Khẩn trương nâng cấp đê biển Đông

Khẩn trương nâng cấp đê biển Đông
12 giờ trướcBài gốc
Chính vì vậy, công tác nâng cấp đê biển đang là vấn đề cấp thiết và được ngành chức năng khẩn trương thực hiện nhằm tạo lá chắn vững vàng bảo vệ tài sản, đời sống Nhân dân.
Bờ biển bên ngoài đê biển Đông bị sạt lở, mất dần rừng phòng hộ.
Lá chắn bảo vệ người dân
Tại hai đoạn sạt lở thuộc ấp Biển Đông A, phường Hiệp Thành, tỉnh Cà Mau, giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng cũ (nay là TP Cần Thơ), đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện hệ thống cống và tuyến đường đê biển để đảm bảo an toàn. Dọc theo tuyến đê này vừa được xây dựng kè chắn sóng bên ngoài, gia cố chân kè bằng cách đổ đá xuống các hộc bị hư hại do sóng biển. Còn vị trí sạt lở gần chân đê đã được đặt các khối bê tông tản sóng hình tứ diện để ngăn chặn xói mòn nhằm gia cố các công trình ven biển như: tường chắn sóng, đê chắn sóng.
Biển cảnh báo khu vực sạt lở trên tuyến đê biển đoạn phường Hiệp Thành giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng cũ.
Nhà ở gần khu vực sạt lở, ông Lâm Đa Rít, ấp Biển Đông A, phường Hiệp Thành, chia sẻ: “Trước khi xây dựng kè bảo vệ đê, người dân sinh sống bên trong đê phải chịu cảnh phập phồng lo sợ những trận sóng lớn. Có lúc, sóng lớn đánh tràn qua thân đê chảy nước vào bên trong nhà, sóng mạnh đến mức làm nhà tôi rung chuyển. Hễ thấy gió to, sóng lớn là người dân không dám ở trong nhà nhưng kể từ khi hoàn thành kè chắn sóng thì người dân yên tâm hơn. Những đợt sóng lớn trong mấy ngày qua không còn tràn qua thân đê nữa”.
Ông Lâm Đa Rít bên vị trí bị sạt lở do sóng lớn, mưa bão.
Hiện đê biển Đông vẫn đang được nâng cấp khẩn trương, nhưng nhiều hộ dân vẫn bị đe dọa bởi mưa bão. Riêng hai ngày 15-16/7, khu vực đê biển phường Hiệp Thành có mưa lớn kèm dông, khiến người dân thấp thỏm lo lắng.
Anh Lê Văn Lâm, ấp Giồng Nhãn, cho biết: “Do sạt lở trước đây, một phần rừng phòng hộ ngoài đê bị cuốn trôi, nên giờ nhà tôi bên trong đê không còn cây chắn gió, chắn sóng. Nhà lại làm bằng gỗ nhỏ, không kiên cố, nên mỗi mùa mưa bão cả gia đình rất lo nhà sập”.
Tăng cường đầu tư, ứng phó sạt lở
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7/2025, khu vực biển Đông sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp của bão và áp thấp nhiệt đới. Lượng mưa tại đây được dự báo sẽ đạt mức tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.
Tuyến đê biển Đông được hoàn thành bảo vệ nhà ở, diện tích nuôi tôm của người dân.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, khu vực ven biển Đông trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở nghiêm trọng tại nhiều vị trí trọng yếu. Riêng phường Hiệp Thành hiện có 4 điểm nóng, trong đó có các đoạn thuộc tuyến đê biển Đông như: đoạn từ cống Chiên Túp 1 đến giáp ranh xã Lai Hòa (TP Cần Thơ) và đoạn từ cống Chiên Túp 1 đến đường Bạch Đằng.
Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, cho biết: “Mặc dù đã có một số biện pháp khắc phục, nhưng các điểm sạt lở trên tuyến đê biển Đông vẫn cần được tiếp tục nâng cấp để đảm bảo an toàn. Cụ thể, đối với đoạn từ cống Chiên Túp 1 đến giáp ranh xã Lai Hòa, phường sẽ kiến nghị xây dựng kè bê tông dài khoảng 46 m để xử lý dứt điểm sạt lở. Riêng đoạn từ cống Chiên Túp 1 đến đường Bạch Đằng, phần đất chân taluy yếu đã khiến mặt đường xuất hiện nhiều vết lún, nứt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cục bộ. Vì vậy, phường sẽ đề xuất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và nông thôn tỉnh kiểm tra, rà soát và đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời”.
Tuyến đê biển Đông thuộc phường Hiệp Thành được xây dựng tường chắn sóng.
Mặc dù, tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng nhưng khối lượng các dự án kè chống sạt lở trên địa bàn đê biển Đông vẫn còn dang dở hoặc chưa được đầu tư. Hiện nay, hàng loạt công trình như kè G6 trên địa bàn xã Long Điền, kè sông Cà Mau - Bạc Liêu (đoạn từ bến xe Hộ Phòng đến nhà thờ Tắc Sậy), kè hai bên bờ kênh 30/4 (từ cống Nhà Mát đến cầu Út Đen) hay dự án chống xói lở bờ biển Hiệp Thành đều đang trong tình trạng nằm chờ rót vốn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trước tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến nghiêm trọng, Chi cục đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để theo dõi, cập nhật tình hình và kịp thời báo cáo cấp trên. Trong đó, triển khai các giải pháp công trình được xem là giải pháp then chốt. Đối với khu vực đê biển Đông, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chống xói lở đoạn từ bờ biển Vĩnh Trạch Đông đến bờ biển Nhà Mát, với chiều dài tuyến kè 4,2 km, tổng kinh phí dự kiến 250 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai dự án chống xói lở bờ biển Gành Hào, chiều dài tuyến kè 2 km, kinh phí dự kiến khoảng 140 tỷ đồng”.
Đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện hệ thống cống và tuyến đường đê biển Đông.
Trước tình hình thời tiết phức tạp trong mùa mưa bão, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng hệ thống công trình đê điều ở biển Ðông và biển Tây nhằm phát hiện những hư hỏng, tiến hành triển khai sửa chữa, gia cố công trình, nhất là các khu vực trọng điểm đê điều xung yếu, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Hữu Thọ
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/khan-truong-nang-cap-de-bien-dong-a120781.html