Khẩn trương ngăn chặn bệnh dại

Khẩn trương ngăn chặn bệnh dại
một ngày trướcBài gốc
Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật (chó, mèo) sang người do virus dại gây ra. Khi đã lên cơn dại, cả người và động vật đều tử vong. Theo báo cáo dịch tễ, từ đầu năm 2025 đến nay toàn tỉnh Lai Châu đã có hàng trăm người bị chó, mèo cắn, trong đó có 2 trường hợp tử vong do mắc bệnh dại tại huyện Tân Uyên và thành phố Lai Châu. Với bản Bản Lang 2 (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) năm 2022 bệnh dại cũng từng xuất hiện. Chính thực trạng nuôi chó thả rông cộng với việc lưu hành vius dại trong môi trường tự nhiên, khi gặp điều kiện, thời tiết thuận lợi hoặc do vận chuyển chó, mèo qua đường từ xã này sang xã khác đã trở thành nguyên nhân phát sinh dịch bệnh tại xã Bản Lang.
Cán bộ xã Bản Lang tuyên truyền, vận động người dân nuôi nhốt chó mèo.
Cụ thể, vào khoảng 17 giờ ngày 3/3/2025, tại gia đình anh Vàng Văn Ngơm ở bản Bản Lang 2 (xã Bản Lang) có 1 con chó màu khoang trắng đen đến nhà cắn cháu Vàng Thiên Ân sinh năm 2016. Vị trí cắn ở mạn sườn, gia đình nhìn thấy rượt đuổi, chó chạy lên cắn tiếp 2 con chó của 2 hộ gia đình khác trong bản. Sau đó, mọi người trong bản hô hào vây bắt rồi đập chết, nghi chó bị bệnh dại, chính quyền địa phương báo cáo lên Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện và cùng thống nhất gửi mẫu đi xét nghiệm.
Anh Lành Văn Tương – Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lang cho biết: Khi có kết quả dương tính với bệnh dại, UBND xã chỉ đạo bộ phận chuyên môn, tổ an ninh rà soát thống kê đàn chó, yêu cầu nhốt hết chó. Tại bản Bản Lang 2 chúng tôi tiến hành phun tiêu độc khử trùng quanh khu vực phát hiện chó dại. Mời trưởng bản của 13 bản trong xã lên họp và yêu cầu tiến hành rà soát đàn chó, cho các hộ đăng ký vắc xin tiêm phòng và sẽ tiến hành tiêm đồng loạt ngay khi có vắc xin.
Công tác phun khử khuẩn được triển khai kịp thời tại khu vực chó dại cắn người ở bản Bản Lang 2 (xã Bản Lang).
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ cũng đã chủ động xây dựng hướng dẫn phòng chống bệnh dại chó, mèo; phối hợp với UBND xã Bản Lang tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện. Trong đó, chú trọng việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kiểm soát vận chuyển chó mèo ra vào địa bàn nhất là vận động người dân bị chó cắn đi tiêm phòng tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Chị Lò Thị Rén ở bản Bản Lang 2 kể: “Thiên Ân là cháu tôi. Thời điểm cháu bị chó cắn đúng lúc đang chơi trước sân nhà. Tôi đứng gần đó vội vã chạy sang đánh đuổi chó đi, sau đó cùng mẹ cháu rửa vết thương cho cháu bằng xà phòng rồi đưa ra Trạm y tế xã để sơ cứu. Đến sáng hôm sau, chúng tôi đưa cháu lên tỉnh tiêm phòng dại. Rất may đến giờ sức khỏe cháu ổn định và đã đi học trở lại.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, xác định vùng dịch dại là Bản Lang 2 (xã Bản Lang), vùng bị dịch uy hiếp là các bản trên địa bàn xã Bản Lang, vùng đệm là các xã giáp ranh với xã Bản Lang, ngày 7/3/2025 UBND huyện Phong Thổ công bố dịch bệnh dại động vật trên địa bàn xã Bản Lang. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp hướng dẫn và bố trí lực lượng, hóa chất, vật tư cùng UBND các xã tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Người dân xã Bản Lang xích chó cẩn thận, không cho ra ngoài đường.
UBND huyện giao cho Văn phòng HĐND-UBND, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với UBND các xã tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn; tuyên truyền, vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời. Đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc nuôi nhốt chó, mèo; không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
Bà Lý Thị Lọt -,người dân ở bản Hợp 1 (xã Bản Lang) nuôi 3 con chó để trông nhà. Con nhỏ được vài tháng, con to cũng hơn 2 năm tuổi. Hàng năm bà đều tiêm phòng dại cho chó đầy đủ. Năm nay, biết dịch bệnh dại xuất hiện bà đăng ký tiêm phòng ngay và chủ động xích chó trong khuôn viên gia đình.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự chung sức của bà con nhân dân đến thời điểm này, dịch bệnh dại trên địa bàn xã Bản Lang cơ bản được khống chế, không phát sinh người bị chó dại cắn. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó mèo thuộc diện tiêm đạt 90%. Dù vậy, theo khuyến cáo của cán bộ chuyên môn, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người dân không nên chủ quan mà cần chủ động vào cuộc bằng việc tiếp tục nuôi nhốt, xích chó, mèo cẩn thận, tiêm phòng vắc xin đúng lịch… để đảm bảo an toàn cho bản thân và cả cộng đồng.
Thanh Hoa Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/ban-doc-viet/khan-truong-ngan-chan-benh-dai-1291993