Bộ phim được thực hiện bởi các bạn thanh thiếu niên người Việt và gốc Việt từ 13 đến 17 tuổi.
Đây là sự kiện đặc biệt nằm trong khuôn khổ lần thứ ba tại thành phố Lorient để quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp, thuộc dự án cộng đồng và giao lưu văn hóa quốc tế Toucher Arts (Điểm chạm Nghệ thuật), được tổ chức bởi Hiệp hội Art Space, kết hợp với Hiệp hội Vietnam Bretagne Sud, hiệp hội APPEL LORIENT và Tòa thị chính thành phố Lorient.
Được công chiếu tại rạp chiếu phim Lutetia ở thành phố Saint Herblain thuộc vùng Pays de la Loire và rạp Cineville tại thành phố Lorient thuộc vùng Bretagne, bộ phim đã thu hút rất đông khán giả. Phòng chiếu phim không còn một chỗ trống, cho thấy sự quan tâm rất lớn của khán giả về sức sống mãnh liệt của làng nghề truyền thống Việt Nam.
Quảng bá văn hóa theo cách của những người trẻ
“Những bàn tay giữ lửa truyền thống” được thực hiện bởi các bạn trẻ tài năng người Việt sống ở nhiều quốc gia, thuộc dự án Toucher Arts. Bộ phim theo dấu hành trình qua năm làng nghề thủ công tiêu biểu của Việt Nam: nón lá làng Chuông, gốm sứ của Bát Tràng, quạt giấy của Chàng Sơn, chuồn chuồn tre Thạch Xá, và tranh dân gian Đông Hồ.
Trong đó, những câu chuyện về lịch sử làng nghề, mối duyên gắn bó và sự tâm huyết với nghề, hay cả những thăng trầm mà các nghệ nhân phải đối mặt trong thời đại công nghệ số… đều được kể lại qua góc nhìn đa chiều và sáng tạo của các nhà làm phim trẻ. Bộ phim đã khắc họa rõ nét sợi dây liên kết giữa nhiều thế hệ nghệ nhân, với di sản văn hóa và truyền thống.
Khán giả Pháp ngồi kín khán phòng trong buổi công chiếu phim.
Điều đặc biệt là tất cả các khâu thực hiện và sản xuất của bộ phim “Những bàn tay giữ lửa truyền thống” đều được thực hiện bởi các bạn thanh thiếu niên người Việt và gốc Việt, ở lứa tuổi 13 đến 17, sống ở Pháp, Australia và Việt Nam. Từ việc lên ý tưởng kịch bản, tiền trạm, quay phim, phỏng vấn nhân vật cho đến công đoạn làm phụ đề, phiên dịch… đều do các em thực hiện với sự quyết tâm, đam mê và nỗ lực được kể câu chuyện về những di sản văn hóa quê hương ra thế giới.
Bà Francoise Giroud, sống tại Lorient nói về bộ phim sau khi xem xong: "Tôi đến đây vì muốn được tìm hiểu về đất nước Việt Nam của các bạn thông qua bộ phim này. Tôi rất ngạc nhiên trước tài năng của đoàn làm phim. Đây là một bộ phim tuyệt vời và tôi hi vọng sẽ được thấy thêm nhiều bộ phim của các bạn trong tương lai".
Ông Guy Gazan, Phó Thị trưởng thành phố Lorient nhận xét: "Bộ phim có chất lượng nghệ thuật rất cao. Các hình ảnh được chọn lọc kỹ lưỡng, góc quay và ánh sáng được sắp đặt rất tốt. Qua bộ phim này, tôi đã biết thêm được rất nhiều kiến thức mới mẻ về các làng nghề thủ công Việt Nam và điều đó khiến tôi muốn được tới Việt Nam để tự mình trải nghiệm những điều thú vị này".
Từ màn ảnh rộng đến trải nghiệm chân thực
Song song với buổi chiếu phim, khán giả Pháp cũng có thể trải nghiệm các làng nghề thủ công được minh họa trong phim thông qua các workshop hoàn toàn miễn phí, tại sự kiện triển lãm “Rực rỡ Việt Nam” ở Trung tâm hội nghị Quốc gia thành phố Lorient trong khuôn khổ Festival Vietnam vào ngày 5/7.
Năm làng nghề, năm câu chuyện riêng biệt, nhưng tất cả đều chung một nỗ lực để chứng minh sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống. Hành trình của "Những bàn tay giữ lửa truyền thống" không còn là câu chuyện của riêng những nghệ nhân đã dành cả cuộc đời cho làng nghề.
Đó là điểm giao thoa thế hệ đầy ý nghĩa, nơi có sự đồng hành của những người trẻ với tình yêu văn hóa dân tộc và khát vọng mãnh liệt. Họ chính là những nhà làm phim trẻ tuổi, đã trở thành cầu nối, dùng ngôn ngữ điện ảnh đương đại để kể lại câu chuyện về di sản và lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Poster phim “Những bàn tay giữ lửa truyền thống”.
Em Nghiêm Phạm Phúc Anh, sinh viên đại học VinUni, thành viên đoàn làm phim, cho biết: Em rất tự hào vì đã 2 năm liên tiếp bộ phim mà mình tham gia quay đều được chiếu trên màn ảnh rộng ở nhiều thành phố ở Pháp. Rất nhiều khán giả sau khi xem xong bộ phim đã nói với em rằng họ mong muốn được tới Việt Nam để tự mình trải nghiệm những gì được kể trong bộ phim. Em cảm thấy vô cùng tự hào vì đã góp một phần nhỏ đưa những nét đẹp của văn hóa Việt tới bạn bè Pháp và quốc tế.
Những người đến tham gia đều có thể tự mình tạo ra những món đồ như quạt giấy, tranh Đông Hồ, chuồn chuồn tre…, qua đó hiểu rõ hơn về các công đoạn sáng tạo sản phẩm thủ công Việt và các giá trị văn hóa của chúng.
Bà Sarah Ea, sống tại Saint Herblain cho biết: “Tôi thật sự rất thích bộ phim này, đặc biệt là phần nói về làng nghề làm quạt. Những bức tranh Đông Hồ cũng rất đẹp. Với tôi bộ phim vô cùng thú vị vì nó nói về những điều tôi chưa bao giờ biết”.
Thị trường thành phố Lorient (đứng thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh cùng ban tổ chức và khách mời là Hoa hậu Áo dài phu nhân toàn châu Âu Đào Kim Thư (đứng thứ 2 từ phải sang).
Ông Fabrice Loher, Thị trưởng thành phố Lorient, phát biểu sau khi xem xong bộ phim: Bộ phim của các bạn rất tuyệt vời, khiến tôi có cái nhìn mới về đất nước Việt Nam. Trong khi các thành phố lớn của Việt Nam đang tiến tới toàn cầu hóa và hiện đại hóa, thì việc lưu giữ những giá trị truyền thống vẫn cần phải được đề cao.
Bộ phim “Những bàn tay giữ lửa truyền thống” đã giúp công chúng tại Pháp thấu hiểu hơn về các làng nghề truyền thống Việt Nam. Theo Thị trưởng Fabrice Loher, những nỗ lực mà các bạn trẻ đã bỏ ra để lưu giữ và phát triển những làng nghề truyền thống thông qua bộ phim này rất có ý nghĩa vì văn hóa chính là cánh cửa quan trọng để mở ra thế giới.
KHẢI HOÀN - MINH DUY Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp