Khan hiếm máu, thêm gánh nặng

Khan hiếm máu, thêm gánh nặng
11 giờ trướcBài gốc
Một bệnh nhân tan máu bẩm sinh cần được truyền 3-4 đơn vị máu, nhưng hiện mới được truyền 1 đơn vị nên thời gian nằm viện kéo dài để đợi người nhà cho máu.
Cung không đủ cầu
Tại Bệnh viện A Thái Nguyên - một trong những đơn vị điều trị tuyến tỉnh, trung bình mỗi ngày cần từ 30-50 đơn vị máu để phục vụ bệnh nhân. Thế nhưng, khoảng gần một tháng trở lại đây, lượng máu được cung cấp chỉ dao động từ 10-12 đơn vị/ngày (chủ yếu là của người nhà bệnh nhân).
Bác sĩ CKI Đỗ Thái Phượng, Phó Khoa Huyết học và Truyền máu, cho biết: Nguồn máu chủ yếu mà Bệnh viện lấy từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Trước đây, mỗi lần đi lấy máu ở Hà Nội, chúng tôi thường mang về 70-100 đơn vị, nhưng lần gần nhất chỉ nhận được 2 đơn vị.
Do lượng máu khan hiếm, hiện chỉ những ca cấp cứu mới được ưu tiên truyền máu, nhưng ngay sau đó, người nhà bệnh nhân sẽ phải tham gia hiến máu để bù lại. Nếu không, việc điều trị của Bệnh viện sẽ gặp trở ngại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu máu trầm trọng. Trước hết là do sinh viên - lực lượng hiến máu chính đang trong kỳ nghỉ hè. Cùng với đó, quá trình sáp nhập, sắp xếp lại bộ máy hành chính khiến ban chỉ đạo hiến máu cấp huyện không còn hoạt động, trong khi cấp xã chưa kịp thành lập các ban vận động thay thế. Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, sức khỏe của người dân có phần suy giảm cũng ảnh hưởng đáng kể đến số lượng người tình nguyện hiến máu.
Trung bình mỗi ngày, tại Bệnh viện A Thái Nguyên có khoảng 20-30 người nhà bệnh nhân đến làm các xét nghiệm định nhóm máu để tham gia hiến máu.
Người bệnh thêm gánh nặng
Chị La Thị Tiền, ở xã Định Hóa, có con bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) hơn 17 năm nay. Những năm gần đây, tháng nào con chị cũng phải đến bệnh viện truyền từ 2-3, thậm chí là 4 đơn vị máu. Lần này, do không có máu truyền nên sau khi chị hiến được 1 đơn vị máu, con chị mới được truyền 1 đơn vị đó.
Do lượng máu truyền chưa đủ nên mặc dù đã nhập viện được 5 ngày, nhưng cháu vẫn khá mệt. Chồng chị và người nhà đã được huy động về Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (đơn vị y tế duy nhất trên địa bàn được phép tiếp nhận nguồn máu hiến, sau đó tiến hành sàng lọc, sản xuất máu) để hiến máu. Dù biết máu từ người mang gen bệnh không tốt bằng người khỏe mạnh, nhưng có máu để truyền trong lúc này là điều quan trọng nhất, chị La Thị Tiền chia sẻ.
Câu chuyện của chị Nông Thị Thu (Cao Bằng) cũng phần nào phản ánh sự bị động và áp lực mà gia đình người bệnh phải gánh chịu. Trong quá trình phẫu thuật, mẹ chị cần truyền máu cấp cứu và đã được bệnh viện đáp ứng ngay 2 đơn vị máu để vượt qua nguy hiểm.
Tuy nhiên, ngay sau đó, gia đình phải cấp tốc huy động người thân đến hiến máu bù. Vì thế, người nhà của chị đã phải từ Cao Bằng thuê xe riêng đi trong ngày (hơn 200km), tốn 3 triệu đồng, chưa kể chi phí ăn uống và xét nghiệm. Đó thực sự là gánh nặng đối với gia đình người bệnh.
Đối với những bệnh nhân không thuộc trường hợp cấp cứu thì chỉ khi được người nhà cho máu mới có máu để truyền.
Với chị Trần Thị Hạnh ở xã Phú Lương, con gái 10 tháng tuổi vừa được phát hiện bị bệnh tan máu bẩm sinh là cú sốc lớn. Dù được khuyến cáo nhập viện ngay, nhưng do không thuộc diện cấp cứu, con chị vẫn phải đợi người nhà hiến máu thì mới có thể điều trị. Vì thế, dù đã đưa con đến bệnh viện tỉnh, chị vẫn phải đưa con về nhà và nhờ bác của cháu thực hiện thủ tục hiến máu, để sau đó mới nhập viện.
Không chỉ bệnh nhân và thân nhân gặp khó, các bác sĩ cũng rất vất vả trong việc giải thích, hướng dẫn, có khi còn phải đi vận động người thân, người quen hiến thay nếu người nhà không đáp ứng được yêu cầu. Nhiều trường hợp cấp cứu được truyền máu khẩn cấp, sau đó không thể hoàn trả, khiến áp lực thiếu máu thêm kéo dài.
Cần sớm hành động vì người bệnh
Tình trạng thiếu máu không chỉ là vấn đề của riêng ở Thái Nguyên mà đang diễn ra trên phạm vi cả nước. Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trong 2 tháng 7-8/2025, khu vực phía Bắc cần khoảng 90.000 đơn vị máu, trong đó riêng nhóm máu O cần tới 15.000 đơn vị. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu khoảng 30.000 đơn vị máu cần được bổ sung.
Thái Nguyên là một trong những địa phương có số lượng lớn bệnh nhân mắc các bệnh lý huyết học, đặc biệt là tan máu bẩm sinh - căn bệnh cần truyền máu định kỳ suốt đời. Nếu không có nguồn máu ổn định, người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng trì hoãn điều trị, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống, thậm chí là tính mạng.
Hiện nay, một số hội nhóm thiện nguyện, tổ hiến máu tình nguyện tại các bệnh viện vẫn đang hỗ trợ kịp thời cho một số trường hợp, song số lượng người tham gia có hạn. Trong khi đó, nếu có sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền cấp cơ sở - nơi gần dân nhất, hiệu quả vận động hiến máu sẽ cao hơn, chủ động hơn và bền vững hơn.
Bác sĩ Khoa Huyết học và Truyền máu Bệnh viện A thực hiện kỹ thuật định nhóm máu.
Thiếu máu không chỉ là vấn đề của ngành Y tế mà còn là vấn đề xã hội. Thiếu máu ảnh hưởng đến bệnh nhân mạn tính, đặc biệt nghiêm trọng đối với các trường hợp cấp cứu, bất ngờ như đang phẫu thuật, tai nạn (vỡ tạng, chấn thương nặng...), bệnh lý sản khoa (chửa ngoài tử cung vỡ, rau tiền đạo chảy máu ồ ạt…). Mỗi đơn vị máu không chỉ mang tới cơ hội sống cho một người mà còn là niềm hy vọng của cả một gia đình.
Hơn lúc nào hết, chính quyền các xã, phường cần sớm thành lập các ban vận động hiến máu và triển khai hoạt động một cách bài bản. Cùng với đó, cần khơi dậy tinh thần nhân ái, sẻ chia trong cộng đồng, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên - những người luôn xung kích trong các hoạt động thiện nguyện.
Thu Hằng
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/khan-hiem-mau-them-ganh-nang-0051f07/