Phụ gia tràn lên mặt đất trong quá trình khoan hầm
Trước đó, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thông tin khoảng 16h chiều ngày 20/2, trong quá trình khoan hầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội đã xảy ra sự cố bùn cùng với chất phụ gia đã tràn lên trên mặt đất ngõ 7, Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội) khiến cho việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng tại .
Theo đó, ngay khi chất phụ gia cùng với bùn trào lên mặt đất, đơn vị thi công cùng với người dân đã kịp thời phát hiện và tiến hành phối hợp khắc phục sự cố. Hàng trăm công nhân, kỹ sư và máy móc đã được huy động, khẩn trương dọn dẹp bùn đất.
Hình ảnh phụ gia tràn lên mặt đất trong quá trình khoan hầm đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Lê Khánh.
Đến 20h cùng ngày (20/2), ngõ 7, đường Giang Văn Minh đã được dọn dẹp sạch sẽ, cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Tuy nhiên, những bọt khí tại vị trí này vẫn đang được đẩy lên từ dưới đất, nhà thầu đã cắt cử công nhân, kỹ sư giám sát 24/24 tại đây để kịp thời xử lý những phát sinh.
Ông Salvatore La Valle, Trưởng nhóm kỹ sư TBM, liên danh nhà thầu Hyundai & Ghella trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết. Ảnh:Lê Khánh.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết ngày 21/2, ông Salvatore La Valle, Trưởng nhóm kỹ sư TBM, liên danh nhà thầu Hyundai & Ghella cho biết, trước khi thực hiện khoan hầm, nhà thầu đã tiến hành khảo sát tất cả các khu vực đường hầm đi qua tiến hành tính toán áp lực khi khoan hầm qua được an toàn nhất. Nhà thầu cũng đã có kế hoạch dự phòng cho các tình huống bất khả kháng hoặc bất thường xảy ra và thực hiện theo tất cả các kế hoạch dự phòng này.
"Đây là một sự cố kỹ thuật mà chúng tôi đã từng gặp phải khi vận hành máy khoan hầm đường sắt đô thị. Ngay sau khi phát hiện, chúng tôi cùng với chủ đầu tư đã phối hợp khẩn trương xử lý sự cố này", ông Salvatore La Valle, Trưởng nhóm kỹ sư TBM nói.
Theo ông Salvatore La Valle, chủ đầu tư và chính quyền địa phương cũng đã tiến hành khảo sát trực tiếp với các hộ gia đình có nhà, công trình dọc theo tuyến hầm để ghi nhận các kết cấu ngầm ở phía dưới để nhà thầu có thể dự đoán những khu vực có thể xảy ra sự cố. Dựa trên các kết quả khảo sát đó, nhà thầu cũng đưa vào trong kế hoạch, quy trình quản lý rủi ro.
Xin lỗi người dân và sẽ nhanh chóng khắc phục
Ông Sergei Papin, Trưởng kỹ sư hầm (tư vấn Systra) cho biết: "Đối với việc, phun trào bùn đất trong quá trình khoan, trước đây, chúng tôi cũng đã từng gặp phải và xử lý. Nguyên nhân là do dưới lòng đất còn tồn tại giếng nước hoặc cống thoát nước cũ, đã tạo thành đường đi cho phụ gia khoan hầm trào lên mặt đất. Trong quá trình khảo sát, người dân không biết để thông báo tới đơn vị khoan hầm do những đường ống, giếng nước này đã không còn được sử dụng từ lâu nhưng không được lấp lại".
Ông Sergei Papin, Trưởng kỹ sư hầm (tư vấn Systra) dự án Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Lê Khánh.
Theo ông Sergei Papin, Trưởng kỹ sư hầm, khi thi công trong lòng đất, luôn tồn tại những sự cố mà không thể nhận biết trước được. Tư vấn cũng có kiến nghị đối với người dân sinh sống dọc theo tuyến hầm có những thông tin tới đoàn khảo sát về những công trình đi ngầm mà mình nắm được, để nhà thầu có những biện pháp ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra.
"Việc phun trào đất bùn sẽ không làm ảnh hưởng đến nhà dân và các công trình bên trên. Việc phun trào sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh trên bề mặt, tuy nhiên tất cả các chất này đều an toàn với môi trường nên có thể dễ dàng tẩy rửa sạch sẽ. Việc phun trào cũng không làm ảnh hưởng đến biện pháp thi công cũng như tiến độ của dự án", ông Sergei Papin khẳng định.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội. Ảnh: Lê Khánh.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi rất mong người dân thông cảm và chia sẻ về sự cố đáng tiếc mới xảy ra. Việc các chất phụ gia trong quá trình khoan hầm phun trào cũng đã ảnh hưởng đến phần nào cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định sự việc này không gây tổn thất về các công trình bên trên cũng như đường hầm".
"Trong quá trình khoan hầm, xảy ra sự cố là rất khó tránh khỏi. Do đó, về phía chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu và tư vấn tuân thủ chặt chẽ các quy trình của dự án đã được duyệt. Đặc biệt, trước khi khoan hầm phải lập các báo cáo khảo sát rất chi tiết. Đồng thời, xây dựng các kịch bản ứng phó khi có tình huống xảy ra để có thể áp dụng ngay lập tức. Do đó, sự việc xảy ra ngày hôm qua cũng đã được thực hiện theo đúng kịch bản
Theo như kế hoạch, dự kiến đến hết ngày 21/2 sẽ không còn tình trạng phun trào bọt khí lên trên mặt đất. Quá trình khoan hầm đến nay đã đạt 1.200m và được thực hiện rất an toàn. Toàn bộ hai ống hầm sẽ hoàn thành trong năm 2025 theo đúng kế hoạch. Hiện tại các dữ liệu về đo đạc, độ lún, độ nghiêng của các công trình trên tuyến hầm cho đến nay đều nằm trong ngưỡng cho phép", ông Nguyễn Bá Sơn nói.
Lê Khánh