Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường vụ cháy chùa Làng Vẽ.
Đầu giờ chiều 10/2, cán bộ chuyên môn của Bộ Công an cùng lực lượng công an tỉnh Bắc Giang đã có mặt tại hiện trường khẩn trương vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ cháy, thống kê thiệt hại, khắc phục hậu quả và đưa ra cảnh báo đối với các điểm di tích trên địa bàn toàn tỉnh bởi hiện đang là cao điểm mùa lễ hội.
Theo đó 1 giờ 15 phút sáng 10/2 lực lượng công an tỉnh Bắc Giang nhận được tin báo cháy chùa Vẽ. Lập tức 6 xe chữa cháy với hơn 30 cán bộ chữa cháy chuyên nghiệp có mặt tại hiện trường. Chỉ sau hơn 30 phút đám cháy đã được cơ bản khống chế.
Tuy nhiên khi lực lượng chữa cháy đến hiện trường, thì lửa đã bốc cao trên 5 gian Tam bảo của chùa Vẽ.
Được khống chế kịp thời ngọn lửa đã không lan rộng sang các khu vực khác, nhất là nhà Tổ, nhà Mẫu, hai dãy hành lang trưng bày các tượng La hán và dãy nhà khách lân cận, nơi có sư trụ trì và các phật tử đang ngủ, do vậy vụ cháy đã không có thiệt hại về người.
Nhận được tin cháy, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cùng các đồng chí là lãnh đạo thành phố Bắc Giang đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, khắc phục thiệt hại một cách tối đa.
Tam bảo chùa Làng Vẽ trước khi bị hỏa hoạn.
Theo thống kê ban đầu tòa Tam bảo bao gồm 5 gian 2 chái tòa Tiền đường và 3 gian Thượng điện với tổng diện tích 263m2 đã bị cháy. Cùng với đó là 25 pho tượng và hiện vật là 8 bức hoành phi, 5 đôi câu đối, một số cửa võng, hương án… đều bị cháy. Các hạng mục liền kề gồm hai dãy hành lang, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách được bảo vệ an toàn.
Ngay sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Giang đã ban hành công văn chỉ đạo các lực lượng chức năng làm rõ nguyên nhân vụ cháy. Yêu cầu các địa phương, các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát, tăng cường tối đa công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn, nhất là thời gian cao điểm đầu xuân đang diễn ra nhiều lễ hội.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã ban hành hai công văn chỉ đạo gửi Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Giang, Bảo tàng tỉnh đề nghị báo cáo về vụ cháy và tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho di tích chùa Làng Vẽ.
Để kịp thời có phương án bảo đảm an toàn cho di tích, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Giang và các cơ quan có liên quan bố trí lực lượng công an, dân quân tự vệ địa phương phong tỏa, bảo vệ hiện trường, không cho người không có phận sự ra vào.
Các lực lượng tại chỗ triển khai ngay phương án bao che toàn bộ khu vực xảy ra hỏa hoạn, bảo đảm phục vụ công tác điều tra của lực lượng chức năng, đề ra biện pháp xử lý, khắc phục; tăng cường tuyên truyền, thông tin kịp thời, chính xác vụ việc, ổn định tình hình, an ninh trật tự trên địa bàn; khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại do vụ cháy gây ra để sớm đề xuất phương án tu bổ, tôn tạo chùa Làng Vẽ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhân dân.
Để chủ động phòng ngừa, không để xảy ra các vụ cháy tương tự như ở chùa làng Vẽ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản số 664/UBND-NC ngày 10/2/2025 gửi Công an tỉnh, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và thờ tự với các biện pháp cụ thể, quyết liệt để triển khai thực hiện trong toàn tỉnh.
Chùa Làng Vẽ tọa lạc bên cạnh hai ngôi đình là đình Cả và đình Chung tạo nét cổ kính ở trung tâm làng Vẽ nhìn về hướng nam. Trong tâm trí của các cụ cao niên địa phương, chùa Vẽ xưa cổ kính to đẹp, nhất là từ khi sư Tổ Giáp Linh về đây trụ trì đã cùng nhân dân địa phương cho tu sửa chùa, tạc tượng, đúc chuông.
Kiến trúc chùa khi đó kiểu “nội công, ngoại quốc” gồm đủ các hạng mục công trình: Tam quan, khuôn viên sân vườn, tòa Tam bảo, hai dãy hành lang, nhà Chung kiểu chồng diêm. Phía sau Hậu đường là nhà thờ Tổ 5 gian, cạnh có nhà Trai, nhà in Kinh, nhà Tạo soạn, nhà Khách và bên dưới là điện thờ Mẫu.
Tam bảo chùa Làng Vẽ sau vụ hỏa hoạn.
Qua nhiều lần tu sửa, hiện nay, chùa làng Vẽ cơ bản được hoàn nguyên đúng với nét kiến trúc ban đầu. Toàn bộ công trình rộng hơn 5 nghìn m2, tòa Tiền đường có 5 gian 2 chái với 4 mái lợp ngói mũi. Bộ khung vì mái liên kết bằng gỗ chắc chắn, các vì nóc được gắn kết theo kiểu thượng con chồng, giá chiêng hạ kẻ chuyền.
Trên các cấu kiện gỗ chạm khắc hình vân mây, lá lật, bức cốn hậu sát Thượng điện chạm phù điêu tứ linh (long, ly, quy, phượng) thoáng đạt mà dung dị, thể hiện sự bao dung, đại độ của cửa Phật với thập phương minh chứng.
Chùa Vẽ còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị, tiêu biểu nhất là hệ thống tượng Phật cổ. Mỗi pho tượng đều được tạc quy chuẩn, tinh tế, sơn thếp đẹp màu mận chín, xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo ở thời Lê. Các tài liệu, hiện vật khác như bát hương, mõ gỗ, nhang án thời Nguyễn (thế kỷ XIX), chuông đồng thời Tây Sơn và đặc biệt là cây hương đá thời Lê niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1720)… có giá trị lịch sử văn hóa và giá trị nghiên cứu khoa học.
Năm 2018, khi tu sửa chùa Vẽ, người dân địa phương đã phát hiện 3 bệ chân tảng đá hoa sen mang phong cách thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) dưới phần nền ngôi Tam bảo. Điều đó cho thấy ngôi chùa có thể có gốc tích được xây dựng lần đầu từ thời Trần.
Hằng năm, lễ hội chùa Vẽ tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian như trò kéo chữ Hán “Thiên Hạ Thái Bình” hoặc “Toàn dân khai hội”…
Đình và chùa Vẽ được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 12/2/1994.
ĐẶNG GIANG