Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, sau 3 ngày được ê kíp phẫu thuật thuộc các khoa Gây mê hồi sức; Trung tâm Huyết học - Truyền máu; Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mỹ khâu nối hai bàn tay bị chém đứt rời cùng nhiều vết thương phức tạp bằng phương pháp vi phẫu, sức khỏe của nam TikToker tên N.H (35 tuổi, ở Thái Nguyên) đã ổn định, hai bàn tay hồi lưu máu tốt, ngọn chi hồng hào, đã vận động nhẹ được các đầu ngón tay.
Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật (Ảnh: BVCC)
Trước đó ngày 11/7, bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, cổ tay phải bị chém gần như đứt hoàn toàn, bàn tay mất cấp máu; tay trái tổn thương sâu qua kẽ ngón 4 - 5, kèm theo vết rách vùng khoeo chân phải làm liệt vận động bàn chân.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ Khoa Cấp cứu và thực hiện hội chẩn liên chuyên khoa, bệnh nhân H. ngay lập tức được chỉ định mổ cấp cứu.
Qua 6 giờ đồng hồ phẫu thuật xuyên đêm, bằng chuyên môn và kinh nghiệm, kíp phẫu thuật đã thực hiện nhiều kỹ thuật vi phẫu chính xác, khẩn trương để nối lại xương cổ tay, khâu nối 22 gân, thần kinh trụ, thần kinh giữa, nhánh cảm giác thần kinh quay.
Bàn tay trái của bệnh nhân sau phẫu thuật ngày thứ 3 (Ảnh: BVCC)
Đồng thời phục hồi tuần hoàn bằng cách nối hai động mạch (quay, trụ) và bốn tĩnh mạch để tái lập hồi lưu máu. Tay trái được xử trí nối xương, gân, thần kinh và mạch máu, giữ lại ngón 5 trước nguy cơ hoại tử. Tổn thương vùng khoeo chân được khâu phục hồi và đánh dấu thần kinh để thực hiện nối ở thì hai.
Sau phẫu thuật 1 ngày, toàn trạng người bệnh tốt, tuần hoàn hai tay ổn và đã có phản ứng nhúc nhích các ngón tay. Dự kiến sau 10 ngày khi toàn trạng và hai bàn tay ổn định, người bệnh sẽ được nối lại dây thần kinh vùng khoeo chân đã được đánh dấu để phục hồi cảm giác và chức năng vận động của cẳng bàn chân.
Cổ bàn tay phải bệnh nhân sau phẫu thuật ngày thứ 3 (Ảnh: BVCC).
Theo các bác sĩ, vi phẫu là một kỹ thuật khó, phức tạp, đòi hỏi người bác sĩ phải có chuyên môn tay nghề cao, kinh nghiệm và sự tỉ mỉ. Kỹ thuật này đã được các bác sỹ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên làm chủ, trở thành kỹ thuật thường quy, giúp nhiều người bệnh được cứu sống, tìm lại cảm giác và vận động sau đứt/gãy rời chi thể.
Điển hình là những ca bệnh như: cứu sống đôi bàn tay bị máy cắt đứt rời cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam (17 tháng tuổi), vạt da tạo hình đỉnh đầu cho người bệnh bị ung thư biểu mô vẩy…
Nam Anh