Với sự tham gia của 16 nhà sưu tập từ nhiều tỉnh thành, trưng bày quy tụ gần 150 cổ vật đặc sắc có nguồn gốc từ Việt Nam, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Nổi bật nhất là bộ sưu tập gốm sứ Việt Nam trải dài từ thời Trần, Lê đến triều Nguyễn, có niên đại từ thế kỷ 13 đến nửa đầu thế kỷ 20. Những món cổ vật này không chỉ thể hiện kỹ thuật chế tác tinh xảo mà còn kể câu chuyện về sự giao thoa văn hóa, những giá trị truyền thống vượt thời gian được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Không gian trưng bày tái hiện sống động khung cảnh Tết xưa của người Nam Bộ. Du khách có thể chiêm ngưỡng bàn thờ gia tiên trang nghiêm với hoành phi, câu đối và mâm ngũ quả rực rỡ sắc màu. Từng món đồ thờ cúng hay những bình gốm sứ thủ công đều được ví như các “nhân chứng” lịch sử đang thì thầm về ký ức mùa xuân, về niềm hy vọng và triết lý nhân sinh.
Theo ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Giám đốc chuyên môn Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, mỗi họa tiết trên cổ vật như hoa mai, hoa đào hay chim hạc đều mang ý nghĩa biểu trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc. “Thông qua chuyên đề, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến công chúng giá trị văn hóa sâu sắc, đồng thời gửi gắm thông điệp về một năm mới an khang và bình an.”
Không dừng lại ở những món đồ gốm, triển lãm còn đem đến bộ sưu tập trang phục và trang sức đi kèm của phụ nữ Việt trong ngày Tết. Những chiếc áo dài nền nã, khăn vấn tinh tế và phụ kiện lộng lẫy gợi lại hình ảnh thanh lịch của phụ nữ xưa, đồng thời khẳng định sức sống bền bỉ của di sản văn hóa.
Trưng bày “Cổ vật kể chuyện Xuân” sẽ mở cửa đến hết ngày 10/3/2025, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Với những giá trị văn hóa và nghệ thuật phong phú, chuyên đề không chỉ là dịp để thưởng thức vẻ đẹp cổ xưa mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ trân trọng và tiếp nối truyền thống văn hóa giàu bản sắc của dân tộc.
Thạch An