào tháng 4/2023 đã đạt quỹ đạo đạn cao gần 6.000 km, nghĩa là tầm bắn tối đa của nó là hơn 12.000 km. Dựa trên điều này, giới quan sát cho rằng tính năng của Hwasong-18 rất tốt và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu công nghệ tương ứng. Bước tiếp theo là mở rộng phương thức phóng.
Tên lửa Hwasong-18.
Hwasong-19 có tầm bắn cực tốt. Đánh giá từ độ cao tối đa hơn 7.000 km, tầm bắn tối đa của nó có thể đạt tới hơn 15.000 km. Khi phóng từ phía Triều Tiên, nó không chỉ bay tới khắp lục địa Mỹ, mà còn có thể bay tới Nam Mỹ.
Tuy nhiên, để có được tính năng dư thừa này, Hwasong-19 đã phải "trả giá" không nhỏ. Xe phóng 11 trục (TEL) của nó hoàn toàn giống với Hwasong-17. Người ta ước tính rằng nó đã được sử dụng sau khi có một số cải tiến kỹ thuật nhất định.
Tương ứng, phương pháp triển khai của nó rất có thể giống với Hwasong-17. Nó hoàn toàn không thể cơ động trên đường và chỉ có thể ở trong hang động hoặc phóng từ bãi cố định. Khả năng cơ động và khả năng sống sót của nó cũng chưa được cải thiện đáng kể so với Hwasong-18.
Tên lửa Hwasong đang lên độ cao hơn 7.000km.
Vị trí của Hwasong-19 là gì?
Mục đích nghiên cứu và phát triển ban đầu của Hwasong-19 cũng như vị trí của nó trong hệ thống thiết bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên có một số khả năng.
Thứ nhất, Hwasong-19 có thể thay thế Hwasong-17. Triều Tiên cho rằng Hwasong-17, với tư cách là tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu lỏng, có thể vẫn chưa đạt yêu cầu về tốc độ phản ứng phóng, vì vậy cần thiết phải được thay thế bằng loại thuốc phóng rắn để nâng cao khả năng sống sót.
Thứ hai, Triều Tiên thực sự muốn có được một đầu đạn hạng nặng cỡ 10 megaton. Nếu không có khả năng thu nhỏ đầu đạn thì với loại đầu đạn này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm bắn của Hwasong-18. Vì vậy, chỉ có thể làm Hwasong-19 để mang nó.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát kho chứa tên lửa liên lục địa.
Thứ ba, tính năng của tên lửa Hwasong-18 vẫn chưa ổn, bởi vậy mới cần phải phát triển thêm loại Hwasong-19 lớn hơn. Nhưng ít nhất cho đến nay, người ta vẫn chưa thấy bằng chứng thuyết phục nào cho thấy có sai sót lớn trong trọng lượng ném của Hwasong-18.
Tóm lại, tên lửa đạn đạo liên lục địa “mạnh nhất thế giới” Hwasong-19 của Triều Tiên vẫn là một vũ khí có phần mù mờ, ý đồ nghiên cứu phát triển cũng như vị trí trang bị, nhiệm vụ đảm nhận cũng không rõ ràng, cần phải có thêm thông tin mới có thể hiểu rõ được tình hình của loại tên lửa liên lục địa này.
Theo QQnews, China.com
Thu Thủy
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/kham-pha-ten-lua-lien-luc-dia-manh-nhat-the-gioi-hwasong-19-cua-trieu-tien-post179809.html